Chuyên gia Nga: Sẽ không có đụng độ quân sự Trung - Việt

09/05/2014 08:00
Lê Dũng Cường
(GDVN) - Dù đã ký công ước 1982, Trung Quốc vẫn ngang nhiên xâm phạm Việt Nam.

Đài Tiếng nói nước Nga ngày 8/5/2014 có bài viết viện dẫn ý kiến 1 chuyên gia của nước này cho hay.

Thông tin đáng ngại đã đến từ vùng biển Đông, nơi cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành trầm trọng thêm sau khi Bắc Kinh bắt đầu đưa giàn khoan nổi vào vùng thềm lục địa cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý.

Hành động này mâu thuẫn với tất cả những gì đã xảy ra trong quan hệ song phương kể từ tháng Mười năm ngoái.

Ký rồi nhưng vẫn làm

Sau đây là ý kiến của nhà chính trị học Nga Grigory Lokshin: “Vào tháng Mười năm ngoái, tại cuộc đàm phán giữa hai vị Thủ tướng của Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận quan trọng. Hai bên đã thành lập các nhóm làm việc, ở Vịnh Bắc Bộ đã mở rộng khu vực tham dò và khai thác chung các mỏ tài nguyên phát hiện ở đây.

Và đột nhiên, công ty dầu khí Trung Quốc đã đặt giàn khoan nước sâu (giàn khoan duy nhất được xây dựng ở Trung Quốc) nằm ở cửa ngỏ vào Đà Nẵng. Hành động này vi phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Việt Nam. Mặc dù, Trung Quốc đã ký vào Công ước năm 1982 về các vùng kinh tế 200 dặm của các quốc gia ven biển”.

Theo nhà chính trị học Nga, có một số nguyên nhân của điều đó. Ví dụ, trong ban lãnh đạo Trung Quốc có những mâu thuẫn nội bộ, có những xu hướng và lực lượng khác nhau, và một số lực lượng muốn để Trung Quốc hành động tích cực hơn trong khu vực Biển Đông. Nhưng lý do chính là chính sách của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh thường xuyên kiểm tra sự sẵn sàng của Washington bảo vệ lợi ích không chỉ các đồng minh, mà còn các quốc gia khác, bao gồm các nước Đông Á, kể cả Việt Nam.

Bắc Kinh muốn để các nước Đông Á thấy rõ rằng, họ không nên dựa vào Hoa Kỳ, bởi vì chính quyền Washington không đi xa hơn những lời tuyên bố về sự cần thiết phải chung sống hoà bình và giải quyết tất cả các vấn đề thông qua thương lượng.

Trung Quốc rõ ràng đang cố gắng “ép” Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Đông Á.

Theo ông Grigory Lokshin, bây giờ cuộc khủng hoảng Ukraina tạo môi trường “thuận lợi” cho các hành động mới ở Trung Quốc. Cả Mỹ và châu Âu đang tập trung vào cuộc khủng hoảng này và không thể tìm cách ra khỏi nó.

Bắc Kinh hy vọng Washington thêm đau đầu

Có lẽ, Bắc Kinh hy vọng rằng, trong điều kiện này Washington không muốn để có thêm những cơn đau đầu do tình hình ở vùng biển Đông. Ông Lokshin nói: “Khó dự đoán, cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào.

Theo tôi, cuộc chơi này sẽ không dẫn đến đụng độ quân sự quy mô. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều không muốn để có như vậy. Chìa khóa để giải quyết vấn đề này phải được tìm kiếm trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ”.

Vào những ngày đầu của cuộc xung đột, phía Việt Nam ghi nhận 2 tàu cảnh sát biển, 8 tàu kiểm ngư bị hư hại do hành động của tàu tuần tiễu của Trung Quốc; đồng thời, do vòi rồng phun vỡ kính, 6 kiểm ngư viên đã bị thương.

Hiện Moscow vẫn chưa có bất cứ phản ứng nào chính thức nào về sự việc tại Biển Đông.

Nghị sỹ Mỹ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam


Ngày 8/5, Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời đề nghị chính quyền của Tổng thống Barack Obama có phản ứng rõ ràng và quyết liệt hơn nữa đối với các hành động của Bắc Kinh.

Thông cáo báo chí của Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc liên tục có những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam với việc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển của Việt Nam hôm 2/5 và triển khai hàng chục tàu hải quân hỗ trợ cho hành động khiêu khích này.

Tiếp đó ngày 3 và 5/5, Trung Quốc lại ra thông báo cấm tất cả tàu thuyền đi vào khu vực mà họ vừa hạ đặt giàn khoan cùng với tuyên bố nói rằng giàn khoan HD-981 sẽ tiến hành hoạt động khoan thăm dò.

Thông cáo báo chí của Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega khẳng định giàn khoan HD-981 đã được hạ đặt bên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn của Việt Nam 120 hải lý.

Hạ nghị sỹ Eni Faleomavaega bày tỏ cảm ơn Thượng nghị sỹ John McCain đã đi tiên phong trong việc tuyên bố một cách dứt khoát rằng các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là không có cơ sở chiểu theo luật pháp quốc tế.

Các hành động khiêu khích này của Trung Quốc là một sự leo thang với chủ ý đe dọa hòa bình và an ninh hàng hải ở Biển Đông./.  

Lê Dũng Cường