Triển lãm hàng không quốc tế Paris Airshow 2013:

Điểm mặt từng sản phẩm máy bay của Trung Quốc tại Paris Airshow 2013

19/06/2013 08:03
Đông Bình
(GDVN) - Tham gia triển lãm hàng không quốc tế Paris lần này, Trung Quốc mang theo rất nhiều loại máy bay với hy vọng tìm cách xuất khẩu, kiếm tiền.
Máy bay trực thăng vũ trang Z-9 Trung Quốc
Máy bay trực thăng vũ trang Z-9 Trung Quốc

Ngày 17 tháng 6 năm 2013, Triển lãm hàng không quốc tế Paris-Pháp lần thứ 50 đã khai mạc tại sân bay Le Bourget, ngoại ô Paris, thời gian triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 23 tháng 6.

Tung ra nhiều sản phẩm hàng không

Trung Quốc đã tham gia triển lãm này với nhiều loại máy bay "tự chế tạo" gồm máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi Kiêu Long, máy bay huấn luyện tấn công 2 chỗ ngồi Kiêu Long (máy bay Kiêu Long lần đầu tiên công khai tham gia triển lãm), máy bay huấn luyện cao cấp L-15, máy bay không người lái đa năng Dực Long, máy bay trực thăng AC312 (Z-9), máy bay vận tải Y-8C.

Tổng giám đốc Tổng công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc, ông Mã Chí Bình đã giới thiệu tình hình và trả lời phỏng vấn báo chí về hoạt động tham gia triển lãm lần này.

Về khả năng xuất khẩu máy bay trực thăng vũ trang Z-10 và Z-19 do Trung Quốc chế tạo, ông Mã Chí Bình cho rằng, trong tương lai nếu có xuất khẩu cho nước ngoài thì trước tiên phải được quốc gia phê chuẩn. Và máy bay trực thăng do Trung Quốc xuất khẩu đều trang bị động cơ nội địa - tức động cơ do Trung Quốc tự sản xuất.

Ông Mã Chí Bình tiết lộ, hoạt động xuất khẩu sản phẩm hàng không của Trung Quốc từng bước từ coi trọng xuất khẩu máy bay cánh cố định chuyển sang coi trọng cả máy bay cánh cố định và máy bay cánh xoay, từ xuất khẩu máy bay thế hệ thứ hai chuyển sang xuất khẩu máy bay thế hệ thứ ba, đồng thời trên nền tảng của thị trường truyền thống, tích cực mở cửa thị trường mới, chẳng hạn các nước có khả năng thanh toán tốt, các nước “có tài nguyên” phong phú.

Mô hình máy bay vận tải Y-8C tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris, Pháp
Mô hình máy bay vận tải Y-8C tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris, Pháp

Về máy bay không người lái đa năng Dực Long, theo tiết lộ của ông Mã Chí Bình, máy bay Dực Long có thể mang theo 2 quả tên lửa dẫn đường laser, có thời gian hoạt động liên tục và hành trình “tương đương” với máy bay không người lái Predator của quân Mỹ, nhưng giá bán rẻ hơn nhiều.

Hiện nay, máy bay không người lái Dực Long đang bán cho "mấy quốc gia", đã bàn giao cho 2-3 khách hàng, còn có 4-5 khách hàng tiềm năng đang được TQ xúc tiến bàn bạc, phạm vi các nước khách hàng mở rộng tới khu vực châu Phi, Trung Á và các khu vực châu Á khác.

Máy bay Dực Long đã trở thành một trong những sản phẩm máy bay không người lái “bán chạy nhất thế giới”. Ông Mã khoe rằng, phản ứng của các khách hàng là, chỉ tiêu tác chiến của máy bay Dực Long đã vượt số liệu chỉ tiêu thiết kế ban đầu.

Trung Quốc cũng đã trưng bày phương án máy báy khái niệm AMF - rất giống với máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-31 Cốt Ưng của họ. Loại máy bay này có bố cục 1 chỗ ngồi, 2 động cơ, đầu máy bay giống với máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ.

Đây là phương án máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm của Trung Quốc, lần đầu tiên tham gia triển lãm hàng không lớn quốc tế. Theo tiết lộ từ phía Trung Quốc, tất cả những máy bay tham gia triển lãm đều có thể xuất khẩu.

