Đưa tàu sân bay xuống gần Hoàng Sa, Trung Quốc đang mưu đồ gì?

12/12/2013 09:41
Lê Cường
(GDVN) - Việc Hải quân Trung Quốc bắt đầu đưa tàu sân bay xuống khu vực Biển Đông là động thái hết sức đáng chú ý trong bối cảnh thực tế là khu vực này còn đang tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, thậm chí hoạt động này có thể xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác trong khu vực.
Đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Đảo Phú Lâm nằm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện do Trung Quốc chiếm đóng trái phép
>> Tàu sân bay Liêu Ninh sẽ huấn luyện gần quần đảo Hoàng Sa của VN Một số nhận định cho rằng, thông qua hoạt động của Hải quân Trung Quốc, rất dễ có thể nhận thấy Trung Quốc đang dần dần hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò 9 đoạn bao trọn gần như toàn bộ diện tính Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia liên quan trong đó có Việt Nam mà Trung Quốc đã tuyên bố. Tất cả các hoạt động xuất phát từ phía Trung Quốc đều được tính toán kỹ lưỡng, được sự yểm hộ chặt chẽ và cụ thể của các bộ ban ngành từ ngoại giao đến quân sự, ngư chính, truyền thông... của nước này. Trong lần tiến xuống Biển Đông để thực hiện các hoạt động tập trận, huấn luyện, thử nghiệm này được Bắc Kinh gọi là " các nhiệm vụ nghiên cứu" đối với biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc đã và sẽ cố gắng dùng những lời lẽ và tuyên truyền khôn khéo nhưng sẽ khó tránh khỏi sự nghi ngờ và phản đối của các nước khác. Trên thực tế, đây là phép thử tiếp theo, gần hơn, mạnh hơn, có sức răn đe lớn hơn mà Trung Quốc đang nhắm vào các quốc gia lân cận trong khu vực. Tất cả các động thái của Hải quân Trung Quốc tại vùng biển này cần được theo dõi và nhìn nhận thật kỹ lưỡng.
          Thông tin về biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Từ ngày 26/11/2013, tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc xuất phát từ cảng Thanh Đảo, dưới sự hộ tống của các tàu khu trục tên lửa (2 chiếc) và tàu hộ vệ tên lửa (2 chiếc), chạy xuống Biển Đông, triển khai cái gọi là "hoạt động thử nghiệm nghiên cứu khoa học và huấn luyện quân sự".


Tàu sân bay Liêu Ninh đi xuống Biển Đông huấn luyện, lần đầu tiên tổ chức theo hình thức cụm chiến đấu tàu sân bay. Trong cụm chiến đấu tàu sân bay này có 2 tàu khu trục Project 051C (tàu 115 Thẩm Dương và tàu 116 Thạch Gia Trang) và 2 tàu hộ vệ Project 054A (tàu 538 Yên Đài và tàu 550 Duy Phường).

 4 tàu chiến mặt nước hộ tống này đều là tàu chiến mới, tính tương thích tốt, có khả năng chạy liên tục khá mạnh, có thể hộ tống cho tàu sân bay trong thời gian dài.

2 tàu khu trục có năng lực phòng không khu vực và chống hạm khá mạnh, có thể làm tàu cảnh  báo sớm đối không, khắc phục điểm yếu "không có máy bay cảnh báo sớm, chỉ dựa vào máy  bay trực thăng cảnh báo sớm để dò tìm, tìm kiếm, theo dõi" của tàu sân bay, tăng cường năng lực dò tìm, phòng không cho tàu sân bay.

Máy bay trực thăng trên tàu khu trục không chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không và chống tàu ngầm, mà còn có thể mở rộng và kéo dài phạm vi phòng ngự của tàu chiến.

2 tàu hộ vệ cũng có khả năng phòng không nhất định, hơn nữa năng lực tác chiến tổng hợp chống hạm và chống tàu ngầm đều tương đối mạnh. Tàu khu trục và tàu hộ vệ cùng bảo vệ tàu sân bay, tiến hành tác chiến đối không, đối hải, săn ngầm cho cụm chiến đấu tàu sân bay ở các vùng biển khác nhau.

Căn cứ vào phân công nhiệm vụ phòng không, máy bay chiến đấu J-15 trên tàu Liêu Ninh chủ yếu phụ trách phòng không tầm xa, 2 tàu khu trục chủ yếu phụ trách phòng không tầm trung, 2 tàu hộ vệ trang bị tên lửa HHQ-16 chủ yếu phụ trách phòng không tầm gần.

Về tác chiến chống hạm, máy bay chiến đấu trên tàu sân bay là lực lượng tấn công chủ yếu, tên lửa chống hạm YJ-83 trang bị trên các tàu hộ tống cũng có khả năng tấn công khá.
Báo GDVN sẽ tiếp tục thông tin về các hoạt động này.
Lê Cường