Đài Loan công bố Kế hoạch nâng cấp và mua máy bay chiến đấu

04/10/2011 08:39
Đông Bình (Theo Mil)
(GDVN) - Cán cân sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan hiện đang nghiêng về Trung Quốc, nên Đài Loan cần cấp bách nâng cao sức chiến đấu cho không quân.

Sau khi Mỹ tuyên bố phương án nâng cấp máy bay chiến đấu F-16A/B cho Đài Loan, ngày 28/9/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Cao Hoa Trụ lại tuyên bố, các loại máy bay chiến đấu của không quân Đài Loan sẽ bỏ ra 260 tỷ Đài tệ (4,8 Đài tệ tương đương 1 nhân dân tệ) đẩy nhanh hoàn thành kế hoạch nâng cấp.

Máy bay chiến đấu IDF "Kinh Quốc" đang chuẩn bị cất cánh thực hiện nhiệm vụ
Máy bay chiến đấu IDF "Kinh Quốc" đang chuẩn bị cất cánh thực hiện nhiệm vụ

Ngày 29/9, “BCC News Network” Đài Loan trích dẫn nội dung “Báo cáo sức chiến đấu của không quân Đài Loan” do Lầu Năm Góc vừa trình lên Quốc hội Mỹ cho biết, trạng thái quân sự eo biển Đài Loan ngày càng nghiêng về Trung Quốc, không quân Đài Loan cần cấp bách tăng cường sức chiến đấu.

Ngày 28/9, “United Evening News” Đài Loan cho biết, “Phương án nâng cấp tính năng F-16A/B” theo kế hoạch của không quân Đài Loan từ năm 2012 đến 2023 có trị giá 150 tỷ Đài tệ, “Phương án nâng cấp Tường Triển số 1” 71 chiếc máy bay chiến đấu “Kinh Quốc” IDF khoảng 16,8 tỷ Đài tệ, “Phương án nâng cấp Tường Triển số 2” 56 chiếc trị giá 16 tỷ  Đài tệ, ngoài ra còn có kế hoạch thay mới máy bay chiến đấu trị giá khoảng 80 tỷ Đài tệ để nghiên cứu phát triển và mua 50 máy bay huấn luyện cao cấp.

Máy bay chiến đấu F-16MLU của không quân Đài Loan
Máy bay chiến đấu F-16MLU của không quân Đài Loan

Ngày 28/9, tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho biết, khi trả lời chất vấn Ủy ban Ngoại giao-Quốc phòng Viện Lập pháp (Quốc hội) Đài Loan, Cao Hoa Trụ cho biết, 56 máy bay chiến đấu “Kinh Quốc” của Liên đội số 427 của không quân Đài Loan sẽ tiến hành nâng cấp tính năng, toàn bộ chương trình được mang tên “Tường Triển số 2”, do Công ty Hán Tường của Đài Loan thực hiện, dự kiến đến năm 2017 hoàn thành toàn bộ.

Lâm Úc Phương của Viện Lập pháp (Quốc hội) tiết lộ, 71 chiếc máy bay chiến đấu “Kinh Quốc” của Liên đội số 443 – không quân Đài Loan đóng ở căn cứ Đài Nam đã bắt đầu công việc nâng cấp “Tường Triển số 1”, chủ yếu là thay mới các hệ thống như máy tính và radar hiện đại, nâng cao khả năng kiểm soát trên không cho máy bay chiến đấu.

Máy bay chiến đấu Đài Loan phóng đạn gây nhiễu trong cuộc tập trận Hán Quang
Máy bay chiến đấu Đài Loan phóng đạn gây nhiễu trong cuộc tập trận Hán Quang

Theo ý tưởng ban đầu của không quân Đài Loan, nếu Mỹ đồng ý bán 66 máy bay F-16C/D, máy bay chiến đấu “Kinh Quốc” của Liên đội số 427 sẽ chuyển sang sử dụng làm máy bay huấn luyện cao cấp, nhưng đến nay kế hoạch thất bại, quân đội Đài Loan đành phải sử dụng chương trình nâng cấp “Tường Triển số 2” để bù đắp sự “thiếu hụt khả năng chiến đấu” có thể xảy ra trong tương lai.

Nội dung được quan tâm nhất của “Tường Triển số 2” là lắp đặt thùng dầu và nâng cao khả năng treo vũ khí trên máy bay. Được biết, ở phần lưng máy bay “Kinh Quốc” sẽ tăng thêm 1 thùng dầu mang theo khoảng 700 lít để tăng cường hành trình, đồng thời tăng cường khả năng treo vũ khí của cánh máy bay, giúp 8 giá treo của máy bay này đều có thể treo tên lửa không đối không tầm trung Thiên Kiếm-2 hoặc thiết bị phóng ngoài khu vực phòng thủ.

Máy bay F-5 của không quân Đài Loan
Máy bay F-5 của không quân Đài Loan

Công ty Hán Tường tuyên bố, thông qua cải tiến như vậy, khi tiến hành “tấn công ngoài biên giới” trong tình hình tự mang theo thùng dầu (như trên), máy bay chiến đấu “Kinh Quốc” có thể mang theo 2 quả đạn “Vạn Kiếm” (tấn công ngoài khu vực phòng thủ) do Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Sơn – Đài Loan nghiên cứu chế tạo, tấn công các mục tiêu trên bộ xa 450 – 500 km, sẽ giúp cho phạm vi tấn công của không quân Đài Loan tiếp tục mở rộng sang Trung Quốc đến 700-800 km.

