Đoàn tùy viên quân sự nước ngoài thăm Quân chủng PK-KQ

27/05/2012 09:12
Theo QĐND
Hôm quan 26/5, Đoàn tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam đã có dịp tới thăm hai đơn vị anh hùng thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân.
Đối với nhiều tùy viên quân sự nước ngoài đang công tác tại Việt Nam, “Điện Biên Phủ trên không” là chiến công huyền thoại của Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam mà họ từng được biết đến qua báo chí và sử sách. Hôm 26/5, Đoàn tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam đã có dịp tới thăm hai đơn vị anh hùng thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân. Đó là Tiểu đoàn Tên lửa 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361, và Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Và, đúng là "trăm nghe không bằng một thấy", họ - các sĩ quan quân đội nước ngoài đang đảm nhiệm công tác ngoại giao quốc phòng ở Việt Nam - càng thêm hiểu Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam theo dõi việc lắp ghép tên lửa vào bệ phóng
Các tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam theo dõi việc lắp ghép tên lửa vào bệ phóng
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Tiểu đoàn Tên lửa 77 từng tham gia chiến đấu 150 trận, bắn rơi 25 máy bay các loại của địch. Đặc biệt trong chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối tháng 12-1972, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã bắn rơi 5 máy bay địch, trong đó có 4 chiếc B52. Là một trong hai tiểu đoàn tên lửa bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của Quân chủng Phòng không-Không quân, Tiểu đoàn Tên lửa 77 đã góp phần cùng quân và dân thủ đô Hà Nội làm nên một “Điện Biên Phủ trên không”. Lắng nghe không bỏ sót chi tiết nào về truyền thống của Tiểu đoàn Tên lửa 77, Đại tá Đi-đi-ê U-xtơ-rích (Didier Oustric), Tùy viên quân sự Pháp, Trưởng đoàn tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam, đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước lịch sử truyền thống hào hùng của đơn vị. “Chúng tôi tin tưởng cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đều là những người được đào tạo bài bản và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, Đại tá Đi-đi-ê nói. Phần hứng thú nhất đối với Đoàn tùy viên quân sự nước ngoài là theo dõi màn trình diễn của các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Tên lửa 77 thực hiện ngoài thực địa. Chỉ trong vòng một phút rưỡi, bốn chiến sĩ của tiểu đoàn đã nhanh chóng hoàn thành việc lắp hai quả tên lửa vào bệ phóng trước sự ngạc nhiên và thán phục của các tùy viên. Trung tá Đmi-trô Xốt-ni-sen-cô (Dmitro Sotnichenko), Tùy viên quân sự U-crai-na, nói: “Khi tôi còn mải mê nhìn chiếc xe chở tên lửa di chuyển tới bệ phóng, vậy mà chỉ trong giây lát mọi việc lắp ghép đã hoàn tất. Các động tác quá nhanh và quá thuần thục”. Đồng quan điểm trên, Tùy viên quân sự Ni-giê-ri-a khẳng định, đó là một trong những lý do giải thích vì sao trong chiến tranh Phòng không-Không quân Việt Nam bắn rơi nhiều máy bay địch đến như thế. Rời Tiểu đoàn Tên lửa 77 trong sự hứng khởi, đoàn tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam đã tới thăm Trung đoàn 921, Sư đoàn 371. Riêng với Đại tá Đi-đi-ê, Tùy viên quốc phòng Pháp, đây là lần thứ hai ông đến thăm đơn vị này. “Năm 2010, tôi đã có dịp đến Trung đoàn 921 cùng với đoàn sĩ quan quân đội Pháp. Khi đó, Trung đoàn vẫn còn thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên loại máy bay MIG-17 và MIG-21. Còn hiện nay, đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu và huấn luyện bay trên loại máy bay SU-22. Đây là thách thức không nhỏ đối với phi công, nhưng phi công Việt Nam đã thực hiện việc chuyển loại máy bay rất thành công. Việt Nam hiện đang trong điều kiện hòa bình nhưng nhiệm vụ của trung đoàn vẫn rất nặng nề là bảo vệ vùng trời phía bắc Tổ quốc và bầu trời thủ đô Hà Nội”. Đại tá Dáp-ga-ép Xéc-gây Ni-cô-lai-ê-vích (Zabgaev Sergey Nikolaevich), Tùy viên quân sự Liên bang Nga tại Việt Nam, từng là một phi công. Vì vậy, khi leo lên chiếc máy bay SU-22 đỗ tại sân bay Nội Bài và trao đổi với các phi công Việt Nam, những cảm xúc một thời được bay trên bầu trời nước Nga của ông lại tràn về. “Trước đây, tôi đã từng lái máy bay SU-17 và SU-24, về cơ bản cũng như lái SU-22. Giờ đây, mỗi lần nhìn thấy loại máy bay này, tôi lại nhớ về những kỷ niệm một thời là phi công của mình”, ông Ni-cô-lai-ê-vích nói. Đại tá Đi-đi-ê cho rằng, việc Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức chuyến thăm cho đoàn tùy viên quân sự nước ngoài tại Việt Nam tới các đơn vị cho thấy, Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng mở rộng hơn quan hệ với quân đội của các nước trên thế giới. Đại tá Đi-đi-ê hy vọng sẽ có nhiều chuyến thăm như vậy trong tương lai.
Theo QĐND