Đặc nhiệm Nga đối mặt với sự sống còn

16/08/2012 15:53
Nguồn: Đất Việt
Vấn đề tái cơ cấu lực lượng trinh sát và đặc nhiệm trong điều kiện toàn bộ quân đội đang phải cải tổ hiện là đề tài nóng tại Nga.
Về vấn đề này, tác giả Valeri Boval đã có bài viết phê phán những vấn đề tồn đọng và các chính sách bất hợp lý trong công tác cải tổ lực lượng đặc nhiệm của Quân đội Nga.

Dưới đây là nội dung chính của bài viết:

Hiện nay, lực lượng đặc nhiệm Nga có một nhiệm vụ quan trọng: cải tổ hệ thống. Đây là một nhiệm vụ cấp thiết bởi nhiều lý do. Nhiều người cho rằng lực lượng đặc nhiệm Nga buộc phải thay đổi để theo kịp những mô hình đặc nhiệm của các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, lực lượng đặc nhiệm Nga đã trải qua những cuộc thay đổi không như mong muốn, không chuyên nghiệp với mục tiêu đáp ứng nhiệm vụ mới.

Lính đặc nhiệm Nga.
Lính đặc nhiệm Nga.

Dù quyết định thành lập lực lượng để thực hành những nhiệm vụ đặc biệt đã được thông qua, tuy nhiên, những bước đầu tiên hiện thực hóa quyết định này khiến người ta ngạc nhiên. Đó là việc những đội đặc nhiệm riêng lẻ hoặc bị xóa sổ, hoặc bị điều sang hoạt động dưới sự lãnh đạo của cơ quan khác.

Theo nhiều ý kiến, trong những cuộc xung đột vũ trang, lực lượng đặc nhiệm Nga,  những đơn vị hoạt động với tư cách là một công cụ tình báo chiến thuật, không thể phát huy được tác dụng trong những trường hợp tác chiến cụ thể.

Bên cạnh đó, về mặt chiến thuật, họ còn luôn bị thiếu thông tin để có thể tiến hành thắng lợi chiến dịch. Chẳng hạn như trong cuộc chiến ở Nam Osetia, dù các lực lượng đặc nhiệm Nga có thừa khả năng thực hiện thành công các nhiệm vụ ở vùng hậu cứ của địch và phối hợp hành động cùng các đơn vị bạn tấn công Quân đội Gruzia… thì có nhiều thông tin về việc họ rơi vào bẫy đối phương.

Hiện giờ, một số đơn vị đặc nhiệm Nga luôn phải chuyển địa điểm đóng quân bất hợp lý. Một trong số đó là Đội đặc nhiệm số 24. Đây là đơn vị đã phải chuyển từ Ulan-Ude sang Irkutsk vào năm 2009 và hiện nay, chuyển đến Novosibirsk, trong khi gia đình họ đang ở tại Irkutsk.

Nếu quyết định lần này có liên quan đến vấn đề chính trị thì sự hợp lý của nó ở đâu? Nếu quyết định lần này có liên quan đến quân sự thì có gì lý giải được việc ¼ lãnh thổ, có ý nghĩa chiến lược (nằm cạnh hồ Baikal) lại không hề được bảo vệ? Làm thế nào để chi viện lực lượng và thành lập những trạm chỉ huy chiến lược nếu như đội quân gần nhất cũng cách đó 2.000 km?

Đội đặc nhiệm số 24 trước đây đóng quân ở Ulan-Ude, nơi có căn cứ huấn luyện rất tốt. Vị trí đóng quân của đơn vị cách sân bay không xa. Vì vậy khả năng cơ động là rất lớn. Hầu hết, các quân nhân trong đội quân này đều được hỗ trợ nhà ở. Cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc của căn cứ có thể đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn trong thời bình.

Chuyển đội quân này sang Irkutsk, nơi không có căn cứ huấn luyện, không có trường bắn, không thể tiến hành tập trận là một quyết định đúng đắn? Ngoài ra, quân đặc nhiệm lại phải tự mình xây dựng cơ sở hạ tầng mới ở đơn vị (làm thợ xây), thay vì tập luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Với quyết định chuyển nơi trú quân lần này, cơ hội phát triển của Đội 24 là rất ít. Chất lượng đời sống của quân nhân cũng giảm sút đáng kể vì các thành viên gia đình bị mất việc, trong khi Bộ Quốc phòng không chịu trách nhiệm tìm việc cho các thành viên gia đình quân nhân.

Những đơn vị đặc nhiệm thuộc Bộ chỉ huy vùng được thành lập để tiến hành những cuộc phá hoại sau lưng địch. Tuy nhiên, theo cải tổ, lực lượng này sẽ không tồn tại nữa.

Hãy nhìn vào thành tích của những đơn vị đặc nhiệm này. Tại cuộc chiến ở Chesnya, đặc nhiệm thuộc Bộ chỉ huy vùng đã tham gia rất tích cực vào các chiến dịch đặc biệt. Trong thời gian đó đã có 29 đặc nhiệm nhận danh hiệu Anh hùng. Năm 2002, có khoảng 2.000 quân đặc nhiệm được trao huân, huy chương.

Trước cuộc cải tổ, Nga có 9 đơn vị đặc nhiệm, trong đó có 5 Anh hùng Xô Viết, 30 Anh hùng Nga. Đây là những chứng cứ rõ ràng cho thấy những quân nhân thuộc các đơn vị đặc nhiệm không chỉ dũng cảm, trung thành với tổ quốc mà còn là những người chuyên nghiệp và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.

Nếu như Nga vẫn tiếp tục tiến hành cải tổ theo cách này thì họ sẽ nhanh chóng mất đi lực lượng đặc nhiệm của mình. Cách tốt nhất là họ phải thay đổi chính sách với các đơn vị đặc nhiệm!



Nguồn: Đất Việt