Cuộc đua giữa chiến đấu cơ với radar (2)

29/12/2011 07:26
Theo Thanh niên
Máy bay tàng hình không chỉ tạo bước ngoặt mới cho không quân mà còn là thách thức lớn của các hệ thống radar.
Theo bách khoa toàn thư Jewish Virtual Library, hệ thống radar P-12 do Liên Xô cung cấp cho Ai Cập sau cuộc chiến 1967 đã cản trở rất hiệu quả những phi vụ xâm nhập của Israel. Vì thế, Tel Aviv quyết định đánh cắp “tấm khiên” này để đem về nghiên cứu.

Một đêm cuối tháng 12.1969, Israel sử dụng 3 trực thăng Super Frelon bay cực thấp, tắt tất cả sóng radio để đưa trót lọt đội đặc nhiệm vào Ai Cập.

Các biệt kích nhanh chóng chiếm lĩnh 1 căn cứ radar và tháo rời hệ thống P-12 rồi đưa lên 2 trực thăng vận tải CH-53 chở về nước. Cuộc đột kích này không chỉ là ví dụ điển hình cho sự đối đầu “máy bay - radar” mà còn ghi dấu thủ thuật tránh né radar theo kiểu truyền thống nhưng rất hiệu quả.

So kè quyết liệt

Kỹ thuật bay thấp, lợi dụng đêm tối và tắt tín hiệu liên lạc nói trên là cách thức tránh né radar “thủ công” nhưng khá hiệu quả trong một số trường hợp.

Tuy nhiên, điều bất tiện là máy bay chiến đấu không thể bay quá thấp và tác chiến mà thiếu liên lạc thì rất khó khăn. Vì thế, việc phát triển các kỹ thuật đối phó radar trở thành ưu tiên của các nước, trong đó tập trung tìm cách vô hiệu hóa sự phản xạ sóng từ.
F-117 Nighthawk, chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên - Ảnh: Defenselink.mil
F-117 Nighthawk, chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên - Ảnh: Defenselink.mil
Ngược lại, radar cũng tăng cường cải tiến từ chủng loại chủ động sang thụ động. Nếu radar chủ động phát chùm tia và chờ phản hồi thì loại thụ động hoàn toàn ngược lại, theo tài liệu của Đại học Illinois (Mỹ).

Trong quá trình hoạt động, các bộ phận máy móc của mọi chiến đấu cơ đều phát ra những chùm sóng từ riêng biệt. Radar thụ động sẽ luôn ở trạng thái sẵn sàng đón nhận những chùm sóng do chính máy bay phát ra để định vị đối tượng.

Ngoài ra, radar thụ động cũng thu nhận phản xạ của những loại sóng do một số nguồn trung gian, ví dụ tháp truyền hình, điện thoại di động… phát ra và chạm vào máy bay.

Cuộc đua quyết liệt khiến các lực lượng không quân lao vào nghiên cứu những kỹ thuật tiên tiến hơn nữa để tránh radar và khái niệm “tàng hình” được đưa ra. Mỹ bắt đầu nghiên cứu máy bay tàng hình từ năm 1958, theo tạp chí Air & Space Power Journal.

Đến năm 1983, nước này ra mắt thành công máy bay tàng hình đầu tiên là F-117 Nighthawk rồi máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Hai loại máy bay tàng hình đầu tiên chủ yếu sử dụng các vật liệu đặc biệt cùng thiết kế góc cạnh, đa diện, thân mỏng để giảm phản xạ sóng.

Tuy nhiên, quá dựa vào thiết kế góc cạnh khiến F-117 và B-2 không có tính ổn định cao khi hoạt động. Mỹ lại tiếp tục cải tiến và kỹ thuật tàng hình đạt bước tiến lớn với F-35 và F22.

Hai dòng máy bay này có cả các bộ phận che chắn để hạn chế tối đa sóng điện từ nhưng lại không lệ thuộc quá nhiều vào thiết kế góc cạnh để đảm bảo tiêu chuẩn khí động học.

Bắt bài tàng hình

Cùng lúc đó, các hệ thống radar thụ động Vega (Nga), Kolchuga (Ukraine) và Vera (CH Czech) không ngừng được cải tiến để tăng hiệu quả dò tìm, theo Global Security. Kolchuga có thể “tóm” chiến đấu cơ bay ở độ cao 10 km từ khoảng cách 800 km, còn Vega và Vera là 400 km. Các hệ thống này được phát triển dựa vào nền tảng “áo giáp radar” do Liên Xô khởi xướng.
Hệ thống radar Kolchuga của Ukraine - Ảnh: Air Power Australia
Hệ thống radar Kolchuga của Ukraine - Ảnh: Air Power Australia
Không chỉ mở rộng khoảng cách dò tìm, “áo giáp radar” còn được cải tiến mạnh mẽ về độ nhạy để có thể nhận diện những chùm sóng từ phát ra từ các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ. Trung Quốc cũng đang tăng cường phát triển những bộ cảm biến sóng từ cực nhạy.

Cũng theo Global Security, Tập đoàn Topaz, nhà sản xuất radar Kolchuga, tuyên bố những sản phẩm mới của họ đủ sức phát hiện chiến đấu cơ F-22 và F-35. Ngoài ra, một số nguồn tin quân sự tiết lộ “áo giáp radar” tối tân của Nga đã dò tìm chính xác các máy bay F-22 đang tập luyện ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vì thế, không lạ khi cựu cố vấn cấp cao của Lầu Năm Góc là Barry Watts hồi giữa năm đã cảnh báo máy bay tàng hình của Mỹ sẽ sớm bị bắt bài. Có thể đây chính là lý do để Mỹ cần sớm chế tạo thành công chiến đấu cơ thế hệ 6 có tốc độ cực nhanh và phát triển kỹ thuật tàng hình tốt hơn nữa để duy trì ưu thế.

Theo Thanh niên