Đài Loan quyết thực hiện "dự án đẻ non thời kỳ Trần Thủy Biển"

11/04/2012 07:00
Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - Trước sức ép quân sự từ Trung Quốc, nhất là tàu sân bay, Đài Loan đang tập trung thúc đẩy chương trình tự chế tạo tàu ngầm.
Tàu ngầm thông thường Hải Long - Đài Loan.
Tàu ngầm thông thường Hải Long - Đài Loan.

Ngày 30/3, Quỹ Jamestown Mỹ có bài viết trên “Tin vắn Trung Quốc” nhan đề “Hải quân Đài Loan tiến theo chương trình tự chế tạo tàu ngầm” của tác giả Russell Hsiao, Jyh-Perng Wang.

Chương trình chế tạo tàu ngầm diesel đã chờ đợi lâu của Hải quân Đài Loan hầu như đang được thúc đẩy về phía trước. Có tin cho biết, chương trình chế tạo tàu ngầm này (bị đẻ non thời kỳ Trần Thủy Biển cầm quyền) được thúc đẩy trở lại trong nhiệm kỳ thứ hai của Mã Anh Cửu.

Mặc dù chương trình này hoàn toàn không có nội dung gì mới, nhưng tờ “Thời báo Đài Bắc” ngày 21/1 tiết lộ, có quan chức của Hải quân Đài Loan đã phát biểu với Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng-Viện Lập pháp (Quốc hội) tại một số hội nghị cơ mật hạ tuần tháng 1 rằng, phải làm cho chương trình tự chế tạo tàu ngầm này tiếp tục triển khai.

Có nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết, chương trình tàu ngầm có thể lâu dài hơn so với dự đoán của các nhà quan sát phương Tây, đồng thời có thể nhận được sự ủng hộ của chính trường Đài Loan.

Trong 10 năm qua, nhu cầu của Đài Loan đối với việc thay đổi liên tục tàu ngầm luôn bị bao phủ bởi rất nhiều bóng đen. Đặc biệt là sau khi cựu Tổng thống Mỹ Bush năm 2001 tuyên bố cung cấp cho Đài Loan 8 tàu ngầm động cơ diesel, chương trình tự chế tạo tàu ngầm của Đài Loan hầu như nằm trong trạng thái đình trệ.

Tàu ngầm Swordfish của Hải quân Đài Loan.
Tàu ngầm Swordfish của Hải quân Đài Loan.

Thỏa thuận này của Bush khi đó không được thực hiện kịp thời, điều này có nhiều nguyên nhân. Trong đó có một phần nguyên nhân là, chương trình tàu ngầm của Đài Loan khi đó đã trở thành vật hy sinh của tranh chấp lợi ích giữa các quan chức và cuộc đấu đá giữa các đảng phái ở Đài Loan và Mỹ.

Ngoài ra, hai bên còn tranh cãi việc đạt được 8 tàu ngầm theo thỏa thuận theo Chương trình bán vũ khí đối ngoại (FMS) hay thông qua Kênh tiêu thụ thương mại trực tiếp (DCS). Vì vậy, trong các cuộc đấu tranh chính trị, chương trình mua sắm tàu ngầm năm 2001 đã bị chết non.

Tại hội nghị cơ mật của ngành đối ngoại và Ủy ban Quốc phòng Đài Loan, có một quan chức cao cấp Quân đội Đài Loan đề xuất tranh thủ sự ủng hộ của các chính đảng chủ yếu của Đài Loan đối với ngân sách năm 2013, ngân sách này bao gồm chương trình tàu ngầm, chương trình này có mục đích chế tạo được tàu ngầm nguyên mẫu lớp 1.000 tấn hoặc 1.500 tấn trong thời gian 3-4 năm.

Chương trình này mang tên “Kế hoạch Sao Biển” nghe nói đã chết non trong thời gian Đảng Dân tiến cầm quyền trước đây. Sau đó, bên ngoài luôn đồn thổi Đài Bắc đang tổ chức các hội nghị cấp cao để làm sống lại chương trình tàu ngầm, trong đó bao gồm nghiên cứu tính khả thi sự tham gia của nước khác trong chương trình này.