Ngày 28/9, Cao Hoa Trụ cũng xác nhận, vào cuối năm 2011, không quân Đài Loan sẽ bắt đầu tiến hành tích hợp hệ thống vũ khí “Vạn Kiếm” với hệ thống máy bay chiến đấu “Kinh Quốc”, “Vạn Kiếm” có khoảng cách bay xa hơn nhiều so với bom dẫn đường chính xác JDAM do Mỹ chế tạo”.

Đạn "Vạn Kiếm" được sử dụng cho máy bay "Kinh Quốc" của không quân Đài Loan
Đạn "Vạn Kiếm" được sử dụng cho máy bay "Kinh Quốc" của không quân Đài Loan

Cao Hoa Trụ còn tiết lộ, không quân Đài Loan sẽ thúc đẩy chương trình mua máy bay huấn luyện cao cấp có trị giá tới 80 tỷ Đài tệ, nhưng Bộ Quốc phòng Đài Loan còn chưa quyết định mua của nước ngoài hay tự phát triển.

Tin cho biết, máy bay huấn luyện AT-3 hiện có của không quân Đài Loan đã đến lúc nghỉ hưu, nhà sản xuất AT-3 – công ty Hán Tường đã từng đề xuất với Bộ Quốc phòng Đài Loan ý tưởng phát triển máy bay huấn luyện trên nền tảng máy bay chiến đấu “Kinh Quốc”, nhưng Bộ Quốc phòng tập trung quan tâm đến “hàng bán sẵn” trên thị trường quốc tế.

Máy bay huấn luyện AT-3 của không quân Đài Loan
Máy bay huấn luyện AT-3 của không quân Đài Loan

Được biết, Công ty Aermacchi – Italia và Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc đều từng đưa ra mong muốn mạnh mẽ bán máy bay huấn luyện cho Đài Loan.

Các nhân sĩ Đài Loan tiết lộ, không quân Đài Loan có nhiều khả năng thông qua Mỹ mua máy bay huấn luyện T-50 do Hàn Quốc sản xuất. Máy bay này do Công ty Lockheed Martin Mỹ hỗ trợ thiết kế, hơn nữa trong quá trình thiết kế còn được sự hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật Đài Loan, ngoại hình tương tự máy bay “Kinh Quốc”.

Nhưng dư luận phổ biến cho rằng, do kinh tế của Hàn Quốc phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, bán vũ khí cho Đài Loan lại quá nhạy cảm, Hàn Quốc chưa chắc dám mạo hiểm với Trung Quốc.

Đài Loan muốn mua máy bay huấn luyện cao cấp T-50 của Hàn Quốc
Đài Loan muốn mua máy bay huấn luyện cao cấp T-50 của Hàn Quốc

Kế hoạch tăng cường quy mô lớn lần này của không quân Đài Loan đang ở trong thời điểm nhạy cảm, đó là quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng bởi đợt bán vũ khí cho Đài Loan mới của Mỹ.

“United Evening News” Đài Loan ngày 29/9 cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ cuối cùng đã trình “Báo cáo Sức chiến đấu của Không quân Đài Loan” cho Quốc hội Mỹ. Trọng điểm của báo cáo này làm rõ thực trạng cán cân sức mạnh quân sự hai bờ eo biển Đài Loan, tương tự quan điểm của “Báo cáo Sức mạnh quân sự của Trung Quốc” được công bố hàng năm, cho rằng tình hình quân sự eo biển Đài Loan ngày càng nghiêng về Trung Quốc, vì vậy chủ trương nâng cao sức chiến đấu cho không quân Đài Loan.

Máy bay chiến đấu F-16C-block52 của quân đội Mỹ
Máy bay chiến đấu F-16C-block52 của quân đội Mỹ

Đối với việc Mỹ từ chối bán máy bay chiến đấu mới F-16C/D, tạp chí “Quốc phòng châu Á-Thái Bình Dương” Đài Loan cho rằng, máy bay F-16A/B sau khi được nâng cấp ngoài khả năng tấn công đối đất hơi kém, khả năng không chiến sẽ tương đương F-16C/D, tiền tiết kiệm có thể được dùng để cử các phi công, các nhân viên hậu cần mặt đất, quản lý... đến Mỹ đào tạo, nhập công nghệ hậu cần và quản lý chuyên nghiệp của Mỹ,

tăng tỷ lệ thích đáng cho máy bay chiến đấu, giúp cho lực lượng máy bay chiến đấu hiện có phát huy sức chiến đấu lên tới gần 100%, lại kèm theo phương án nâng cấp máy bay chiến đấu “Kinh Quốc” và máy bay huấn luyện cao cấp mới, tăng cường khả năng vượt qua “cuộc tấn công thứ nhất” cho không quân Đài Loan, sức chiến đấu tổng thể còn có thể “không giảm, mà còn tăng”.

Cán cân sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan đang nghiêng về Trung Quốc
Cán cân sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan đang nghiêng về Trung Quốc
“United Evening News” còn thừa nhận, “Báo cáo Sức chiến đấu của Không quân Đài Loan” sẽ đề nghị bán máy bay chiến đấu F-16C/D cho Đài Loan, nhưng kết quả cuối cùng là nâng cấp máy bay chiến đấu F-16A/B đã đủ để tăng cường sức chiến đấu cho không quân Đài Loan.
Đông Bình (Theo Mil)