Binh sĩ Trung Quốc có nhúng được gót giày vào Ấn Độ Dương?

25/02/2013 15:17
Theo Tiếng Nói Nước Nga
(GDVN) - "Binh sĩ Trung Quốc có nhúng gót giày vào Ấn Độ Dương?" là tiêu đề bài bình luận được đăng trên Đài Tiếng nói nước Nga.
Thời gian sắp tới, lính Trung Quốc sẽ không xuất hiện trên bờ Ấn Độ Dương, tuy nhiên, trong tương lai không loại trừ khả năng thành lập căn cứ hải quân Trung Quốc tại cảng Gwadar của Pakistan.


Đây là dự đoán của chuyên viên Tatyana Shaumyan từ Viện Phương Đông học. Bà Shaumyan cho rằng, Chính phủ Ấn Độ có cơ sở để bày tỏ sự lo ngại trước việc cảng chiến lược Gwadar ở miền Nam Pakistan sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.

Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arakkaparambil Kurian Antony đã tuyên bố rằng, nước ông lo ngại với việc cảng Gwadar đã được chuyển giao cho Trung Quốc. Chuyên viên Tatyana Shaumyan nhận xét rằng, New Delhi thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến vấn đề này.

Ngay từ năm 2007 trong quan hệ Ấn-Trung đã xuất hiện tình hình căng thẳng xung quanh Gwadar sau khi Trung Quốc bắt đầu các công việc xây dựng tại cảng này. Phản ứng của Ấn Độ là dễ hiểu. Chuyên viên Tatiana Shaumyan nói: “Trung Quốc sẽ hiện diện ở cả hai bên Ấn Độ: trên đoạn đường biên giới ở Tây Tạng và ở phía Nam, tại cảng Gwadar ở Vịnh Ba Tư trên địa bàn Pakistan.

Ngoài ra, Trung Quốc hoạt động ngày càng tích cực ở Ấn Độ Dương. Đây là khu vực chiến lược quan trọng, từ vùng này có thể kiểm soát tình hình ở Nam Á và Đông Nam Á, ở Trung Đông và trên bờ biển châu Phi. Vì vậy, mỗi hành động nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc trong khu vực đều gây sự lo ngại của Ấn Độ”.

Bắc Kinh phủ nhận thông tin rằng, hải quân Trung Quốc sẽ sử dụng cảng này như một căn cứ quân sự. Tuy nhiên, các chuyên gia không nghi ngờ rằng, Trung Quốc rất muốn để các tàu chiến của nước này được tiếp cận Gwadar. Đặc biệt là bên cạnh đó bố trí căn cứ quân sự của Hải quân Pakistan. Trong tam giác Ấn Độ - Pakistan - Trung Quốc ghi nhận đợt căng thẳng mới.

Chuyên viên Tatiana Shaumyan nói: “Tôi không có cảm giác rằng, Trung Quốc đang cố gắng thiết lập các căn cứ quân sự trên khắp thế giới. Nhưng, Gwadar là yếu tố quan trọng nhằm củng cố quan hệ quân sự giữa Pakistan và Trung Quốc. Đối với Ấn Độ, đó là cơn ác mộng.

Dù chưa nói lên ý định cụ thể thành lập căn cứ quân sự, nhưng, trong tương lai có thể xuất hiện dự án này. Chúng ta sẽ thấy. Rõ ràng là Trung Quốc đang tăng cường vị thế của mình ở khu vực Ấn Độ Dương. Hiện nay, nhiều cầu thủ tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Cuộc tranh đua đã bắt đầu vào những năm 80 và bây giờ đã lên cấp độ mới. Có thể đổ lỗi cho Ấn Độ Dương về đợt căng thẳng mới giữa Ấn Độ và Trung Quốc xung quanh Gwadar”.

Một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể bố trí tại cảng Gwadar hệ thống sonar để kiểm soát hoạt động của Hải quân Mỹ ở Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương, cũng như theo dõi các hành động trong khuôn khổ sự hợp tác trên biển giữa Ấn Độ và Mỹ.

Về thái độ của Hoa Kỳ đối với bước nhảy vọt của Trung Quốc tới Gwadar, bà Tatiana Shaumyan nói: “Mỹ sẽ ủng hộ Trung Quốc để kiềm chế sự nổi lên của Ấn Độ. Mặt khác, Hoa Kỳ sẽ lợi dụng Ấn Độ để giảm tác động của Trung Quốc, nước đang gia tăng sức mạnh. Trò chơi như vậy được gọi là “triple play”. Mỹ muốn hạn chế sự phát triển nhanh chóng của cả Ấn Độ và Trung Quốc”.

Trong bất kỳ trường hợp nào, Gwadar trong tay của Trung Quốc tạo ra tình hình địa chính trị mới. Đây là địa điểm mới đánh dấu sự hiện diện của Trung Quốc trên các tuyến đường biển quốc tế.
Theo Tiếng Nói Nước Nga