Cho nên, những tiến triển mới nhất về tàu ngầm của Đài Loan có thể được giải thích là: Trên cơ sở đã giành được sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo Đài Loan, chương trình chế tạo tàu ngầm cuối cùng đã đạt được một cột mốc quan trọng.

Tàu ngầm Seal của Hải quân Đài Loan neo đậu tại bến cảng.
Tàu ngầm Seal của Hải quân Đài Loan neo đậu tại bến cảng.

Ngày 21/2, khi được hỏi về chính sách đối với chương trình tàu ngầm của Chính phủ Mã Anh Cửu, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan La Thiệu cho biết, Bộ Quốc phòng Đài Loan bày tỏ sự ủng hộ đối với chương trình tàu ngầm này.

La Thiệu còn cho biết, nếu vấn đề công nghệ có liên quan được giải quyết, Bộ Quốc phòng rất hoan nghênh quyết định này.

Nhưng, quyết định ủng hộ chương trình chế tạo tàu ngầm này của Chính phủ Mã Anh Cửu hoàn toàn không phải được giải quyết trong chốc lát.

Năm 2009, có tin cho biết, khi đó Mã Anh Cửu đã ký một báo cáo nghiên cứu. Theo tờ “Thời báo Tự do” Đài Loan, Ủy ban Khoa học Quốc gia của Viện Hành chính (Chính phủ) Đài Loan đã hạ đạt một mệnh lệnh cho hải quân, yêu cầu họ tiến hành nghiên cứu tính khả thi về việc Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm.

Khi đó có tin cho biết: “Trong vấn đề Đài Loan có khả năng chế tạo 8 tàu ngầm hay không, ít nhất đã triệu tập 5 hội nghị quốc phòng cấp cao”. Các chuyên gia cũng tin rằng “Mã Anh Cửu rất có thể đồng ý với chương trình nhằm thúc đẩy kinh tế Đài Loan, giảm tỷ lệ thất nghiệp”.

Hầu như cũng trong cùng một thời gian, tại Công ty Đóng tàu Đài Loan ở Cao Hùng, ủy ban này tiết lộ “có kế hoạch chế tạo thân tàu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”.

Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Hải quân Trung Quốc, do Nga chế tạo.

Tháng 1/2011, một tờ báo Đài Loan cho biết, có kế hoạch nhập công nghệ tàu ngầm lớp Kilo Nga để chế tạo tàu ngầm của Đài Loan.

Tin còn cho biết, Ủy ban Khoa học Quốc gia-Viện Hành chính và Hải quân Đài Loan đã thành lập Tiểu ban công tác, đồng thời năm 2010 đã liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của Nga, đã đạt được thỏa thuận hợp tác công nghệ, cùng chế tạo vỏ nén lực của tàu ngầm Đài Loan.

Công ty Đóng tàu Đài Loan đồng thời cũng thành lập một Nhóm công tác chuẩn bị trước, mang tên “Chương trình Tiềm Long”. Toàn bộ chương trình đã bao gồm thu thập tinh tức tình báo về tàu ngầm, trong đó có tư tưởng thiết kế, cấu tạo mô phỏng tàu ngầm 209 của Đức, thực nghiệm mô phỏng máy tính, đồng thời thành lập một đội ngũ nghiên cứu 46 người, đầu tư 678.000 USD.

Có tin cho biết, nhóm công tác này được gửi đến các công ty đóng tàu của Pháp, Tây Ban Nha và Italia để có được công nghệ chuyên nghiệp và tìm kiếm sự hỗ trợ. Nghe nói, những công ty đóng tàu này cũng đã cử các chuyên gia của họ đánh giá khả năng chế tạo tàu ngầm hiện nay của Đài Loan. Một báo cáo đánh giá sẽ được công khai trong năm nay.

