Được lợi, Pakistan ra sức tiếp thị cho máy bay chiến đấu Trung Quốc

26/07/2013 07:50
Đông Bình
(GDVN) - Không quân Pakistan sẽ mua 200-250 máy bay JF-17, có kế hoạch mua 2 phi đội máy bay J-10, thậm chí mua máy bay tàng hình của Trung Quốc.
Phi đội máy bay chiến đấu JF-17 hộ tống cho chuyên cơ ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc trong chuyến thăm Pakistan gần đây.
Phi đội máy bay chiến đấu JF-17 hộ tống cho chuyên cơ ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc trong chuyến thăm Pakistan gần đây.

Pakistan tích cực tiếp thị cho máy bay Trung Quốc

Ngày 23 tháng 7, trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh có bài viết cho rằng, đối với Tham mưu trưởng Không quân Pakistan Tahir Rafique Butt, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển của Không quân Pakistan.

Không quân Pakistan sẽ nhập 200-250 máy bay chiến đấu JF-17, hơn nữa còn dốc sức vào mua sắm một loại máy bay trong số những máy bay chiến đấu tàng hình do Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển.

Theo báo Anh, khi bay đến thăm Pakistan vào ngày 22 tháng 5, máy bay chở Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường được 6 máy bay chiến đấu JF-17 Thunder (do Trung Quốc-Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo, Trung Quốc gọi là máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long) tiến hành hộ tống. Đây là một biểu hiện quan hệ quốc phòng phát triển nhanh chóng.

Đối với Tham mưu trưởng Không quân Pakistan Tahir Rafique Butt, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chương trình phát triển của Không quân Pakistan. Ông nói với phóng viên rằng: "Trung Quốc vẫn là người bạn rất quan trọng của Pakistan. Hợp tác giữa Không quân Pakistan với Trung Quốc vẫn rất mật thiết".

Tướng Butt cho rằng, Không quân Pakistan sẽ nhập khẩu 200-250 máy bay chiến đấu JF-17. Butt nói: "Chương trình máy bay chiến đấu JF-17 là công lao nỗ lực gian khổ của các kỹ sư, nhân viên kỹ thuật và phi công bay thử của chúng tôi. Nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc thì tất cả sẽ không thể thực hiện".

Máy bay cảnh báo sớm của Quân đội Pakistan, do Trung Quốc chế tạo
Máy bay cảnh báo sớm của Quân đội Pakistan, do Trung Quốc chế tạo

Tướng Butt làm tiếp thị cho máy bay Trung Quốc, cho rằng, máy bay chiến đấu JF-17 là máy bay chiến đấu có trình độ công nghệ trung bình đến cao cấp, giá cả lại hấp dẫn. Theo ông: "Nó có năng lực mang theo nhiều loại vũ khí, là máy bay chiến đấu đa năng".

Theo tướng Butt và tuyên truyền của truyền thông TQ, máy bay chiến đấu JF-17 sớm muộn "sẽ trở thành trụ cột chắc chắn (của Không quân Pakistan)". "Bởi vì, máy bay này là máy bay chiến đấu đa năng có giá thành rẻ và có trình độ công nghệ trung-cao cấp, thu hút rất nhiều khách hàng tiềm năng". Nhưng tướng Butt chẳng biết nói đó là những khách hàng tiềm năng nào.

Bài báo khuyên các nước, cho rằng, máy bay chiến đấu JF-17 được Không quân Pakistan và Tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô - Trung Quốc tập trung hợp tác chế tạo thành một loại máy bay chiến đấu mà các nước đang phát triển có thể chấp nhận được về mặt tài chính, trong khi họ không thể mua được máy bay chiến đấu đắt tiền của Mỹ hoặc châu Âu.

Không quân Pakistan trước đây từng nói, ngoài máy bay chiến đấu JF-17, họ còn có kế hoạch mua sắm 2 phi đội máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc. Butt nói, Không quân Pakistan sẽ cân nhắc "sự lựa chọn khác trong tương lai (từ Trung Quốc)", nhưng không chỉ cụ thể loại máy bay cụ thể nào.

Mô hình máy bay chiến đấu Kiêu Long phiên bản 2 chỗ ngồi
Mô hình máy bay chiến đấu Kiêu Long phiên bản 2 chỗ ngồi

Nhiều nhà phân tích quốc phòng cho rằng, Không quân Pakistan không chỉ sẽ mua máy bay chiến đấu J-10 để bổ sung cho máy bay chiến đấu JF-17, mà còn quan tâm mua sắm một loại máy bay trong số các máy bay chiến đấu tàng hình do Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển. Butt cho biết: "Chúng tôi tiếp tục đánh giá nhu cầu của mình, đồng thời cân nhắc các khả năng lựa chọn. Sự phát triển của Trung Quốc rõ ràng là mối quan tâm chặt chẽ của chúng tôi".

