Bị Mỹ ép, Thổ Nhĩ Kỳ có thể bỏ mua tên lửa HQ-9 Trung Quốc

06/10/2013 08:06
Việt Dũng
(GDVN) - Bị Mỹ phản ứng quyết liệt vì tên lửa TQ "không tương thích với hệ thống vũ khí khác của NATO", Thổ Nhĩ Kỳ có thể thay đổi quyết định.
Tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9 Trung Quốc
Tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9 Trung Quốc

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 29 tháng 9 cho rằng, ngày 26 tháng 9 Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ lựa chọn Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC) hợp tác cùng chế tạo hệ thống phòng không tầm xa và phòng thủ tên lửa trị giá 4 tỷ USD.

Chương trình mua sắm tên lửa lần này của Thổ Nhĩ Kỳ được gọi là “T-Loramids”, gồm có mua radar, máy phóng và tên lửa đánh chặn. Thiết kế hệ thống này dùng để phòng thủ các cuộc tấn công của máy bay chiến đấu và tên lửa của kẻ thù, nhằm giải quyết vấn đề chưa có hệ thống phòng không tầm xa tin cậy hiện nay của nước này.

Tờ “Thời báo Tài chính” Anh cho rằng, quyết định này của Thổ Nhĩ Kỳ gây lo ngại cho các nước NATO, làm nảy sinh vấn đề về tính thông dụng và an toàn đối với NATO. Tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không được phép hòa nhập hệ thống của Trung Quốc vào hệ thống của NATO hiện nay.

Tờ “Quan điểm” Nga viết, sản phẩm Trung Quốc giành được hợp đồng của Thổ Nhĩ Kỳ là sản phẩm sao chép S-300 của Nga, đây là “việc không vui” đối với Nga.

Là một thành viên NATO, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không có hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa. Để ứng phó với mối đe dọa từ Syria, năm 2012, NATO triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot (do Mỹ chế tạo) tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo hãng Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn Trung Quốc xuất phát từ lý do giá cả, vì Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách để có được công nghệ mới, trong khi Mỹ không sẵn sàng chia sẻ. Đồng minh NATO rất lạnh nhạt với đề nghị hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ của họ, trong khi công ty Trung Quốc thì ngược lại (sẵn sàng chuyển giao công nghệ).

Tên lửa của hệ thống vũ khí phòng không tầm xa FD-2000 Trung Quốc
Tên lửa của hệ thống vũ khí phòng không tầm xa FD-2000 Trung Quốc

Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại khu vực Trung Đông, nhưng do sự thống trị của Erdogan, vai trò của Washington tại Thổ Nhĩ Kỳ giảm đi, “Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng có xu hướng áp dụng đường lối độc lập với đối tác phương Tây”.

Tờ “Thời báo Tài chính” Anh cho rằng, quyết định mua sắm của Thổ Nhĩ Kỳ đúng vào lúc quan hệ giữa họ với Mỹ căng thẳng, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ áp dụng hành động quân sự đối với Syria, nhưng Mỹ do dự không làm.

Tờ “Thời báo ngày nay” Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thông qua chương trình này để có được công nghệ Trung Quốc và nói với các nước châu Âu và Mỹ rằng, họ có đối tác tiềm năng khác ở các nơi trên thế giới.

Korotchenko, Chủ nhiệm Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới Nga cho rằng, việc này cho thấy, Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh của Nga trên thị trường vũ khí thế giới, trong đó có hàng hóa công nghệ cao như hệ thống tên lửa phòng không.

Hàng sao chép (S-300) này giành chiến thắng là việc không vui vẻ gì đối với Nga. “Trong tương lai, khi tiến hành hợp tác quân sự với Trung Quốc, cần tính đến hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Tất cả những thỏa thuận mới cung cấp vũ khí Nga cho Trung Quốc đều phải có nội dung cấm sản xuất không có giấy phép và sao chép”.

Về hệ thống phòng không HQ-9, Tân Hoa xã cho rằng, Hồng Kỳ (HQ) là tượng trưng của dòng tên lửa phòng không Trung Quốc. Sau cải cách mở cửa, các nhà khoa học Trung Quốc hoàn toàn không từ bỏ nỗ lực nghiên cứu chế tạo hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ thứ ba.

Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9

Bắt đầu từ năm 1992, Trung Quốc lần lượt nhập khẩu tên lửa phòng không tầm trung và xa dòng S-300 với số lượng tương đối của Nga. Tên lửa S-300 là tên lửa đất đối không tầm trung và xa thế hệ thứ ba do Liên Xô nghiên cứu chế tạo, đặc điểm nổi bật là đã áp dụng radar mảng pha, phương thức dẫn đường TVM và phóng thẳng tên lửa.

Báo Trung Quốc cho rằng, so với tên lửa đất đối không Patriot, do trình độ công nghệ lạc hậu nên các hệ thống con của tên lửa HQ-9 tương đối lớn, nhưng “trình độ tổng thể là tương đương”. Năm 1998, Trung Quốc đã trưng bày hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung và xa FT-2000. Các dấu hiệu (nhất là sự xuất hiện của tàu khu trục phòng không mới 052C) cho thấy, tên lửa phòng không tầm trung và xa HQ-9 đã đưa vào sử dụng.

