Đỗ Văn Long: "Philippines "dám" điều quân tới bãi cạn Scarborough"

04/07/2013 15:49
Việt Dũng
(GDVN) - Đỗ Văn Long cho rằng, năm nay cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Philippines sẽ đưa khu vực diễn tập hướng ra khu vực xung quanh bãi cạn Scarborough.

Philippines dám điều quân tới bãi cạn Scarborough

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 30 tháng 6 cho biết, cuộc diễn tập quân sự liên hợp "Carat-2013" trên biển Đông giữa Mỹ-Philippines đã khai mạc ngày 27 tháng 6. Mặc dù là diễn tập thường niên, nhưng diễn tập lần này chọn địa điểm ở khu vực gần bãi cạn Scarborough, gây chú ý.

Chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Bắc Kinh cho rằng, mong muốn giành lại chủ quyền bãi cạn Scarborough của Philippines vẫn còn. Phía Philippines cho rằng năng lực quân sự của họ nếu áp sát bãi cạn Scarborough, thì trong tương lai có khả năng đưa quân tới hướng này.

Tờ "Philippine Daily Inquirer" ngày 27 tháng 6 cho biết, cuộc diễn tập này kéo dài 6 ngày, khu vực diễn tập nằm ở vùng biển phía tây hòn đảo chính Luzon của Philippines. Khoa mục diễn tập gồm có hành động trong bến cảng và trên biển, huấn luyện cá nhân và đơn vị, phối hợp với khu dân cư địa phương.

Hải quân Philippines ra tuyên bố cho biết: "Mục đích chính của Carat-2013 là nâng cao năng lực tác chiến trên biển cho hải quân hai nước Mỹ-Philippines... Chẳng hạn thông tin, chiến thuật pháo hải quân, tác nghiệp trên biển, phong tỏa trên biển, cứu trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, tăng cường năng lực kết nối trong tác chiến liên hợp giữa hải quân hai nước Mỹ-Philippines".

Binh sĩ Thủy quân đánh bộ Mỹ tới vịnh Subic của Philippines
Binh sĩ Thủy quân đánh bộ Mỹ tới vịnh Subic của Philippines

Đỗ Văn Long cho rằng, năm nay cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Philippines sẽ đưa khu vực diễn tập hướng ra khu vực xung quanh bãi cạn Scarborough. Philippines sở dĩ đưa địa điểm diễn tập hướng ra khu vực này là muốn truyền đi hai dụng ý:

Thứ nhất, Quân đội Philippines có can đảm tới gần khu vực này, đối với vấn đề bãi cạn Scarborough, họ vẫn có cảm giác mình không thất bại, hơn nữa tham vọng chủ quyền bãi cạn Scarborough vẫn còn tồn tại. Philippines cho rằng, năng lực quân sự của họ nếu có thể tới gần bãi cạn Scarborough, thì sau này có năng lực điều động lực lượng tới hướng này.

Thứ hai, hành động diễn tập liên hợp này có Mỹ tham gia, nên có thông điệp là, Mỹ cũng sẵn sàng áp sát khu vực này. Một khi có hành động tác chiến, phía Philippines dựa vào vị trí của mình tại  khu vực này, có thể lôi kéo quân Mỹ đến bãi cạn Scarborough.

Như vậy, Philippines muốn thông qua cuộc diễn tập quân sự liên hợp lần này để thể hiện, nếu Trung Quốc tiếp tục cứng rắn trên hướng đó, tiếp tục gây tranh chấp gay gắt với Philippines, thì họ có năng lực sử dụng năng lực tác chiến liên hợp này hoặc hành động tác chiến để cứng rắn ới Trung Quốc.

Philippines 15 năm nữa sẽ xây dựng thành Lục quân cấp thế giới

Tờ "Jane's Defense Weekly" ngày 26 tháng 6 cho rằng, hiện nay Lục quân Philippines đang trải qua một giai đoạn chuyển đổi, đây cũng là một phần của chiến lược tái thiết và hiện đại hóa lực lượng vũ trang quốc gia do Tổng thống Philippines Aquino đưa ra.

Tư lệnh Lục quân Philippines Noel Abrigo Coballes cho biết, Lục quân Philippines đã đặt ra "Đường lối chuyển đổi Lục quân" (ATR), hơn nữa mục tiêu cuối cùng của đường lối này là xây dựng một lực lượng lục quân cấp thế giới trước năm 2028.

Tàu tuần tra lớp Hamilton, Philippines mua của Mỹ
Tàu tuần tra lớp Hamilton, Philippines mua của Mỹ
Noel Abrigo Coballes cho biết, năm nay, Lục quân Philippines sẽ tiến hành tổ chức lại các bộ phận, mọi người sẽ nhìn thấy sự sắp xếp các bộ phận hợp lý hơn. Nhưng, "điều này không có nghĩa là phải giảm quân số, mà là cần cắt giảm bộ phận".

Ngoài ra, ngày 1 tháng 3, Philippines tiến hành điều chỉnh quyền quản lý khu vực của Bộ Tư lệnh miền Đông và miền Tây Mindanao thuộc hải quân, trong đó Sư đoàn bộ binh 6 Philippines do Bộ Tư lệnh miền Tây chỉ huy.

Như vậy, Sư đoàn bộ binh 6 của Lực lượng vũ trang Philippines không chỉ có thể bảo đảm an ninh cho khu tự trị Hồi giáo địa phương, mà còn có thể tấn công các tổ chức khủng bố dưới sự chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền Tây. Không chỉ như vậy, Bộ Tư lệnh miền Đông cũng có thể tập trung sức mạnh đối phó quân nổi dậy miền đông đảo Mindanao.

Tờ "Jane's" cho rằng, mối đe dọa do "Mặt trận giải phóng Hồi giáo Molech" - quân chống chính phủ lớn nhất Philippines - giảm xuống là nhân tố quan trọng thúc đẩy quyết sách này. Theo tướng Coballes thì đây không chỉ là xuất phát từ nhu cầu của môi trường hoạt động, mà còn là thành quả ký kết Thỏa thuận khung Molech với "Mặt trận giải phóng Hồi giáo Molech".

Theo bài báo, do mải tập trung cho bảo vệ an ninh trong nước, nên trong một thời gian dài Philippines coi nhẹ phòng thủ đối với bên ngoài. Việc Trung Quốc kiên quyết đòi hỏi bằng được chủ quyền ở Biển Đông khiến cho Philippines lo ngại. Do đó, Philippines đã chủ yếu tập trung đầu tư cho quân sự để nâng cao hiện đại hóa quân đội, bao gồm kế hoạch đầu tư 75 tỷ Peso (1,7 tỷ USD) trước năm 2017.

Tàu tuần tra thứ hai Philippines mua của Mỹ
Tàu tuần tra thứ hai Philippines mua của Mỹ
Coballes cho biết: "Trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện hệ thống tác chiến ban đêm và các cơ sở phòng thủ của chúng tôi, hơn nữa tôi hy vọng có thể đưa máy bay không người lái vào danh sách mua sắm".

Ông Coballes cho biết: "Chúng tôi lấy Đường lối chuyển đổi Lục quân để chỉ đạo các chiến sĩ, từ đó để họ có tính chuyên nghiệp hơn". Ông nói thêm rằng: "Mục tiêu của Đường lối chuyển đổi Lục quân là xây dựng một lực lượng Lục quân cấp thế giới trước năm 2028, đó sẽ là niềm tự hào của đất nước chúng tôi".
Việt Dũng