Đánh ISIS: Quân Mỹ đã có những thiệt hại đầu tiên về người

07/10/2014 07:47
Việt Dũng
(GDVN) - Đây là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ thiệt mạng kể từ khi phát động không kích ISIS; Nhật-Mỹ còn có kế hoạch triển khai Osprey không quân ở căn cứ Yokota.

Sự cố Osprey không kích IS: 2 phi công nhảy xuống biển, 1 thiệt mạng

Tờ "Phượng Hoàng" Hồng Kông ngày 2 tháng 10 đưa tin, Hải quân Mỹ cho biết, ngày 1 tháng 10 một chiếc máy bay vận tải MV-22 Osprey của lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đã mất động lực sau khi cất cánh ở vịnh biển Ả rập, 2 nhân viên tổ lái đã khẩn cấp nhảy xuống biển.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey Mỹ
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey Mỹ

Hải quân Mỹ cùng ngày ra tuyên bố cho biết, khi đó chiếc máy bay vận tải Osprey này đã mất động lực sau khi cất cánh trên tàu tấn công đổ bộ đa năng Makin Islands. Hai nhân viên tổ lái nhảy xuống biển Ả rập, trong đó một người đã an toàn khi tìm được, hiện đang được chữa trị. Hiện nay, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ còn đang tiến hành điều tra nguyên nhân sự cố.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 5 tháng 10 còn dẫn hãng AFP cũng cho biết, một chiếc máy bay cánh xoay nghiêng Osprey của Quân đội Mỹ đã rơi xuống biển khi cất cánh ở vịnh Ba Tư vào ngày 2 tháng 10, một binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ thiệt mạng, đây là lần đầu tiên Quân đội Mỹ có binh sĩ thiệt mạng kể từ khi phát động chiến dịch không kích ISIS đến nay.

Theo báo, hạ sĩ Jordan Spears, 21 tuổi, cùng với một một chiến sĩ khác của Quân đội Mỹ đã điều khiển máy bay trực thăng/vận tải MV-22 Osprey cất cánh từ tàu Makin Islands, rồi mất động lực rơi xuống biển.

Quân đội lập tức tìm kiếm cứu nạn, nhưng chỉ tìm được một người, ngày thứ hai nhà cầm quyền tuyên bố chấm dứt tìm kiếm cứu nạn và dự đoán Jordan Spears đã thiệt mạng.

Theo tờ “Phượng Hoàng”, máy bay vận tải cánh xoay nghiêng Osprey là máy bay vận tải đa năng kiểu mới có thể cất hạ cánh thẳng đứng của Quân đội Mỹ.

Do trước đây xảy ra nhiều sự cố rơi vỡ, độ an toàn của nó bị nghi ngờ. Makin Islands là tàu tấn công lớp Wasp của Hải quân Mỹ, có nhiều chức năng như tàu tấn công đổ bộ, tàu tấn công trực thăng, tàu vận tải đổ bộ, từng đậu 4 ngày ở Hồng Kông trên đường đến Trung Đông vào hạ tuần tháng 8.

Tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island LHD-8 lớp Wasp Mỹ
Tàu tấn công đổ bộ USS Makin Island LHD-8 lớp Wasp Mỹ

Hải quân Mỹ cho biết, Makin Islands hiện là một phần của lực lượng Thủy quân lục chiến, triển khai ở vịnh Ả rập phụ trách hỗ trợ cho Bộ tư lệnh Trung tâm, Quân đội Mỹ, tổ chức nhiệm vụ không kích nhằm vào "Nhà nước Hồi giáo" (ISIS) ở Iraq và Syria.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc ngày 30 tháng 9 cho biết, sẽ điều một lực lượng đặc biệt trên bộ-trên không mới thành lập của Thủy quân lục chiến đến khu vực Trung Đông để ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh của khu vực Trung Đông.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc cho biết thêm, một chiếc máy bay trực thăng không quân của miền bắc Iraq cũng vừa bị rocket của các phần tử Thánh chiến bắn rơi, hai người thiệt mạng, cho thấy các phần tử Thánh chiến có khả năng đối đầu với không kích của Liên quân, họ đồng thời tiến sang thành phố biên giới Kobani, Syria.

