Biển Đông: Trung Quốc lại doạ nạt bằng hỏa lực mồm, tàu đệm khí

19/04/2014 09:32
Đông Bình
(GDVN) - Hỏa lực mồm của Trung Quốc tiếp tục đe dọa các nước Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Đài Loan... bằng việc chuẩn bị biên chế tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr.
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr của Hải quân Trung Quốc (hình ảnh do dân mạng tuyên truyền)
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr của Hải quân Trung Quốc (hình ảnh do dân mạng tuyên truyền)

Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 14 tháng 4 đăng bài viết cho rằng, Trung Quốc có đường bờ biển dài ở duyên hải phía đông từ bắc xuống nam, có rất nhiều đảo, đá ngầm, nhưng Trung Quốc còn tồn tại tranh chấp biển phức tạp với nhiều nước láng giềng (thực chất, ở Biển Đông, Trung Quốc là người cố tạo ra tranh chấp, bởi vì đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc), vì vậy, tàu đổ bộ đệm khí Zubr khi đưa về Trung Quốc đã gây chú ý.

Gần đây, cùng với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đến thăm Trung Quốc, bất đồng giữa Trung-Mỹ trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, bán vũ khí cho Đài Loan tiếp tục nổi cộm, tàu đệm khí Zubr triển khai ở đâu tiếp tục được dư luận quan tâm.

Dáng dấp biên đội Zubr đã xuất hiện, có thể ảnh hưởng đến tranh chấp đảo Senkaku?

Theo trang mạng tin tức Kafanews.com của Ukraine, mạng tin Tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 3 tháng 3 năm 2014 cho biết, do tình hình Ukraine căng thẳng, để ngăn chặn mối đe dọa hành động quân sự tiềm tàng của Nga, Ukraine bàn giao trước tàu đổ bộ đệm khí Type 12322 Zubr cho Trung Quốc, đây là chiếc tàu đệm khí Zubr thứ hai mà Ukraine bàn giao cho Trung Quốc.

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo

Đến đây, ít nhất có 2 tàu đệm khí Zubr đã lắp ráp đầy đủ và sẵn sàng, có khả năng chuẩn bị trang bị cho Hải quân Trung Quốc. Được biết, chiếc tàu đệm khí Zubr đầu tiên lắp ráp trong nước cũng đã cơ bản hoàn thành, cùng với việc biên chế chiếc tàu Zubr này, dáng dấp biên đội Zubr đã xuất hiện.

Sau khi 4 tàu đệm khí Zubr đi vào hoạt động toàn bộ, có thể tăng cường khả năng tác chiến đổ bộ cho Thủy quân lục chiến Trung Quốc ở trên các phương hướng trọng điểm, đồng thời có thể cũng cấp hỗ trợ về tiếp tế hàng ngày, thay đổi nhân viên, diễn tập phòng thủ hiệp đồng cho binh sĩ đồn trú trên các đảo.

Truyền thông Canada trước đây từng cho rằng, một  khi Trung Quốc trang bị loại tàu đệm khí này, chắc chắn sẽ làm cho kế hoạch phòng thủ của các nước đòi hỏi chủ quyền Biển Đông trở nên phức tạp, cũng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới tranh chấp đảo Senkaku giữa Trung-Nhật.

Mạng sina dẫn “nguồn tin chưa được xác nhận” cho biết, Hải quân Trung Quốc đang xây dựng (trái phép) căn cứ bảo trì, bảo dưỡng tàu đổ bộ đệm khí Zubr trên các đảo như đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1974 khi Việt Nam còn đang tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước), do đó, tàu này có thể được triển khai trước tiên ở đây, điều này chắc chắn làm cho rất nhiều đảo, đá ngầm có Hải quân Trung Quốc đồn trú (trái phép) trên Biển Đông "được bảo vệ có hiệu quả".

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo

Có thể điều 1 tiểu đoàn đến đảo Senkaku trong vòng 4 giờ

Bài báo tuyên truyền xuyên tạc cho rằng, hiện nay, môi trường chiến lược xung quanh Trung Quốc đã xuất hiện một số thay đổi mới, vấn đề Biển Đông và vấn đề biển Hoa Đông (đảo Senkaku) đang trở nên phức tạp trong bối cảnh có sự can thiệp của một số nước lớn, một số nước láng giềng vẫn "ôm tâm lý ăn may", có ý định tận dụng cơ hội "Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" hỗ trợ cho hành động của mình.

