Châu Á chạy đua tàu ngầm với Trung Quốc, Nhật sẽ bán 6 tàu ngầm cho Ấn Độ

27/04/2015 06:10
Đông Bình
(GDVN) - Nhiều nước châu Á-Thái Bình Đương đang tìm cách xây dựng, tăng cường năng lực hạm đội tàu ngầm, đáng chú ý như Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc...

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 25 tháng 4 dẫn trang mạng nguyệt san "Lợi ích quốc gia" Mỹ ngày 23 đưa tin, Thái Lan trở thành một quốc gia châu Á mới nhất tìm cách phát triển lực lượng tàu ngầm.

Theo bài báo, truyền thông địa phương cho biết, Hải quân hoàng gia Thái Lan đã chính thức đệ trình đề án lên nội các, hy vọng nội các chi tiền ủng hộ kế hoạch tàu ngầm này.

Tư lệnh Hải quân Thái Lan, Đô đốc Kraisorn Chansuvanich đã giải thích lý do Hải quân muốn sở hữu tàu ngầm.

Tờ "Khao Sod" Thái Lan dẫn lời Đô đốc Kraisorn Chansuvanich cho biết: "Giống các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore sớm đã sở hữu tàu ngầm nhiều năm trước. Tôi cho rằng, đây là một trong những nội dung của chiến lược quân sự nhằm tăng cường thực lực của lực lượng vũ trang chúng tôi".

Cách làm mua sắm tàu ngầm của Thái Lan phù hợp với chiều hướng phát triển của khu vực châu Á. Trên thực tế, gần đây châu Á dường như đã rơi vào trạng thái tương tự như chạy đua vũ trang tàu ngầm, rất nhiều nước đều đang mở rộng hạm đội dưới nước của mình.

Tàu ngầm thông thường của Hải quân Malayssia mua của Pháp
Tàu ngầm thông thường của Hải quân Malayssia mua của Pháp

Ba nước tiếp giáp eo biển Malacca gồm Singapore, Malaysia và Indonesia đều đã mua sắm tàu ngầm tiên tiến. Đặc biệt là Indonesia, họ đã đưa ra kế hoạch tham vọng, muốn mua ít nhất 10 tàu ngầm trước năm 2024, cuối cùng có thể đưa số lượng tàu ngầm của nước này lên tới 14 - 16 chiếc.

Việt Nam cũng đang nỗ lực tăng cường lực lượng tàu ngầm của mình. Điều gây chú ý nhất là, Việt Nam đang mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, tổng trị giá lên tới 2,6 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã sở hữu ít nhất 3 tàu ngầm như vậy.

Ngoài ra, Đài Loan hiện nay đã có 4 tàu ngầm, nhưng vẫn đang tìm cách để bên ngoài hỗ trợ phát triển năng lực tự chủ nghiên cứu phát triển tàu ngầm động cơ diesel-điện. Hạm đội tàu ngầm của Nhật Bản là một trong hai hạm đội tàu ngầm có thực lực hùng hậu nhất toàn cầu, họ còn đang cùng Australia thảo luận vấn đề bán tàu ngầm tiên tiến nhất của nước này cho Australia. Nhật Bản có thể cũng sẽ bán 6 tàu ngầm cho Ấn Độ.

Hàn Quốc cũng đang không tiếc sức lực để phát triển lực lượng tàu ngầm, tàu ngầm đưa vào sử dụng hiện nay khoảng 13 chiếc. Hàn Quốc cũng đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng, muốn tiếp tục tăng số lượng tàu ngầm trong vài năm tới.

Philippines cũng cho biết có ý định xây dựng hạm đội dưới nước.

Theo bài báo, thực lực quân sự ngày càng tăng cường của Trung Quốc trở thành hậu thuẫn cho "nguyện vọng cấp bách" tăng cường thực lực tàu ngầm của họ. Chính phủ Trung Quốc những năm gần đây nhanh chóng mở rộng hạm đội tàu ngầm, hiện nay số lượng tàu ngầm trong biên chế thậm chí vượt Mỹ.

Nhưng, đồng thời, thực lực tác chiến săn ngầm của Trung Quốc luôn lạc hậu, ở vùng biển cách xa lãnh thổ, điểm yếu này đặc biệt nổi bật. Như vậy, rất nhiều quốc gia có tranh chấp trên biển với Trung Quốc coi tàu ngầm là thực lực phi đối xứng quan trọng, hy vọng có thể dựa vào thực lực này để đánh bại thách thức quân sự từ nước láng giềng to xác Trung Quốc.

Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn không chỉ giới hạn ở các nước nhỏ Đông Nam Á. Ngay cả rất nhiều nhà phân tích Mỹ cũng cho rằng, Mỹ muốn chống lại thực lực quân sự ngày càng tăng trưởng của Trung Quốc, tàu ngầm là trang bị cực kỳ quan trọng.

Chính như Dave Majumdar gần đây đã viết trên một tờ báo: "Địa vị ưu thế của tàu sân bay Hải quân Mỹ không ngừng bị thách thức bởi các loại vũ khí mới, phát triển tàu ngầm tên lửa động cơ hạt nhân mới sẽ là then chốt duy trì bá quyền trên biển trong tương lai của Mỹ".

Đông Bình