Đặc nhiệm Trung Quốc tích cực sao chép mô hình của Mỹ

28/08/2012 07:10
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)
(GDVN) - Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc kiên trì “thu nhỏ”, tổng quân số không đến 5.000 người, nhưng có trang bị tốt...
Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc rất quan tâm đến phương thức tác chiến của quân Mỹ.
Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc rất quan tâm đến phương thức tác chiến của quân Mỹ.

Bắt đầu từ cuộc chiến tranh Afghanistan năm 2001, Trung Quốc quyết tâm xây dựng lực lượng đột kích theo mô hình lực lượng đặc nhiệm, “lực lượng vùng châu thổ” của Mỹ và đoàn không vụ đặc biệt Anh (SAS).

Ngày 21/8/2012, trang mạng “Strategy Page” Mỹ đăng bài viết “Lực lượng trinh sát đột kích Trung Quốc” (Chinese Espionage Commandos), đã giới thiệu về lịch sử, đặc điểm phát triển, hiện trạng phát triển và vấn đề tồn tại của lực lượng tác chiến đặc biệt của Trung Quốc, khen ngợi sức chiến đấu của lực lượng tác chiến đặc biệt Trung Quốc. Nội dung chính của bài viết như sau:

Lực lượng tác chiến đặc biệt Trung Quốc (gồm lực lượng đột kích và lực lượng tương tự lực lượng đột kích và lực lượng đặc nhiệm của Mỹ) gần đây phát triển nhanh chóng. Từ cuối thập niên 1980, Trung Quốc đã thành lập một lực lượng tác chiến đặc biệt, đến 10 năm đầu của thế kỷ 21, số lượng lực lượng tác chiến đặc biệt của Trung Quốc không ngừng tăng lên, đồng thời đã điều tham gia các hành động quân sự quốc tế.

Lực lượng tác chiến đặc biệt Trung Quốc thậm chí đã tham gia “Cuộc thi lực lượng đặc nhiệm quốc tế” (International Competition of Special Forces) của NATO, năm 2009 có quy mô tham gia thi đấu lớn nhất, đồng thời giành chiến thắng và phá kỷ lục trong rất nhiều nội dung.

Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc được mệnh danh là “lực lượng nắm đấm” (Quantou Budui), ám chỉ chiến thuật “có thể tấn công chí tử kẻ thù ở khu vực đặc biệt”. Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc kiên trì “thu nhỏ”, tổng quân số không đến 5.000 người, nhưng có trang bị tốt, huấn luyện cơ bản, bên dưới có Đội đặc nhiệm 6, Đội đặc nhiệm 8, Đội đặc nhiệm 12 và lực lượng lính thủy đánh bộ. Quân đoàn nhảy dù 15 là nguồn tân binh chính của Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc, tức là binh sĩ Trung Quốc muốn trở thành lính đặc nhiệm, trước tiên họ phải gia nhập lực lượng nhảy dù.

Trong thời gian chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Trung Quốc chỉ có vài trăm binh sĩ đặc nhiệm, chỉ phải thực hiện nhiệm vụ trinh sát tầm xa. Nhưng học hỏi kinh nghiệm của binh sĩ đặc nhiệm Mỹ ở vịnh Ba Tư, Trung Quốc bắt đầu thành lập lực lượng tương tự lực lượng đột kích Mỹ (American Rangers).

Đến năm 2001, trong thời gian chiến tranh Afghanistan, Trung Quốc quyết tâm xây dựng lực lượng đột kích theo mô hình lực lượng đặc nhiệm, “lực lượng vùng châu thổ” của quân Mỹ và lực lượng không vụ đặc biệt (SAS) của Anh.

Trong một thời gian rất dài, Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc chủ yếu tiến hành huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu nhằm vào Đài Loan, áp dụng phương thức hóa trang thành du khách và thương nhân bí mật đổ bộ len đảo trước, triển khai các hành động tấn công các mục tiêu quan trọng “trảm tướng” như lãnh đạo chính trị và quân sự.

Báo Mỹ cho rằng, hiện nay, Trung Quốc đã có gần 20 năm phát triển lực lượng đặc nhiệm, đã đào tạo được hàng trăm binh sĩ đặc nhiệm xuất sắc, mỗi binh sĩ đều có kinh nghiệm chiến đấu đặc biệt 10 năm trở lên.

Đài Loan cấp bách tìm hiểu khả năng tác chiến của Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc. Để loại bỏ mối đe dọa của Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc, họ tiến hành rất nhiều hoạt động gián điệp ở Trung Quốc, đối tượng trinh sát chính là Lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc. Nhưng, Đài Loan không chia sẻ tin tức tình báo của họ với bất cứ nước nào.

Trung Quốc cũng cử binh sĩ đặc nhiệm ra nước ngoài huấn luyện. Chẳng hạn, 6 tháng trước, Trung Quốc cử mấy trăm binh sĩ đặc nhiệm đến Venezuela tiến hành huấn luyện liên hợp 6 tháng với Quân đội Venezuela, khoa mục huấn luyện là kỹ thuật trinh sát và chiến thuật chống khủng bố. Những binh sĩ đặc nhiệm Trung Quốc này có thể nói tiếng Tây Ban Nha lưu loát.

Do năm 2003, Lực lượng đặc nhiệm Mỹ từng được huấn luyện ở Venezuela, Trung Quốc cũng rất quan tâm tìm hiểu phương pháp huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, người Venezuela thì truyền thụ toàn diện. Từ đó, Trung Quốc đã triển khai rất nhiều nhiệm vụ huấn luyện/tình báo tương tự, đồng thời phát hiện kỹ thuật được Mỹ ứng dụng nửa thế kỷ này rất thực tế.

Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu, TQ)