Theo bài báo, hiện nay, nhu cầu đánh chiếm đổ bộ của Trung Quốc đều phức tạp hơn Mỹ và Liên Xô cũ, vừa phải chuẩn bị cho đổ bộ tác chiến biển xa (xâm lược đảo,đá) đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đảo Senkaku và quần đảo Ryukyu (của Nhật Bản), vừa phải luôn duy trì khả năng tác chiến đổ bộ biển gần "ngăn chặn Đài Loan độc lập".

Việc biên chế tàu đệm khí Zubr giúp cho Hải quân Trung Quốc có khả năng điều động đổ bộ nhanh chóng. Ngoài ra, triển khai loại tàu đổ bộ này cũng có lợi cho Quân đội Trung Quốc dùng phương thức tập kích chiến thuật để đổ bộ, nhanh chóng đánh chiếm trận địa bờ biển của các đảo, đá ngầm, mở đường an toàn cho lực lượng phía sau.

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo

Theo báo chí các nước, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn Zubr có lượng giãn nước tiêu chuẩn là 480 tấn, lượng giãn nước đầy đạt 555 tấn, tốc độ cao nhất là 63 hải lý/giờ, tàu này có thể đồng thời vận chuyển 3 chiếc xe tăng chiến đấu 40 tấn như xe tăng chiến đấu T-80 hoặc 8 chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-2, hoặc 10 chiếc xe bọc thép БТР-80 (hoặc 130 tấn vật tư), trên tàu có 4 khoang đổ bộ, tổng cộng có 140 chỗ ngồi cho lính đổ bộ, khi cần thiết có thể lắp thêm hoặc tháo dời ghế ngồi ở khoang vận chuyển vũ khí trang bị, làm cho quân số mang theo đạt 500 người, tương đương với lực lượng 1 tiểu đoàn.

Về động cơ, tàu đệm khí Zubr trang bị 5 tua bin khí NK-12 MV (MT-70), Ukraine đánh số là UGT-6000, mỗi động cơ 10.000 mã lực, do có lực đẩy tới 58.000 mã lực, tốc độ tối đa của tàu Zubr lên tới 63 hải lý/giờ (khoảng 115 km/giờ), nó chỉ cần 2 giờ đồng hồ là có thể vượt qua eo biển Đài Loan, 4 giờ là có thể hoàn thành một "chuyến đi", không cần tiếp nhiên liệu có thể thực hiện hai "chuyến đi".

Nếu dùng cho tác chiến đánh chiếm đảo Senkaku, tàu đổ bộ đệm khí Zubr sẽ xuất phát từ duyên hải đất liền của Trung Quốc, 3 giờ có thể đến nơi, 6 giờ có thể quay trở lại (chưa chắc, vì sẽ bị Nhật Bản tấn công, tiêu diệt ), lượng dầu mang theo có thể hỗ trợ cho một chiến dịch tác chiến đổ bộ như vậy.

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo

Trong khi đó, nếu sử dụng tàu đổ bộ này cho Biển Đông, bán kính tác chiến của nó sẽ bao trùm lên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc xâm lược của Việt Nam vào năm 1974), nếu lấy quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) làm căn cứ (trái phép), thì bán kính tác chiến của nó sẽ bao trùm lên hầu hết các đảo, đá ngầm hiện do Việt Nam, Philippines kiểm soát (báo Trung Quốc tuyên truyền là đảo đá có tranh chấp và của Trung Quốc).

Trên phương diện đổ bộ, bài báo tự tin cho rằng, tàu đổ bộ đệm khí Zubr có thể trực tiếp đổ bộ lên bờ với tốc độ cao, không cần tiến hành trung chuyển "tàu đối thuyền" tốn thời gian và công sức, có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian. Khi chạy tốc độ cao, tàu đệm khí có đặc điểm "trôi trên mặt nước", cũng không cần lo ngại ngư lôi của tàu ngầm địch tấn công (đã có máy bay, tên lửa - PV), như vậy không cần tổ chức lực lượng hộ tống săn ngầm, sau khi đoạt lấy quyền kiểm soát trên không ở vùng biển xung quanh mục tiêu thì lập tức có thể triển khai đổ bộ.

