Bí mật của Không quân Trung Quốc đã hé lộ

04/03/2012 13:25
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Các căn cứ không quân dưới lòng đất của Trung Quốc giúp cho máy bay, con người… được bảo vệ an toàn, hoạt động sẵn sàng chiến đấu được giữ bí mật.
Máy bay chiến đấu tiến vào Kho chứa máy bay dưới lòng đất của Không quân Trung Quốc.
Máy bay chiến đấu tiến vào Kho chứa máy bay dưới lòng đất của Không quân Trung Quốc.

Mạng bình luận quân sự Nga đưa tin, Không quân Trung Quốc xây dựng khoảng 40 căn cứ hàng không dưới lòng đất, có khả năng chịu được các cuộc không kích của đối phương một cách độc nhất vô nhị.

Kẻ thù muốn san bằng hoặc tạm thời làm tê liệt những sân bay dưới lòng đất này, chắc chắn phải trả một cái giá tương đối lớn, phải sử dụng rất nhiều bom đạn xuyên vào lòng đất có độ chính xác cao và uy lực siêu mạnh.

Do các căn cứ dưới lòng đất của Không quân Trung Quốc rất bí mật, các động thái trong sân bay rất khó bị vệ tinh, thiết bị quan sát trên không và mặt đất của đối phương phát hiện, vì vậy có thể bí mật hoàn thành công tác sẵn sàng chiến đấu, chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ chiến đấu bất cứ lúc nào.

Được biết, trong công sự dưới lòng đất cỡ lớn của Trung Quốc ít nhất có thể chứa được 1.500 máy bay tác chiến, nếu không phải chỉ đỗ máy bay ở đường hầm chính, thậm chí có thể nhiều hơn, lượng chứa đã vượt tổng số máy bay chiến đấu hiện đại hiện có của Quân đội Trung Quốc.

Nhìn vào cấp độ chiến lược, các cơ sở hạ tầng hàng không dưới lòng đất có thể bảo đảm cho Quân đội Trung Quốc tấn công tập trung (mật tập) chống lại kẻ thù, tránh được máy bay chiến đấu của mình bị quân đội đối phương tiêu diệt trên mặt đất, từ đó ép buộc bất cứ kẻ địch mạnh nào gồm cả Mỹ, một khi có ý đồ tiến hành tấn công mang tính quyết định đối với máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc, thì chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.

Kho chứa máy bay dưới lòng đất.
Kho chứa máy bay dưới lòng đất.

So với không quân các cường quốc khác, một trong những đặc điểm độc nhất vô nhị của Không quân Trung Quốc chính là sử dụng rộng rãi sân bay dưới lòng đất hoặc hầm che chắn siêu cấp.

Nhìn vào tình hình được báo giới công khai và các hình ảnh vệ tinh do thám Mỹ phát hiện được, Trung Quốc có ít nhất 40 sân bay dưới lòng đất.

Nhìn vào lịch sử, để đảm bảo hết mức cho máy bay và các công trình hạ tầng cơ sở rất quan trọng của nước mình không bị đối phương không kích phá hủy, Không quân Thụy Điển, Thụy Sĩ, CHDCND Triều Tiên, các nước Nam Tư cũ và Albania từng sử dụng sân bay dưới lòng đất.

Họ sở dĩ làm như vậy, thường là do họ thuộc bên phòng thủ bị động, muốn cố gắng bảo vệ lực lượng máy bay tác chiến, giữ được sức mạnh của không quân.

Mặc dù tác dụng cơ bản của công sự dưới lòng đất là bảo vệ máy bay, con người, nhiên liệu, đạn dược và thiệt bị phụ trợ, tránh bị phá hủy thông thường, phá hủy hạt nhân và phá hủy bởi vũ khí sinh hóa, đồng thời còn có một lợi thế quan trọng,

đó là có thể cho máy bay tác chiến triển khai bố trí thông thường giữ được bí mật, che chắn các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, cho đến khi máy bay cất cánh để tác chiến thì các thiết bị do thám trên không, trong không gian vũ trụ và trên mặt đất của đối phương mới có thể phát hiện được.