Theo bài báo, cuối năm 2008, Trung Quốc đã trưng bày hệ thống tên lửa FD-2000 tại Triển lãm quốc phòng châu Phi ở Cape Town, Nam Phi – hệ thống tên lửa này được cho là phiên bản xuất khẩu của HQ-9.

Có thể từ bỏ do sức ép

Hãng tin Reuters cho rằng, Tổng công ty xuất nhập khẩu máy móc chính xác Trung Quốc (CPMIEC) đã ký thỏa thuận hợp tác sản xuất với Thổ Nhĩ Kỳ, trong tương lai sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không FD-2000 (tức là phiên bản xuất khẩu của tên lửa Hồng Kỳ-9, HQ-9) cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là lần đầu tiên nhà cung ứng vũ khí Trung Quốc giành được đơn đặt hàng lớn vũ khí tiên tiến từ nước thành viên NATO. Các nhà chế tạo đến từ Mỹ, Nga và Tây Âu cũng đã tham gia tranh thầu.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9, Không quân Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9, Không quân Trung Quốc

Theo bài báo, Thổ Nhĩ Kỳ vừa đưa ra quyết định Tổng công ty trên của Trung Quốc trúng thầu, đã gây bất ngờ cho các chuyên gia buôn bán vũ khí toàn cầu và các quan chức cấp cao NATO. Doanh nghiệp này bị Mỹ trừng phạt do “tiến hành giao dịch vũ khí với Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria”.

Oliver Brauner, nhà nghiên cứu về xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho rằng: “Nếu giao dịch này có thể trở thành hiện thực, thì ý nghĩa rất quan trọng. Nó chắc chắn sẽ trở thành một giao dịch mang tính cột mốc”.

Sau khi Mỹ bày tỏ “quan tâm nghiêm túc” đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống vũ khí có thể không tương thích với hệ thống vũ khí khác của NATO từ một công ty bị trừng phạt, ngày 30 tháng 9, Thổ Nhĩ Kỳ ngầm cho biết có thể họ sẽ thay đổi quyết định này.

Bài báo chỉ ra, Thổ Nhĩ Kỳ có thể vì sức ép mà từ bỏ giao dịch này, nhưng một số nhà bình luận Trung Quốc và các nước cho rằng, đối với Bắc Kinh, đây vẫn là thắng lợi mang ý nghĩa tượng trưng. Họ cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn FD-2000 chứ không phải là hệ thống vũ khí cùng loại nổi tiếng, cho thấy, công nghệ tên lửa và hàng không của Trung Quốc đã có sức cạnh tranh”.

Theo bài báo, sự lựa chọn của Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, đồng thời với việc đang mở rộng xuất khẩu các trang bị quân sự cơ bản như vũ khí cỡ nhỏ, pháo, xe bọc thép, xe thông dụng và tên lửa kiểu cũ, công nghiệp quốc phòng đang từng bước mạnh lên của Trung Quốc đang tìm cách trở thành nước cung ứng vũ khí công nghệ cao chi phí thấp.

Xe radar hệ thống vũ khí phòng không tầm xa FD-2000
Xe radar hệ thống vũ khí phòng không tầm xa FD-2000

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho rằng, trong 5 năm (2008-2012), Trung Quốc đã thay thế Anh, trở thành nước cung ứng vũ khí lớn thứ năm thế giới.

Theo bài báo, tăng trưởng chi tiêu quân sự hai con số hàng năm trong gần 30 năm qua đã đẩy nhanh xây dựng quân đội đầy tham vọng của Trung Quốc, đồng thời giúp cho các nhà chế tạo vũ khí Trung Quốc đã tăng cường chất lượng và tính năng vũ khí tự chế tạo và “phần cứng” quân sự.

Chuyên gia buôn bán vũ khí Vasilii Cashin, Trung tâm phân tích công nghệ và chiến lược Nga cho rằng: “Trung Quốc giành được đơn đặt hàng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ là có đủ lý do. Nhân tố cốt lõi là giá cả và sẵn sàng chuyển nhượng công nghệ”.

Có phân tích cho rằng, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phản ánh, những năm gần đây, quan hệ song phương Trung Quốc-Thổ Nhĩ Kỳ ấm lên, hợp tác quốc phòng ngày càng tăng cường.

Báo Trung Quốc tin rằng, giao dịch với Thổ Nhĩ Kỳ này sẽ mở ra cánh cửa lớn để Trung Quốc giành được nhiều hơn đơn đặt hàng công nghệ cao từ phương Tây và các thị trường khác. Vì bài báo tự tin rằng, dù sao thì tính năng của tên lửa FD-2000 đã đáp ứng được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ!

Xe chỉ huy hệ thống vũ khí phòng không tầm xa FD-2000
Xe chỉ huy hệ thống vũ khí phòng không tầm xa FD-2000
Việt Dũng