Những khả năng trên đã cung cấp một bảo đảm phương tiện quân sự linh hoạt cho Trung Quốc xử lý những tình huống bất ngờ ở xung quanh, một khi có sự cố, Hải quân Trung Quốc có thể nhanh chóng điều động lực lượng đến những đảo, đá ngầm có liên quan, chiếm thời cơ trước trong cuộc "đấu tranh quân sự" (tấn công vũ lực), tàu đổ bộ đệm khí Zubr đã nâng cao khả năng phản ứng nhanh các sự kiện bất ngờ cho lực lượng, là một mối đe dọa thực sự cho một số nước “có ý đồ” - báo Trung Quốc đe dọa.

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo

Tàu đệm khí Zubr "trang bị tận răng"

Tàu đệm khí cỡ lớn Zubr là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất trên thế giới hiện nay, độ cao của tàu này tương đương ngôi nhà 4 tầng (là mục tiêu khổng lồ dễ tấn công!), độ dài tương đương với 5 xe khách cỡ lớn nối với nhau.

Theo dự đoán, lượng giãn nước đầy của tàu đổ bộ lớp Zubr gần gấp 4 lần tàu đổ bộ đệm khí LCAC của Mỹ, chiều dài và rộng đều gần gấp 2 lần. Đến nay, Mỹ vẫn chưa nghiên cứu chế tạo và trang bị tàu đệm khí có trọng tải tương đương, "trước tàu đệm khí Zubr thì tàu đệm khí của Quân đội Mỹ giống như một ô tô đồ chơi" - báo Trung Quốc mỉa mai.

Báo Trung Quốc tự tung tin cho rằng, ngoài khả năng vận tải "siêu mạnh", tàu đổ bộ đệm khí Zubr còn có vũ khí trang bị "cực kỳ biến hóa". Nhiều nòng pháo phòng không, tên lửa phòng không hạng nhẹ đầy đủ, hỏa lực có thể so sánh với một tàu hộ vệ hạng nhẹ.

Về vũ khí trang bị, tàu này lắp 2 hệ thống pháo phòng thủ gần AK-630 với 6 nóng cỡ 30 mm, 8 thiết bị phóng hệ thống tên lửa phòng không Igla-1M, 2 máy phóng MC-227 với 22 nòng dành cho tên lửa không điều khiển 140 mm, cơ số đạn là 132 viên, khi thực hiện nhiệm vụ rải thủy lôi có thể mang theo 20 - 80 quả thủy lôi.

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo

Trang bị những vũ khí này giúp cho tàu đổ bộ đệm khí Zubr có thể độc lập tiến hành chọc thủng phòng thủ bờ biển mà không cần sự yểm trợ của các tàu chiến khác, có nghĩa là, tàu đổ bộ đệm khí Zubr có thể đổ bộ ở “bờ biển không được xây dựng công sự”, cung cấp hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo, đá ngầm, đồng thời còn có thể vận chuyển và bố trí lá chắn thủy lôi.

Khả năng độc lập thực hiện nhiệm vụ là sự khác biệt lớn nhất giữa tàu Zubr với tàu đổ bộ đệm khí thế hệ mới của Quân đội Trung Quốc và tàu đổ bộ đệm khí LCAC của Quân đội Mỹ. So với tàu đổ bộ đệm khí LCAC "tay không tấc sắt" của Mỹ, tàu Zubr có thể nói là "trang bị tận răng".

Trong cuộc diễn tập quân sự "Phương Tây - 2013" do Nga tổ chức cách đây không lâu, Hải quân Nga đã điều động một tàu đệm khí Zubr tiến hành tác chiến đổ bộ bờ biển. Tàu đệm khí Zubr đã "xé sóng chém sóng" xông lên bờ biển, đổ bộ binh sĩ và xe bọc thép, thể hiện về mặt tác chiến rất tốt.

Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng Zubr do Ukraine chế tạo
Đông Bình