Năm nay, máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan sẽ có khả năng tiếp dầu trên không, nghĩa là Pakistan có thể sử dụng 4 máy bay tiếp dầu IL-78 mua của Ukraine vào năm 2010. Butt nói: "Các cuộc kiểm tra mặt đất rất thành công, tôi rất hài lòng. Đến cuối mùa hè (năm 2013), sẽ hoàn thành thành công chương trình này (có năng lực tiếp dầu trên không)". Ông còn nói, năng lực tiếp dầu trên không sẽ làm cho máy bay chiến đấu JF-17 dễ bán hơn cho các khách hàng tiềm năng.

Theo bài báo, trong các chương trình khác hợp tác với Trung Quốc, Không quân Pakistan trông đợi chiếc cuối cùng trong số 4 máy bay cảnh báo sớm trên không ZDK-3 do Trung Quốc chế tạo có thể bàn giao trong năm nay. Butt nói: "Đến nay, loại máy bay cảnh báo sớm này đã thể hiện rất tốt năng lực cả ở trên biển, trên đồng bằng cũng như trên vùng núi".

Pakistan muốn mua máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc, mua 250 máy bay chiến đấu JF-17 Thunder
Pakistan muốn mua máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc, mua 250 máy bay chiến đấu JF-17 Thunder

Vẫn muốn mua thêm máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ

Bài báo chỉ ra, mặc dù Pakistan vẫn gặp khó khăn bởi tình hình kinh tế, mặc dù quan hệ với Trung Quốc ngày càng chặt chẽ, nhưng Không quân Pakistan vẫn đang sử dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ chế tạo, chiếc đầu tiên được họ mua sắm vào thập niên 80 của thế kỷ trước.

Tuy rất có khả năng loại trừ bất cứ khả năng lập tức mua được nhiều máy bay chiến đấu hơn của Mỹ nào, nhưng Butt chỉ rõ, Không quân Pakistan vẫn sẽ cân nhắc mua nhiều máy bay chiến đấu F-16 hơn trong tương lai.

Tướng Butt cho biết: "Không quân Pakistan trong một thời gian tương đối dài luôn sử dụng tương đối nhiều máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ, các nhân viên trên không và mặt đất đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng hệ thống vũ khí này. Xuất phát từ nhu cầu hoặc tính cấp bách trong tương lai, khả năng mua nhiều máy bay chiến đấu F-16 hơn vẫn tồn tại".

Máy bay chiến đấu đa năng F-16 Block52, Pakistan mua của Mỹ
Máy bay chiến đấu đa năng F-16 Block52, Pakistan mua của Mỹ

“Lái buôn” Trung Quốc đưa trực thăng đến Campuchia

Liên quan đến việc Trung Quốc tìm cách “tạo máu” cho ngành công nghiệp quân sự của họ - Trung Quốc đã ra sức tìm cách làm “lái buôn” vũ khí, kiếm lợi nhuận từ xuất khẩu vũ khí cho các nước.

Tờ “Hàng không Trung Quốc” cũng vừa cho biết, Công ty TNHH Tập đoàn công nghiệp máy bay Cáp Nhĩ Tân – Công nghiệp hàng không Trung Quốc xác nhận, 10 máy bay trực thăng Z-9 sẽ bàn giao cho Campuchia vào trung tuần tháng 8 tới. Đây là lô máy bay trực thăng Z-9 lớn nhất mà Tập đoàn công nghiệp máy bay Cáp Nhĩ Tân bàn giao cho khách hàng nước ngoài.

Năm 2011, Công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc, Công ty máy bay Cáp Nhĩ Tân và khách hàng Campuchia ký kết hợp đồng mua bán 12 máy bay trực thăng Z-9. Tháng 4 năm nay, Công ty Cáp Nhĩ Tân bàn giao lô 2 máy bay trực thăng Z-9 đầu tiên cho Campuchia, 10 máy bay còn lại sẽ vận chuyển tới Campuchia vào trung tuần tháng 8 tới.

Các nguồn tin cho biết, trong 12 chiếc máy bay này, có 4 chiếc phiên bản tấn công làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực, 6 chiếc phiên bản vận tải, còn 2 chiếc dùng để chở quan chức cấp cao.

Theo bài báo, hợp đồng mua 12 máy bay trực thăng mà Campuchia-Trung Quốc ký tháng 8 năm 2011 có tổng trị giá là 195 triệu USD.

Máy bay trực thăng Z-9 của Quân đội Trung Quốc
Máy bay trực thăng Z-9 của Quân đội Trung Quốc
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook

Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Đông Bình