Nhưng, sử dụng các công sự dưới lòng đất cũng có những yếu điểm, đặc biệt là công trình xây dựng chịu sự hạn chế của điều kiện địa chất, lượng công trình tương đối lớn, dễ bị nước thấm, mức độ an toàn không lạc quan.

Được biết, Trung Quốc bắt đầu xây dựng công sự dưới lòng đất từ khi tập trung xây dựng sân bay vào thập niên 1950.

Những hình ảnh chụp từ năm 1962-1963 của vệ tinh KH-4 Corona IMINT được Mỹ giải mật, đã phơi bày những cơ sở hàng không dưới lòng đất này, bao gồm đường băng phụ và đường/khe trượt được xây dựng như thế nào.

Cách đây không lâu, Google công bố rất nhiều hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao, đã phơi bày rất nhiều căn cứ dưới lòng đất của Không quân Trung Quốc.

Thông qua nghiên cứu các tài liệu phơi bày các căn cứ hàng không dưới lòng đất của Trung Quốc, phương Tây phát hiện, một số địa chỉ lựa chọn của các căn cứ dưới lòng đất có thể đoán được, chuyên chọn ở các khu vực thích hợp cho xây dựng kho chứa máy bay dưới lòng đất ở lân cận sân bay trên mặt đất;

một số khu vực có thể phát hiện những dấu vết xây dựng đường/khe trượt và cửa lớn của kho chứa máy bay, chứng minh những căn cứ này vẫn đang được bảo vệ và xây dựng.

Một số khu vực khác, chẳng hạn như bên cạnh căn cứ Lăng Thủy (ở đông nam đảo Hải Nam – Trung Quốc) có sườn núi tương đối lớn, hiện nay tuy còn chưa có bất cứ bằng chứng nào về xây dựng kho chứa máy bay dưới lòng đất hoặc đường trượt, nhưng không loại trừ khả năng mở rộng xây dựng khó chứa máy bay dưới lòng đất trong tương lai.

Ngoài ra, hiện nay Không quân Trung Quốc có lượng nhỏ công sự dưới lòng đất bị bỏ hoang, thường có liên quan đến chuyển sân bay lân cận thành sân bay dân dụng và việc mở rộng nhanh chóng tiến trình đô thị hóa, chẳng hạn căn cứ máy bay chiến đấu đảo Đại Sơn (Hàng Châu-Chiết Giang) và Nghi Đô (Nghi Xương-Hồ Bắc).

Mặc dù những năm gần đây rất nhiều sân bay quân sự đã bị chuyển đổi thành sân bay dân sự, nhưng vẫn có một số công trình có thể phục vụ cho quân đội sử dụng.

Những bí mật có liên quan tới cơ cấu bên trong công sự dưới lòng đất của Không quân Trung Quốc có thể bị rò rỉ từ Albania.

Trung Quốc bảo mật nghiêm ngặt các căn cứ không quân dưới lòng đất, nhưng trước đây Trung Quốc từng hỗ trợ xây dựng sân bay dưới lòng đất cho nước khác, sử dụng các đặc điểm quy tắc, cấu trúc và kỹ thuật xây dựng tương đồng,

do đó không thể ngăn chặn có hiệu quả sự phổ biến những tài liệu có liên quan, từ đó bị rò rỉ, làm cho những khiếm khuyết trong cơ cấu và sử dụng sân bay dưới lòng đất của họ bị lộ trước đối thủ tiềm tàng.

Được biết, từ thập niên 1960, rất nhiều nước nhập khẩu nhiều máy bay Trung Quốc, bao gồm J-6, J-7, nhưng chỉ có CHDCND Triều Tiên và Albania còn mời Trung Quốc giúp đỡ họ xây dựng sân bay dưới lòng đất mang đặc sắc Trung Quốc.

Cho đến cuối thập niên 1970, Albania luôn được Trung Quốc viện trợ. Sau khi những hình ảnh về sân bay dưới lòng đất của Albania bị lộ, diện mạo cơ bản của các căn cứ hàng không dưới lòng đất của Không quân Trung Quốc cũng rất dễ bị báo giới và chuyên gia suy đoán được.

Đông Bình (Theo Mil)