Sự thay đổi thái độ của những người đề xuất ý kiến bên cạnh Mã Anh Cửu như Ủy ban Khoa học Quốc gia, Bộ Quốc phòng và Hải quân Đài Loan gần đây đã làm cho chính sách có sự đổi hướng rõ rệt.

Tàu ngầm lớp Tống của Hải quân Trung Quốc.
Tàu ngầm lớp Tống của Hải quân Trung Quốc.

Chẳng hạn, khi Mã Anh Cửu lần đầu tiên được chọn làm nhà lãnh đạo Đài Loan vào năm 2008, Ủy ban Khoa học Quốc gia-Viện Hành chính Đài Loan đã tổ chức hội nghị vào tháng 7/2008 nhấn mạnh tầm quan trọng của tàu ngầm đối với Đài Loan, nhưng do giá mua tàu ngầm nước ngoài quá cao khi đó, việc tiếp tục thực hiện kế hoạch sẽ phải trả giá chính trị rất lớn.

Chính quyền Đài Loan khi đó đã thu thập ý kiến của các chuyên gia và nhân sĩ quốc phòng. Mặc dù sau khi tổ chức ít nhất 10 hội nghị, những chuyên gia, học giả, lãnh đạo quân sự và đại diện các doanh nghiệp đóng tàu vẫn không thể đạt được đồng thuận, nhưng những nỗ lực thúc đẩy chương trình chế tạo tàu ngầm lại ngầm cho thấy sự tính toán chính trị đã thay đổi.

Ví dụ, một cố vấn lâu dài của Mã Anh Cửu, một trong những người sáng lập Quỹ Giao dịch Eo biển, Trần Xương Văn, từ năm 2002, bắt đầu phản đối mạnh mẽ Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, trong một bài xã luận vào mùa thu năm 2009, ông đã thay đổi lập trường, bắt đầu ủng hộ chương trình tự chế tạo tàu ngầm.

Ông giải thích rằng, trước đây 60% ngân sách quốc phòng của Đài Loan đều dùng để mua trang bị của nước ngoài, điều này bất lợi cho việc nâng cao tiêu chuẩn công nghệ và sức mạnh quân sự của Đài Loan, cũng không có lợi cho thúc đẩy kinh tế Đài Loan hoặc mở rộng cơ hội thương mại cho Đài Loan.

Tàu khu trục tên lửa 956E lớp Hiện Đại của Hải quân Trung Quốc.
Tàu khu trục tên lửa 956E lớp Hiện Đại của Hải quân Trung Quốc.

Trên một phương diện khác, nếu 8 tàu ngầm đều chế tạo tại Đài Loan, thì khoảng 30% chi phí nhân công sẽ tạo cơ hội thương mại cho Đài Loan, còn trong 60% kinh phí vật liệu thiết bị, thương nhân Đài Loan có thể cung cấp khoảng 40% hạng mục. Ngoài ra, chi phí bảo vệ và đầu tư có liên quan khác cũng có lợi cho nền kinh tế của Đài Loan.

Trong trường hợp không mua được vũ khí mới nào của Mỹ, Đài Loan đã áp dụng một số biện pháp hỗ trợ cho lực lượng quân sự của họ, công nghệ tàu ngầm cũng không ngoại lệ. Nhưng, Đài Loan vẫn cần mua vũ khí và hệ thống thông tin của nước ngoài. Gần 5 năm sau khi ký thỏa thuận năm 2001, việc mua bán tàu ngầm giữa Mỹ và Đài Loan đều không được thúc đẩy.

Tháng 7/2006, Trung tâm Tình báo và Nghiên cứu Chính sách Khoa học công nghệ Đài Loan, Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Ứng dụng Quốc gia Đài Loan đã cùng đưa ra “kiến nghị mang tính chiến lược chế tạo tàu ngầm cỡ nhỏ tại Đài Loan”.

