“Chiến lược cờ vây” Trung Quốc phải đối đầu chiến lược châu Á của Mỹ

14/12/2013 10:20
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc thực hiện chiến lược cờ vây, có thể lập Khu nhận biết phòng không Biển Đông trong tương lai, từng bước mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hàn Quốc (ngày 6 tháng 12 năm 2013)
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Hàn Quốc (ngày 6 tháng 12 năm 2013)

Tân Hoa xã ngày 11 tháng 12 dẫn trang mạng Bloomberg ngày 10 tháng 12 có bài viết nhan đề “Trung Quốc thực hiện chiến lược trò chơi bàn cờ làm suy yếu tái cân bằng của Mỹ ở châu Á”.

Chiến lược chính sách đối ngoại do Ban lãnh đạo mới Trung Quốc thực hiện có thể gồm có một loạt các bước đi “tiệm tiến” nhằm làm suy yếu vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, đồng thời làm lây lan sự ngờ vực về cam kết của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực.

Sau một năm lên làm nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng bí thư Tập Cận Bình đang thực hiện các biện pháp để tăng cường vị thế của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời ngăn chặn Mỹ gia tăng triển khai lực lượng quân sự ở châu Á.

Người phụ trách chương trình châu Á của Quỹ hòa bình quốc tế Carnegie tại Washington là Douglas Parr cho rằng, các biện pháp này gồm có tuyên bố thiết lập “Khu nhận biết phòng không”, hành động này chưa đến mức gây ra đối đầu trực tiếp, nhưng đã làm thay đổi phạm vi ảnh hưởng địa lý một cách thích hợp.

Douglas Parr nói: "Trung Quốc đang thực hiện chiến lược cờ vây cổ điển, không e ngại thực hiện một số bước đi để mở rộng vai trò ảnh hưởng, những hành động này vừa không trực tiếp gây ra xung đột bạo lực, vừa sẽ không dẫn đến sự phản ứng quá mức. Trung Quốc có thể làm như vậy ở Biển Đông trong tương lai, nhưng họ còn trì hoãn, bởi vì Trung Quốc đang triển khai thêm radar và cơ sở đánh chặn".

Mỹ triển khai máy bay do thám không người lái Global Hawk ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ triển khai máy bay do thám không người lái Global Hawk ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giáo sư chiến lược Hugh White, Đại học Quốc gia Australia cho rằng, hành động của Trung Quốc nhằm gửi một thông điệp tới Mỹ: Trung Quốc thực sự đang thách thức trật tự châu Á do Mỹ chiếm vị trí thống trị đã 40 năm.

Hugh Whtie là tác giả của cuốn sách "Sự lựa chọn của Trung Quốc: Tại sao Mỹ cần chia sẻ quyền lực với Trung Quốc". Ông cho rằng: "Người Trung Quốc đang nói với Mỹ: Chúng tôi có thái độ nghiêm túc đối với vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi ‘hành động khiêu khích’ để thuyết phục các anh ứng xử nghiêm túc với sự thực - chúng tôi muốn làm thay đổi trật tự này".

Mặc dù Trung Quốc đã triển khai các biện pháp mở rộng sự hiện diện trên không và trên biển của họ, với tính chất là một phần của chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương do Tổng thống Barack Obama đề xuất, Mỹ cũng đã điều nhiều máy bay trinh sát hơn tới Nhật Bản, đồng thời đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Guam. Mỹ sẽ lần lượt điều 2.500 binh sĩ Thủy quân lục chiến từ Okinawa, Nhật Bản đến thành phố Darwin, Australia.

Khi thăm Trung Quốc vào tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ là Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của họ.

Máy bay tấn công không người lái X-47B sẽ trang bị cho tàu sân bay Mỹ trong tương lai.
Máy bay tấn công không người lái X-47B sẽ trang bị cho tàu sân bay Mỹ trong tương lai.

Trong khi đó, trong cuộc chiến chống lại vai trò ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc cũng rất coi trọng mặt trận ngoại giao. Khi Barack Obama bị phân tâm bởi căng thẳng chính trị trong nước và Trung Đông, Trung Quốc tìm mọi cách lấp đầy khoảng trống này, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, trong đó có một số nước tồn tại xung đột với Trung Quốc trong vấn đề đảo, đá trên Biển Đông.

Sau khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố hủy bỏ chuyến thăm châu Á do Chính phủ đóng cửa vào tháng 10, Trung Quốc và Malaysia đã ký thỏa thuận tăng cường hợp tác kinh tế và quan hệ quốc phòng. Ông Barack Obama đã cử Ngoại trưởng John Kerry thay ông đến thăm khu vực, trong khi đó, Tập Cận Bình đã đích thân tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC ở đảo Bali, tại hội nghị, ông nói khu vực này là "đại gia đình (cộng đồng) Châu Á - Thái Bình Dương".

Giáo sư danh dự về chính trị học Trung Quốc, Đại học Harvard là Roderick MacFarquhar cho rằng: "Chúng ta chờ xem Mỹ sẽ làm thế nào để tăng cường quan niệm rằng họ sẽ vẫn hiện diện ở châu Á. Mỹ sẽ không rời khỏi khu vực này và nhường lại nó cho Trung Quốc, hơn nữa, họ sẽ không từ bỏ bạn bè và đồng minh".

Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ
Đông Bình