Mô hình máy bay không người lái Dực Long tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris
Mô hình máy bay không người lái Dực Long tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris

Máy bay chiến đấu hạng nhẹ Kiêu Long

Mã Chí Bình cho biết, máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi Kiêu Long (FC-1B) là máy bay chiến đấu huấn luyện được phát triển trên nền tảng máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi Kiêu Long (FC-1), có chức năng huấn luyện, có khả năng tác chiến tương dương với máy bay FC-1.

Trong thời bình, nó chủ yếu dùng để huấn luyện bay và huấn luyện chiến thuật cho phi công máy bay FC-1, trong thời chiến có thể dùng để thực hiện nhiệm vụ tác chiến, là một phiên bản quan trọng của dòng máy bay Kiêu Long.

Theo ông Mã Chí Bình, máy bay Kiêu Long áp dụng bố cục khí động học tiên tiến, trang bị động cơ phản lực có lực đẩy lớn, tiêu thụ nhiên liệu ít, hệ thống điều khiển số hóa tiên tiến và hệ thống vũ khí điện tử hàng không tổng hợp, do đó có khả năng cơ động tốt, hành trình, thời gian ở trên không và bán kính tác chiến khá lớn, có khả năng cất/hạ cánh cự ly ngắn và mang theo vũ khí mạnh.

Máy bay Kiêu Long có 7 điểm treo vũ khí bên ngoài, có thể trang bị nhiều loại vũ khí không đối không, không đối diện, khả năng treo bên ngoài trên 3.600 kg. Có khả năng tấn công nhiều mục tiêu ngoài tầm nhìn, đồng thời còn được dẫn đường chính xác, có thể nhận biết tình hình chiến trường, dò tìm và nhận biết mục tiêu, tác chiến điện tử.

Theo bài báo, máy bay Kiêu Long đã đạt hiệu quả tác chiến tổng hợp của máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba, đồng thời có đặc điểm cỡ nhỏ, chi phí thấp, thích hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế.

Mô hình máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi Kiêu Long tại Triển lãm hàng không Pháp
Mô hình máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi Kiêu Long tại Triển lãm hàng không Pháp

Mã Chí Bình cho biết, thời gian đưa máy bay Kiêu Long 2 chỗ ngồi ra thị trường dự kiến là 3-4 năm, và mong muốn sẽ ký được hợp đồng trong năm 2013. Vào năm 2011, ông Mã Chí Bình từng đặt mục tiêu tiêu thụ 300 máy bay Kiêu Long trong thời gian 5 năm, đến nay đã trải qua gần 2 năm và Trung Quốc đã tiêu thụ 100 chiếc.

Máy  bay huấn luyện L-15

Về máy bay huấn luyện cao cấp L-15 Liệp Ưng, ông Mã Chí Bình cũng cho biết, L-15 là một loại máy bay huấn luyện cao cấp có khả năng bay siêu âm, tốc độ tối đa đạt 1,1-1,2 Mach (1 Mach tương đương với 1.225 km/giờ).

Trong khi đó máy bay huấn luyện cao cấp Yak-130 của Nga có tốc độ tối đa thấp hơn, là 1.050 km/giờ. L-15 có khoang lái 100% bằng kính; có thể trực tiếp huấn luyện phi công của các loại máy bay như J-10, J-11/Su-27, Kiêu Long và nhiều máy bay chiến đấu phương Tây. Khi được trang bị vũ khí, L-15 có khả năng tấn công đối không, đối đất.

Về tình hình tiêu thụ L-15, ông Mã Chí Bình cho biết, ngày 30 tháng 12 năm 2012 thực hiện được "thành tích" bán 6 máy bay cho 1 quốc gia châu Phi. Mã Chí Bình tỏ ra có lòng tin về triển vọng xuất khẩu L-15.

Bài báo trên tờ "Phương Đông" Trung Quốc ngày 18 tháng 6 cũng tập trung giới thiệu về máy bay L-15 cho biết, máy bay huấn luyện L-15 bay lần đầu tiên ở Nam Xương vào ngày 13 tháng 3 năm 2006, sau đó tiếp tục bay vào cuối tháng 5 năm 2013. L-15 trang bị cho Không quân Trung Quốc có thể đặt tên là máy bay huấn luyện cao cấp JL-10, lô đầu tiên JL-10 sẽ được dùng để trang bị cho Không quân Trung Quốc.

Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc

Sở dĩ Trung Quốc phải chờ đợi 7 năm mới có thể trang bị là do vấn đề động cơ. Đây chính là "gót chân Achilles" của công nghiệp hàng không Trung Quốc. Mấy chục năm qua, việc phát triển vô số chương trình máy bay đều phải kéo dài thậm chí bị hủy bỏ do vấn đề động cơ.

Mãi cho đến năm 2013, Công ty Motor Sich, Ukraine công bố có kế hoạch mỗi năm bán 40 động cơ phản lực AI-222-25F cho Trung Quốc. Lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội của động cơ này là 4,2 tấn, lớn hơn so với động cơ phiên bản AI-222-25 chỉ có 2,5 tấn.

Động cơ AI-222-25 chủ yếu dùng để trang bị cho máy bay huấn luyện-chiến đấu thế hệ mới Yak-130 của Nga, còn còn động cơ AI-222-25F mạnh hơn hiện nay lại được trang bị cho máy bay L-15 Trung Quốc – báo Trung Quốc cho đây là một yếu tố để L-15 tăng khả năng cạnh tranh với Yak-130 Nga trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, động cơ nội địa do Trung Quốc chế tạo cho L-15 mang tên Mân Sơn cũng có triển vọng trang bị trong vài năm tới.

Việc tự sản xuất và trang bị máy bay huấn luyện cao cấp là một nhu cầu cấp bách hiện nay của Không quân Trung Quốc nhằm đào tạo phi công cho các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba như J-10, J-11, thậm chí máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư trong tương lai.

Từ lâu, máy bay huấn luyện JL-7 do Trung Quốc sử dụng đã không thể đáp ứng được các yêu cầu huấn luyện cho phi công lái máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba tiên tiến hơn. Việc huấn luyện chủ yếu phụ thuộc vào 40 máy bay huấn luyện Su-27UBK nhập khẩu của Nga vào thập niên 1990, nhưng số máy bay này bị sử dụng quá tải và nay đã lão hóa, điều này càng đặt ra yêu cầu cấp bách trang bị máy bay huấn luyện nội địa thế hệ mới.

Máy bay huấn luyện L-15
Máy bay huấn luyện L-15

So với JL-7, máy bay huấn luyện L-15 có các ưu thế như tính năng khí động học tốt hơn, tính năng cơ động cao, tỷ lệ đẩy lớn, tuổi thọ sử dụng dài, thiết kế kết cấu hợp lý, công nghệ chế tạo tiên tiến và có tính đàn hồi trong sử dụng và tiềm lực phát triển cao, về tiêu chuẩn công nghệ tổng thể - “tương đương” với các loại máy bay huấn luyện cao cấp như T-50, M-346 và Yak-130 hiện đang phát triển của các nước Hàn Quốc, Italia và Nga, khả năng tải trọng và tính năng bay cơ động thậm chí có thể “tương đương” với máy bay chiến đấu ném bom hạng nhẹ Jaguar của Anh-Pháp.

Hiện nay, Hải, Không quân Trung Quốc đã biên chế máy bay huấn luyện cao cấp JL-9 Sơn Ưng, nhưng loại máy bay này thuộc loại máy bay hạng nhẹ 1 động cơ, tính năng hoàn toàn không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu huấn luyện của máy bay hạng nặng thế hệ thứ ba.

Năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là Lương Quang Liệt cho rằng, máy bay huấn luyện nội địa L-15 là loại tiên tiến, đặc tính bay có thể đáp ứng tốt hơn yêu cầu huấn luyện của quân đội hiện nay, mà nhu cầu là rất lớn.

Có thể dự đoán, một khi máy bay L-15 Liệp Ưng (hay JL-10) được biên chế, hoạt động huấn luyện lực lượng hàng không của Trung Quốc, về số lượng và công nghệ, sẽ có sự thay đổi rất lớn.
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc
Máy bay huấn luyện L-15 Trung Quốc
Đông Bình