GS Robert Sutter: "Trung Quốc còn lâu mới thách thức được Mỹ"

28/09/2013 07:10
Việt Dũng
(GDVN) - Hiện nay, tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ không bằng 30-40 năm trước, trong khi vai trò lãnh đạo của Mỹ là đặc biệt...
Biên đội trên biển giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Malaysia (ảnh tư liệu).
Biên đội trên biển giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Malaysia (ảnh tư liệu).

Tờ "Bình luận Trung Quốc" Hồng Kông ngày 26 tháng 9 đưa tin, chuyên gia vấn đề Trung Quốc nổi tiếng Mỹ, giáo sư Đại học Washington, ông Robert Sutter cho biết, hiện nay tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc đối với Mỹ không bằng 30-40 năm trước, Trung Quốc sẽ không nhanh chóng thách thức vị thế lãnh đạo của Mỹ trên thế giới, vì vậy các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần bình tĩnh trong vấn đề Trung Quốc, không nhất thiết phải trông đợi quá cao, cũng không nhất thiết phải có cảm giác cấp bách quá mạnh.

Giáo sư Robert Sutter phát biểu quan điểm trên tại cuộc tọa đàm về cuốn sách mới "Quan hệ ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa". Robert Sutter đã tổng kết "di sản và giới hạn" xử lý chính trị quốc tế của Trung Quốc từ năm 1949 đến nay.

Ông chỉ ra, chính sách ngoại giao của Trung Quốc thực ra là thay đổi theo tình hình trong và ngoài nước, luôn điều chỉnh và thay đổi; vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế chủ yếu thể hiện ở châu Á.

Robert Sutter cho biết, đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, tầm quan trọng chiến lược của Trung Quốc trong thời đại Nixon, Carter và Reagan quan trọng hơn nhiều so với hiện nay. Khi đó, Mỹ lo ngại Trung Quốc nghiêng về Liên Xô, cấp bách lôi kéo Trung Quốc về phía mình, phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên; thậm chí trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên khi Truman cầm quyền, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với chính sách ngoại giao của Mỹ lớn hơn hiện nay.

Trung Quốc hiện nay vẫn quan trọng, nhưng chủ yếu giới hạn ở châu Á, hơn nữa chủ yếu thể hiện ở phương diện kinh tế, Trung Quốc muốn thống trị châu Á còn phải đi con đường rất dài. Robert Sutter cho rằng, trước khi Trung Quốc thiết lập căn cứ ở nước ngoại tại châu Á, Mỹ không nhất thiết phải quá lo ngại Trung Quốc sẽ lật đổ vị thế của Mỹ ở châu Á.

Năm 2011, tàu khu trục tên lửa lớp Aegis USS Chung-Hoon của Hải quân Mỹ đến Philippines tham gia một cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên Biển Đông (ảnh tư liệu).
Năm 2011, tàu khu trục tên lửa lớp Aegis USS Chung-Hoon của Hải quân Mỹ đến Philippines tham gia một cuộc diễn tập quân sự liên hợp trên Biển Đông (ảnh tư liệu).

Robert Sutter cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần bình tĩnh trước Trung Quốc, cần xử lý vấn đề từng bước một, không nên trông đợi quá cao, bởi vì Trung Quốc là một nước rất "tự quyết", họ sẽ “tôn trọng” con đường tự đưa ra, Mỹ sẽ không nhất thiết phải có cảm giác cấp bách gì.

Theo Robert Sutter, cùng với việc sức mạnh quốc gia tăng lên, Trung Quốc thực sự sẽ gây ảnh hưởng theo phương thức đa dạng. Nhìn về lâu dài, Trung Quốc sẽ gây khó khăn hơn cho quy tắc và trật tự quốc tế do Mỹ thiết lập, nhưng hiện nay vẫn sẽ không gây thách thức rõ rệt cho Mỹ.

Ông chỉ ra, vai trò lãnh đạo của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là đặc biệt, thực sự có chủ nghĩa ngoại lệ. Hầu như tất cả các nước châu Á đều chuyên tâm vào phát triển trong nước, cần có môi trường bên ngoài ổn định, nhưng giữa các nước châu Á lại không vui mừng cho nhau, không tin cậy lẫn nhau, trong khi đó Mỹ mỗi năm chi 50 - 100 tỷ USD để bảo đảm sự ổn định của châu Á - mặc dù chi phí to lớn, nhưng điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ. Nếu Mỹ không làm, không có nước nào có thể lấp chỗ trống này.

Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ chốt chặn ở eo biển Malacca - tuyến đường hàng hải nối liền Biển Đông-Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, tuyến đường sinh mệnh trên biển của Trung Quốc.
Tàu tuần duyên USS Freedom Hải quân Mỹ chốt chặn ở eo biển Malacca - tuyến đường hàng hải nối liền Biển Đông-Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, tuyến đường sinh mệnh trên biển của Trung Quốc.
Việt Dũng