Mỹ phát triển sonar mới để vô hiệu hóa tàu ngầm hạt nhân của Nga, TQ:

Cục diện sức mạnh quân sự toàn cầu đang thay đổi nghiêng hẳn về Mỹ

26/03/2013 10:48
Đông Bình
(GDVN) - Theo báo Hồng Kông, nếu Mỹ nghiên cứu phát triển thành công thiết bị dò tìm mới thì tàu ngầm Nga, Trung Quốc sẽ không thể lẩn trốn được nữa.
Tàu ngầm bị theo dõi (ảnh minh họa)
Tàu ngầm bị theo dõi (ảnh minh họa)

Mỹ phát triển sonar mới để vô hiệu hóa tàu ngầm hạt nhân của Nga, TQ

Tờ “Bình luận Trung Quốc” Hồng Kông vừa có bài viết cho biết, trong tuần này, Công ty khoa học vật lý ứng dụng Mỹ (APSC) đã giành được một hợp đồng trị giá 15,2 triệu USD của Hải quân Mỹ, chuẩn bị triển khai công tác nghiên cứu giai đoạn mới của chương trình tác chiến biển sâu (DSOP) lấy khái niệm công nghệ sonar biển sâu làm nền tảng, nghiên cứu phát triển một loại công nghệ mới có thể dò tìm hiệu quả tàu ngầm ở sâu dưới biển.

Theo bài báo, thành quả từ công tác nghiên cứu phát triển này có thể sẽ làm thay đổi cục diện sức mạnh toàn cầu, làm suy yếu nghiêm trọng sức mạnh hạt nhân chiến lược trên biển của Trung Quốc và Nga.

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc dẫn nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cho biết, công nghệ mới dò tìm tàu ngầm ở biển sâu do chuyên gia Công ty khoa học vật lý ứng dụng Mỹ nghiên cứu phát triển trước hết sẽ bảo vệ cho sự an toàn của tàu ngầm và tàu sân bay Mỹ, ngăn chặn tàu ngầm kẻ thù phát động cuộc tấn công bất ngờ từ dưới lòng sâu đại dương.

Phải nói rằng, nhìn vào thực lực tác chiến tổng hợp, hiện nay chỉ có tàu ngầm hạt nhân chiến lược Nga, trong tương lai còn có tàu ngầm Trung Quốc, mới có thể tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ, hệ thống dò tìm tàu ngầm mới ở biển sâu do Mỹ nghiên cứu chế tạo trước hết nhằm làm suy yếu thực lực hải quân của Trung Quốc và Nga.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio, Hải quân Mỹ

Hiện nay, trong lĩnh vực phát hiện, theo dõi tàu ngầm của đối phương, Hải quân Mỹ tổng cộng có 2 hệ thống dò tìm kiểu cố định là FDS và SOSUS, thường xuyên kiểm soát chặt chẽ vùng biển Caribbe, Greenland, Ireland và vùng biển xung quanh của Anh.

Trong khuôn khổ chương trình mới DSOP, mạng lưới trạm quan trắc tàu ngầm sẽ bao trùm toàn bộ các vùng biển sâu, gồm cả đáy biển lạnh nhất trong lòng sâu đại dương. Chẳng hạn, chỗ sâu đáy biển gần đường chí tuyến (đường hồi quy) khoảng 1 km, sau khi tàu ngầm đi vào khu vực này, cự ly truyền phẳng âm thanh tần số thấp phát ra từ chân vịt xoắn ốc và tua-bin của tàu ngầm có thể sẽ rất xa.

Quân đội Mỹ tính toán dựa vào công nghệ DSOP để phát hiện tàu ngầm đối phương, thậm chí cả tàu ngầm có tiếng ồn thấp, đồng thời còn tận dụng biển sâu để duy trì liên lạc giữa tàu ngầm và tàu nổi của quân Mỹ, nâng cao mức độ quen thuộc cho lực lượng săn ngầm đối với môi trường tác chiến.

Trong khuôn khổ chương trình DSOP, chuyên gia Mỹ dự kiến sẽ nghiên cứu chế tạo được bộ cảm biến có thể hoạt động ở vùng nước đáy biển, đồng thời kết hợp nó thành một mạng lưới to lớn, theo dõi tàu chiến của kẻ thù và bạn bè ở các vùng biển rất rộng lớn.

Tàu ngầm hạt nhân Type 094 trang bị tên lửa chiến lược của Hải quân Trung Quốc
Tàu ngầm hạt nhân Type 094 trang bị tên lửa chiến lược của Hải quân Trung Quốc

Hợp đồng quy định, công tác nghiên cứu phát triển giai đoạn này sẽ hoàn thành trước tháng 6/2014, kết quả có thể sẽ giữ bí mật như trước đây, bất kể là thành công hay thất bại đều sẽ không công khai. Nếu công việc chương trình này kết thúc tốt đẹp, tàu ngầm sẽ khó mà lẩn trốn được nữa, cho dù nó lặn tới đáy biển. Tàu ngầm của nước khác sẽ không thể tiếp tục “ngụy trang” như trước đây, lực lượng hạt nhân chiến lược bị suy yếu nghiêm trọng. 

Dù sao, hiện nay, vũ khí chính để Trung Quốc và Nga bảo đảm tiến hành phản kích mang tính hủy diệt đối với Mỹ vẫn là tàu ngầm trang bị tên lửa chiến lược ẩn náu dưới đáy đại dương, chứ không phải là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở trên mặt đất.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey Nga
Tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey Nga
Đông Bình