Cuộc hội ngộ đặc biệt của những nữ Biệt động Sài Gòn

28/03/2012 12:47
Theo báo Đại Đoàn Kết
Hiếm có một cuộc sum họp đặc biệt nào xúc động như vậy sau 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là buổi giao lưu "Nữ Biệt động Sài Gòn” vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh của 16 nữ Biệt động Sài Gòn - những người hoạt động cảm tử trong lòng địch đã góp phần làm lên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Các nữ Biệt động Sài Gòn trong đêm hội ngộ hiếm có
Các nữ Biệt động Sài Gòn trong đêm hội ngộ hiếm có
Trong số những nữ Biệt động Sài Gòn được nhà văn Mã Thiện Đồng dày công tìm gặp là người có biệt danh "Chim Sắt”.

Nhưng theo bà Mã, vì đặc trưng của biệt động là hoạt động bí mật, giấu tên bịt mặt, mang số bí danh, thay tên đổi họ từng thời điểm nên có dày công cũng khó tìm ra.

Kể cả sau này do tính cách vốn khiêm nhường, chất phác và còn nhiều điều ngại không muốn nói ra nên dù đã hòa bình nhưng một số chị em vẫn không muốn để lộ tên tuổi hay kể lể công trạng.

 "Phải mất gần 50 năm sau, bây giờ tôi mới biết được: Chị Lê Thị Thu Nguyệt chính là "Chim Sắt” - bà Mã xúc động.
Có mặt tại buổi giao lưu, "Chim Sắt” kể lại những tình huống quả cảm khi bà tham gia các trận đánh đầu tiên của Đội Biệt động Sài Gòn, đặc biệt là tham gia trận đánh Mỹ ngay trên đất Mỹ - sân bay Honolulu.

Trong số những sự kiện mà bà Nguyệt nhớ như in là vào năm 1962, Đội "Chim Sắt” được giao nhiệm vụ đánh bom tại cuộc triển lãm vũ khí của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Bà kể, ông Ngô Đình Diệm, dưới vai trò người diễn thuyết tại triển lãm đã rất khéo trưng bày hai cảnh tượng đối nghịch: Một bên là máy bay trực thăng bóng lừ, dũng mãnh, hiên ngang mới được mang từ Mỹ sang, những Phượng Hoàng, Thiên Nga to lớn, với đủ thứ súng ống tối tân hiện đại nhất thời bấy giờ.

Còn đối diện bên kia là vũ khí của "Cộng sản”, chỉ có súng trường, mấy khẩu súng ngựa trời tự chế trông lèo khoèo thật thảm hại... Ông Diệm còn giương oai rằng: cùng với triển lãm vũ khí còn có duyệt binh của quân đội quốc gia ở đường Nôrôđôm (nay là đường Lê Duẩn, Q.1) để lên "dây cót tinh thần” cho lính ngụy...

Thế nhưng, ngụy quân Sài Gòn đã sơ hở khi không chú ý tới một "nữ sinh tha thướt trong tà áo dài trắng, vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, da trắng như bong bưởi” (bà Mã Thiện Đồng viết) đã theo dõi toàn bộ hoạt động của chúng từ lâu.

Ngày 26-10-1962, tức vào dịp Quốc khánh thời Diệm, một tiếng nổ vang trời phát ra từ triển lãm lớn nhất của ngụy quyền, chiếc trực thăng đời mới đổ sụp, bốc cháy khói um.

Vụ nổ đã khiến máy bay bị phá hủy hoàn toàn, ba tên chết, trong đó có Trưởng Phòng Tình báo, một Phó An ninh quân đội ngụy, 2 lính khác bị thương. Cả 3 thành viên đội "Chim Sắt” sau đó cũng nhanh chân chạy về phía đám đông, len lỏi thoát ra an toàn.

Vụ nổ làm chấn động Sài Gòn của "Chim Sắt” sau đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen: "Anh dũng chiến đấu, đánh kẻ thù ngay đầu não của chúng”.
Không giống như Thu Nguyệt, Nguyễn Thị Bích Nga là nữ Biệt động Sài Gòn xuất thân trong một gia đình truyền thống tại Đức Phổ (Quảng Ngãi). Năm 12 tuổi, bà Nga cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ba năm sau, bà tham gia vào bộ đội và được phân công vào Đ6 Biệt động Sài Gòn.
Bồi hồi xúc động khi kể lại trận đánh vào mùng 4 Tết năm 1967, bà Nga nhớ lại khoảnh khắc bà cùng pháo thủ Tám Cứ đã bí mật "giáp lá cà” vào trung tâm đầu não của địch, sau đó nã liên tiếp 10 quả pháo cối 82 ly vào dinh thự của Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ Westmoreland - một tướng Mỹ khét tiếng trong cuộc tàn sát Xêđaphôn và vùng "Tam giác sắt”.