Nhưng do kế hoạch này cần phải được Chính phủ rót vốn, còn Bộ Quốc phòng và Hải quân khi đó đều ủng hộ mua tàu ngầm thông qua phương thức bán vũ khí đối ngoại, kiến nghị cuối cùng không được thực hiện.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Thái Minh Hiến cho biết, Đài Loan hoàn toàn không cần mua tàu ngầm cỡ lớn, ngược lại, Thái Minh Hiến đề nghị Bộ Quốc phòng, Ủy ban Khoa học Quốc gia, Công ty Đóng tàu Đài Loan và các công ty tư nhân khác hợp tác nghiên cứu phát triển tàu ngầm cỡ nhỏ 300 tấn.

Tàu vận tải đổ bộ 071 Côn Lôn Sơn - Hải quân Trung Quốc.
Tàu vận tải đổ bộ 071 Côn Lôn Sơn - Hải quân Trung Quốc.

Thái Minh Hiến cho rằng, Đài Loan đã có khả năng, nguồn lực kinh tế và công nghệ chuyên nghiệp để tự chế tạo tàu ngầm cỡ nhỏ. Điều quan trọng hơn là, tàu ngầm cỡ nhỏ 300 tấn dễ hoạt động hơn ở eo biển Đài Loan. Căn cứ vào nhận định của Thái Minh Hiến, chế tạo một chiếc tàu ngầm nguyên mẫu chỉ cần 3-5 năm.

Điều đáng chú ý là, Hải quân Đài Loan đã bác bỏ kế hoạch này. Căn cứ vào tiết lộ của báo cáo quốc phòng hàng năm mới nhất của Ủy ban Thương mại Mỹ-Đài, tháng 10/2011, một đoàn đại biểu Đài Loan đã đến thăm ít nhất ba nước Tây Âu để tìm kiếm nhà cung cấp công nghệ/thiết kế tiềm năng, đối tác hợp tác công nghệ và nhân viên kỹ thuật để giúp thúc đẩy chương trình chế tạo tàu ngầm của Đài Loan.

Báo cáo cuối cùng nghiên cứu có tính khả thi được hoàn thành vào tháng 11/2011, Hải quân Đài Loan và Công ty Đóng tàu Đài Loan cần báo cáo sự tiến triển của dự án tàu ngầm cho Bộ Quốc phòng, Bộ Kinh tế và Viện Lập pháp. Điều này cần đề xuất nhu cầu vốn trong khuôn khổ thời gian năm 2013 và 2014 để hỗ trợ cho việc khởi động chương trình này.

Tàu sân bay Trung Quốc dự kiến đưa vào hoạt động ngày 1/8/2012.
Tàu sân bay Trung Quốc dự kiến đưa vào hoạt động ngày 1/8/2012.

Xét đến cùng, Bộ Quốc phòng Đài Loan có thể đưa ra chương trình tự chế tạo tàu ngầm tại hội nghị lập pháp hiện nay. Chương trình này nhằm chế tạo tàu ngầm nguyên mẫu lớp 1.000-1.500 tấn.

Xét thấy Chính phủ Mã Anh Cửu hiện phát ra tín hiệu mạnh mẽ muốn sở hữu tàu ngầm, vấn đề còn lại là, chính quyền Obama có hỗ trợ Đài Loan hay không – trong trường hợp có thể không phải là mua vũ khí đối ngoại trực tiếp hoàn toàn. Đồng thời, quyết định của chính quyền Mã Anh Cửu về thúc đẩy chế tạo tàu ngầm cũng đã phản ánh sự lo ngại của Đài Loan đối với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Trong những thông tin gần đây về hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Từ Hồng Mãnh cho biết, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có thể đưa vào hoạt động từ ngày 1/8 tới.

Sau hơn 10 năm, bóng đen phủ lên chương trình tàu ngầm của Đài Loan hầu như đang từ từ tan biến. Vấn đề hiện nay không còn là “nếu như” hoặc “thế nào”, mà là “lúc nào”. Xem ra, Hải quân Đài Loan đang tiến bước theo chương trình tự chế tạo tàu ngầm.


Đông Bình (Theo Tân Hoa xã)