Chuyên gia Nga nói gì về tên lửa liên lục địa mới sắp chế tạo?

08/09/2012 16:47
Trịnh Tuân (Nguồn: Lenta, Ria)
(GDVN) - Tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới sử dụng nhiên liệu lỏng có thể mang đầu đạn hạt nhân có khối lượng 5 tấn, gấp 4 lần khả năng của tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn Topol và Yars.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới với nhiên liệu lỏng có thể mang đầu đạn hạt nhân có khối lượng 5 tấn, gấp 4 lần khả năng của tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn Topol và Yars, Hãng tin RIA Novosti dẫn lời Cựu Tham mưu trưởng Lực lượng tên lửa chiến lược (SMF) Nga, hiện đang là Cố vấn cấp cao của lực lượng này, Đại Tá Viktor Esin cho hay.

Theo Đại tá Esin, tên lửa sẽ được phát triển bởi Viện nghiên cứu tên lửa Nhà nước Makeev với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Hiệp hội khoa học - sản xuất Reutov, còn nhà sản xuất là Nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsk.

Nga sẽ phát triển tên lửa liên lục địa mới đến năm 2018. Ảnh: Minh họa
Nga sẽ phát triển tên lửa liên lục địa mới đến năm 2018. Ảnh: Minh họa

Theo đại diện của SMF, việc chế tạo tên lửa sẽ được tiến hành theo các yêu cầu kỹ thuật đã được phê duyệt trong năm 2011.

Trước đó, Chỉ huy lực lượng tên lửa chiến lược Nga, Thượng tướng Sergei Karakayev cũng đã tuyên bố về kế hoạch từ nay đến năm 2018 sẽ tập trung chế tạo loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới sử dụng nhiên liệu lỏng.

Theo ông, tên lửa liên lục địa nhiên liệu rắn Topol và Yars (có trọng lượng phóng tối đa lần lượt là 46,5 và 45 tấn) không “đủ sức” để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Chính vì vậy mà theo Tướng Sergei Karakayev tên lửa mới sẽ vận hành bằng loại nhiên liệu mới, với trọng lượng phóng 100 tấn và chỉ có thể được triển khai từ hầm phóng silo. 

Tên lửa sẽ được phóng từ các hầm ngầm.
Tên lửa sẽ được phóng từ các hầm ngầm.

Theo Tướng Karakayev, các tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới sẽ dần thay thế cho tên lửa R-36M2 Voyevoda, nổi tiếng ở phương Tây với cái tên “ác quỉ” Satan, vốn được triển khai từ những năm đầu thập niên 70.

Mới đây, các nguồn tin quân sự cho hay, Nga đã thử nghiệm thành công một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới. Tên lửa được phóng đi từ một bệ phóng di dộng  tại Plesetsk Cosmodrome và bắn trúng mục tiêu tại bán đảo Kamchatka.

Đây là lần thử nghiệm thứ 2 của loại tên lửa này sau khi phóng thất bại một lần vào ngày 27 tháng 9 năm 2011 do gặp sự cố về hệ thống điện tử.

Tên lửa liên lục địa Topol-M.
Tên lửa liên lục địa Topol-M.

Theo nguồn tin quân sự trên, tên lửa đạn đạo loại mới có sử dụng nguyên liệu rắn mới, mang theo những đầu đạn độc lập giúp nó có thể đổi đường bay để chống lại khả năng đánh chặn của đối phương và rất có thể là một biến thể của siêu tên lửa Topol-M.

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, loại tên lửa đạn đạo mới này sẽ giúp tăng cường khả năng tấn công của hệ thống tên lửa chiến lược nhờ vào khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương.

Nga phát triển tên lửa liên lục địa mới nhằm đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Mỹ?
Nga phát triển tên lửa liên lục địa mới nhằm đáp trả hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của Mỹ?

“Ác quỷ” R-36M2 Voevoda

R-36M2 Voevoda từng được xem là loại tên lửa xuyên lục địa khủng khiếp nhất thế giới do Viện thiết kế Yuzhnoie (Dnepropetrovsk) phát triển dựa trên hệ thống R-36 vào thập kỷ 1970.

Hiện trong trang bị của lực lượng tên lửa chiến lượng Nga có khoảng 58 tên lửa R-36M2 và các biến thể được sản xuất vào nửa cuối những năm 1980, đầu những năm 1990.

Tên lửa R-36M2 Voevoda.
Tên lửa R-36M2 Voevoda.

R-36M2 (hay còn gọi là RS-20V theo ký hiệu trong Hiệp ước START) được phóng thử lần đầu vào tháng 2 năm 1973 và đưa vào trang bị trong SMF ngày 30 tháng 12 năm 1975.

Tên lửa RS-20V ở các biến thể khác nhau với trọng lượng phóng đến 211 tấn, có thể mang từ 1 đến 10 đầu đạn hạt nhân có tổng trọng lượng 8,8 tấn và tầm bắn lến đến 16 ngàn cây số.

Đây là loại tên lửa 2 tầng, có chiều dài trên 34 m và đường kính 3 m, do Hiệp hội khoa học - sản xuất Yuzhnoie (nay thuộc Ukraine) phát triển vào đầu thập niên 1970.

RS-20V chứa trong các container vận chuyển - phóng được triển khai trong các hầm phóng kiên cố.

Thông số kỹ thuật cơ bản của tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36M2 Voevoda:

Ký hiệu trong quân đội: R-36M2 Voevoda.

Ký hiệu của Tổng cục Pháo-Tên lửa quân đội Nga (GRAU): 15A18M

Ký hiệu trong Hiệp ước START: RS-20V

Ký hiệu của NATO: SS-18 Satan III

Chiều dài: 34,3 m.

Đường kính: 3 m.

Trọng lượng phóng: 211 tấn.

Số lượng tầng: 2

Trọng lượng đầu đạn: 8,8 tấn.

Tầm bắn: đến 15.000 km.

Có khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân với sức công phá 750 kT mỗi đầu đạn. Ngoài ra, tên lửa này còn có khả năng mang 1 đầu đạn hạt nhân siêu mạnh 20 MT dùng để loại khỏi vòng chiến các phương tiện thông tin và điện tử trên toàn lãnh thổ đối phương bằng cách kích nổ đầu đạn ở độ cao lớn.

Trịnh Tuân (Nguồn: Lenta, Ria)