Để địch không nghi ngờ, nữ Biệt động Bích Nga cùng đồng đội đã đóng vai cặp vợ chồng mới cưới, thuê nhà tại địa chỉ 8/4 Vườn Chuối, sát bên nhà một tên cảnh sát ngụy. Đúng 6h sáng ngày 13-1-1967, một loạt đạn pháo nã ào ào vào khuôn viên Sở chỉ huy tướng Westmoreland.

Pháo rơi trên khuôn viên nhà tướng, đám sĩ quan chui lủi lo sợ, nháo nhác không hiểu pháo phát ra từ đâu. Quân địch đã cho quân tiếp viện và lùng sục mọi ngõ ngách xung quanh dinh thự Tổng Tư lệnh ngay sau đó nhưng không phát hiện được gì.

Xúc động trong ngày hội ngộ, hai nữ Biệt động Sài Gòn trao cho nhau những kỷ vật còn lưu giữ sau gần 40 năm xa cách. Ảnh: HỒNG PHÚC
Xúc động trong ngày hội ngộ, hai nữ Biệt động Sài Gòn trao cho nhau những kỷ vật còn lưu giữ sau gần 40 năm xa cách. Ảnh: HỒNG PHÚC
Chiến đấu gan dạ, mưu trí, dũng cảm ngay giữa trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn, những nữ Biệt động đã phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy, thậm chí chịu đựng nhiều đòn roi, tra tấn hết sức dã man của kẻ thù.

Phùng Thị Ngọc Anh – Một nữ Biệt động Sài Gòn, với biệt danh "Tiểu Long Nữ trên đường phố” đã trải qua tất cả những gian khổ ấy.

Nghẹn ngào trong cảm xúc tại buổi giao lưu, bà Ngọc Anh kể lại bối cảnh Sài Gòn sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, các nhà tù trên khắp đô thành đã vội vã giải các tù nhân chính trị ra Côn Đảo.

Một số thành phần được cho là cực kỳ nguy hiểm đã bị chúng tìm cách thủ tiêu để diệt trừ hậu họa về sau.

 "Có một màn kịch mà nếu không còn nhân chứng sống sót mà kể lại thì chúng đã diễn rất hoàn hảo – Nhà văn Mã Thiện Đồng viết trong "Những thiên thần đường phố”, trong phần về nữ Biệt động Ngọc Anh.

Đó là sự kiện bà Anh bị bắt và tống giam chung cùng lượt với anh hùng Lê Thị Riêng – lúc đó là cán bộ Hội Phụ nữ TP và anh Chín Ca (tức Trần Văn Kiểu), đây là hai lãnh đạo của ta ở khám Chí Hòa mà ai cũng biết đến vào thời điểm đó.

Cả 3 người bị còng chặt hai tay, chân cũng bị xích liền với nhau. Dưới vỏ bọc áp giải các tù nhân chính trị, nhưng bọn ngụy quyền toan tính việc thủ tiêu cả 3 tù nhân chính trị nguy hiểm này. "Khi chúng đưa 3 chúng tôi lên xe, chạy trong đêm tối, bỗng có tiếng súng nã ầm ầm vào thùng xe.

Cả chị Lê Thị Riêng và anh Chín Ca gục xuống, tôi may mắn chỉ bị thương vào đùi nhờ được chị Riêng che chở. Bọn địch còn nã thêm loạt súng thứ 2 để tin chắc không còn tù nhân nào còn sống sót. Thế nhưng may mắn vẫn mỉm cười, tôi còn sống” - bà Anh xúc động.
Ngoài bà Ngọc Anh, nữ Biệt động Sài Gòn có biệt danh "Con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai cũng từng chịu những kiểu tra tấn dã man như đánh đập, bẻ xương, răng, đổ nước xà phòng, dí điện vào người... nhưng người nữ Biệt động này không hé miệng nửa lời.

Bà Mai kể lại những giây phút đối mặt với cái chết khi bọn địch tra tấn dã man: "Người tôi máu đọng lại, bụng phình to, đau dữ dội. Nhưng dù có đau đớn đến mấy tôi cũng phải cứng rắn chịu đựng, quyết không khai cơ sở bí mật của ta, kể cả vũ khí và kế hoạch chiến đấu”.

Cũng như bà Ngọc Anh, sau này nữ biệt động Sài Gòn Nguyễn Thị Mai may mắn thoát chết sau khi trốn thành công khỏi bệnh viện của địch và về tới căn cứ an toàn.
Xúc động khi nói về những nhân vật đặc biệt mà mình may mắn tiếp xúc sau chiến tranh, nhà văn Mã Thiện Đồng chia sẻ: "Họ là một phần sự thật lịch sử của Sài Gòn. Sự thật ấy chỉ có trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Cuộc chiến đã gây nên biết bao mất mát, đau thương cho dân tộc, nhưng cũng hun đúc lên lòng yêu nước, dũng cảm phig thường của những nữ dũng sĩ chiến đấu cho lý tưởng cách mạng cao đẹp”.
Theo báo Đại Đoàn Kết