Một quan chức Mỹ chỉ ra, tuy Liên quân phát động nhiều lần không kích đối với các phần tử Thánh chiến, nhưng do thiếu chi viện của lực lượng mặt đất, cộng với Quân đội Mỹ không thể phối hợp với quân chính phủ Syria và hạn chế số lần không kích, khiến cho hiệu quả không kích có hạn.

Nhật-Mỹ có kế hoạch triển khai Osprey ở căn cứ Yokota

Cũng liên quan đến máy bay Osprey, hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết, nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 4 tháng 10 tiết lộ, chính phủ hai nước Nhật-Mỹ đang tiến hành phối hợp về việc triển khai 12 máy  bay vận tải mới CV-22 Osprey của Không quân Mỹ ở căn cứ Yokota Mỹ tại Nhật Bản.

Việc làm này có mục đích cân nhắc đến cuộc bầu cử chủ tịch tỉnh Okinawa vào tháng 11 tới, thể hiện tư thế tránh gia tăng gánh nặng của căn cứ Okinawa.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ cất cánh tập thể ở căn cứ Futenma Mỹ (nguồn mạng Tin tức Trung Quốc)
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng MV-22 Osprey Mỹ cất cánh tập thể ở căn cứ Futenma Mỹ (nguồn mạng Tin tức Trung Quốc)

Theo bài báo, nếu kế hoạch triển khai được thực hiện sẽ là "lần đầu tiên" CV-22 Opsrey triển khai ở lãnh thổ Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cân nhắc bắt tay điều tra ảnh hưởng của sự việc này đối với người dân khu vực căn cứ Yokota. Nhưng dự kiến sẽ bị địa phương phản đối, kế hoạch có thể thực hiện hay không còn chưa rõ.

Không quân Mỹ từng nghiên cứu phương án lấy CV-22 Osprey để thay thế máy bay vận tải C-130 của căn cứ Kadena. Nhưng ở tỉnh Okinawa, sân bay Futenma quân Mỹ đóng tại Nhật Bản đã triển khai 24 máy bay MV-22 Osprey phiên bản Thủy quân lục chiến.

Xét thấy tỉnh này yêu cầu chuyển Osprey ra ngoài tỉnh, cộng với cuộc bầu cử chủ tịch tỉnh sắp đến, chính phủ hai nước Nhật-Mỹ cho rằng, độ khó triển khai ở Kadena rất lớn.

Được biết, CV-22 Osprey do lực lượng đặc nhiệm Không quân Mỹ sử dụng. Kết cấu cơ bản tương đồng MV-22, nhưng dùng nhiều hơn cho các điều kiện khó như bay ở tầng trời thấp. Tỷ lệ sự cố cao hơn so với MV-22 Osprey.

Ngày 15 tháng 7, MV-22 lần đầu tiên bay đến căn cứ Atsugi, Kanagawa, quanh Thủ đô, sau đó ngày 19 tháng 7 lại bay đến căn cứ Yokota. Có phân tích cho rằng, động thái nhiều lần bay đến khu vực xung quanh Thủ đô của nó là nhằm tạo điều kiện cho triển khai ở căn cứ Yokota.

Trước đó, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ Carlisle tháng 7 năm 2013 từng cho biết, sẽ lấy căn cứ Yokota và căn cứ Kadena làm địa điểm lựa chọn triển khai CV-22.

Kế hoạch ban đầu đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu năm 2014, nhưng do chính quyền địa phương khu vực căn cứ Yokota yêu cầu chính phủ trung ương Nhật Bản rút lại kế hoạch triển khai, vì vậy bị đẩy lùi.

Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng CV-22 Osprey của Không quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Máy bay vận tải cánh xoay nghiêng CV-22 Osprey của Không quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Việt Dũng