Chuyên gia TQ coi "Mối đe dọa" từ Nhật Bản lớn hơn Ấn Độ, Philippines

08/08/2013 07:34
Việt Dũng
(GDVN) - Tàu Izumo hạ thủy giúp Nhật Bản có năng lực tấn công trên biển, nếu Nhật bỏ Hiến pháp hòa bình sẽ tạo ra mối đe dọa rất lớn cho Trung Quốc.
Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng 22DDH gây lo ngại đặc biệt cho Trung Quốc
Nhật Bản hạ thủy tàu sân bay trực thăng 22DDH gây lo ngại đặc biệt cho Trung Quốc

Tờ "Quốc tế trực tuyến" Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, gần đây các nước châu Á liên tiếp có các động thái trên biển, vùng biển ở Tây Thái Bình Dương thực sự đã không còn yên tĩnh theo góc nhìn của TQ.

Ngày 6 tháng 8, ngày kỷ niệm tròn 68 năm Hiroshima bị ném bom nguyên tử, tàu chiến lớn nhất sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Nhật Bản - tàu khu trục Izumo, được gọi là "bán tàu sân bay" đã được hạ thủy; trong khi đó Philippines chính thức tiếp nhận tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai; ngoài ra, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Hải quân Ấn Độ cũng sắp hạ thủy vào ngày 12 tháng này, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự sản xuất mang tên Arihant cũng sắp chạy thử.

Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ liên tiếp tăng cường trang bị trên biển đã thu hút sự chú ý rất cao. Chuyên gia cho rằng, ba nước tăng cường quân bị trên biển có mục đích khác nhau, trọng điểm quan tâm an ninh ở xung quanh Trung Quốc là Nhật Bản.

Bài báo đặt câu hỏi: Gần đây, tranh chấp lãnh thổ, quyền lợi biển liên tiếp diễn ra làm cho Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ "hạ thủy" một loạt tàu chiến, tàu sân bay, an ninh xung quanh Trung Quốc phải chăng sẽ "gợn sóng"? Đằng sau việc ba nước tăng cường trang bị tàu chiến phải chăng có mối liên hệ với nhau? (thực tế Nhật Bản đóng tàu chiến này từ năm 2009 - PV)

Tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH Nhật Bản có thể trang bị máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35B do Mỹ chế tạo.
Tàu sân bay trực thăng Izumo Type 22DDH Nhật Bản có thể trang bị máy bay chiến đấu tấn công liên hợp F-35B do Mỹ chế tạo.

Quách Hiến Cương, phó viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, với mục tiêu chung tăng cường quân bị, ba nước có những tính toán khác nhau.

"Nhật Bản phát triển quân bị nhằm trở thành một cường quốc quân sự, muốn đối đầu với Trung Quốc ở châu Á. Là một nước nhỏ, Philippines muốn đạt được nhiều quyền lợi hơn trên các đảo, đá ngầm ở Biển Đông. Khác với họ, Ấn Độ là một nước lớn khu vực, chủ yếu muốn tăng cường vị thể kiểm soát đối với Ấn Độ Dương, ý đồ nhằm vào Trung Quốc không nhiều".

Tàu Izumo là tàu chiến lớn nhất hạ thủy sau Chiến tranh thế giới thứ hai của Nhật Bản, có thể mang theo 14 máy bay trực thăng, tuy được Nhật Bản gọi là "tàu khu trục", nhưng dư luận phổ biến cho rằng, nó như một "bán tàu sân bay". Chuyên gia quân sự, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, hạ thủy tàu Izumo là tiêu chí Nhật Bản tiến lên trở thành cường quốc quân sự, Nhật Bản hy vọng dựa vào đó để truyền đi thông điệp mạnh mẽ sự trỗi dậy của mình với bên ngoài.

"Tàu Izumo đánh dấu Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật BẢn có năng lực tấn công hướng ra nước ngoài. Đồng thời tàu Izumo cũng có thể được sử dụng như tàu sân bay, nếu trang bị máy bay chiến đấu F-35B thì nó sẽ trở thành tàu sân bay thực sự. Nhật Bản đã và đang có những bước đi lớn, từ không có tàu sân bay, đến có tàu đổ bộ cỡ lớn và nay là tàu Izumo.

Tàu Izumo đánh dấu năng lực tác chiến của Nhật Bản đang có sự thay đổi về chất, từ phòng thủ sang kiêm tấn công và phòng thủ, tấn công trên biển. Đây là một bước đi quan trọng trở thành cường quốc chính trị của Nhật Bản".

Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Philippines tiếp nhận tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai từ Mỹ.
Ngày 6 tháng 8 năm 2013, Philippines tiếp nhận tàu tuần tra lớp Hamilton thứ hai từ Mỹ.

Cùng ngày với việc tàu Izumo hạ thủy, Tổng thống Philippines Aquino đã xuất hiện ở vịnh Subic, nơi từng là căn cứ của quân Mỹ, tiếp nhận tàu tuần tra lớp Hamilton cũ do Mỹ bàn giao. Doãn Trác (học giả diều hâu) cho rằng, hợp tác chiến lược này của Mỹ và Philippines rõ ràng nhằm vào Trung Quốc, nhưng nhìn vào trang bị của tàu tuần tra này, sẽ không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào cho Trung Quốc.

Còn việc Ấn Độ cho hạ thủy tàu sân bay, Doãn Trác cho rằng, năng lực chiến đấu thực tế của tàu sân bay này còn phải quan sát, đồng thời xét thấy Ấn Độ có "chí" ở Ấn Độ Dương, trong ngắn hạn, vai trò kiềm chế đối với Trung Quốc là không lớn.

Nhìn tình hình an ninh xung quanh Trung Quốc, Quách Hiến Cương cho rằng, cần đặt trọng điểm quan tâm về an ninh vào Nhật Bản, phải làm rõ "chủ yếu" và "thứ yếu" trong vấn đề an ninh, để có sự ứng xử khác nhau.

"Nước quan tâm chính của chúng ta phải là Nhật Bản. Nhật Bản là một nước lớn, có sức mạnh khoa học công nghệ và sức mạnh quân sự mạnh, nếu họ đã từ bỏ Hiến pháp hòa bình, thì họ tạo ra lực lượng gây e ngại rất lớn cho Trung Quốc".

Học giả này cho rằng "Philippines có bất đồng với chúng ta, nhưng chúng ta có thể tập trung đưa họ vào khuôn khổ của ASEAN để giải quyết, như vậy có thể ngăn chặn vấn đề này bị thế lực bên ngoài lợi dụng!".

Tiếp đó, chuyên gia này tư vấn cho chính quyền TQ: "Ấn Độ chủ yếu muốn có sự đoàn kết. Khác với Philippines, Nhật Bản, họ sẽ không trở thành đối tác chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ, bị Mỹ lợi dụng. Cho nên, mặc dù giữa Trung-Ấn có tranh chấp lãnh thổ, nhưng chúng ta nhất định phải thông qua các biện pháp ngoại giao, thông qua đối thoại để từng bước hóa giải vấn đề này. Chỉ cần nắm chắc chủ thứ, thì những mầm họa về an ninh ở xung quanh chúng ta đều có thể hóa giải".

Ấn Độ chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant và chuẩn bị chạy thử tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên Arihant
Ấn Độ chuẩn bị hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên INS Vikrant và chuẩn bị chạy thử tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên Arihant
* Đề nghị không sao chép lại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng