Hải quân Đài Loan trang bị tên lửa đối hạm Harpoon cho tàu ngầm

23/02/2012 14:34
Trịnh Tuân (Theo naharnet)
(GDVN) - Hải quân Đài Loan dự định sẽ trang bị tên lửa đối hạm cho các tàu ngầm, bắt đầu từ năm tới

United Daily News cho biết  Hải quân Đài Loan đã đặt mua các tên lửa Harpoon của Mỹ trong năm 2008 và gần đây đã tiến hành bắn thử nghiệm để chuẩn bị cho việc lắp đặt chúng trên hai tàu ngầm do Hà Lan chế tạo.

"Các tên lửa này sẽ được lắp đặt trên hai tàu ngầm trong năm tới", tờ báo trích dẫn một nguồn tin trong Hải quân.

United Daily News cũng cho biết thêm rằng, hơn 30 tên lửa với tầm bắn 120 km sẽ cho phép hai tàu ngầm tấn công các mục tiêu ở một khoảng cách lớn, điều mà trước đây chúng chưa đạt được.

Hải quân Đài Loan đã trang bị tên lửa Harpoon cho các chiến hạm và chiến đấu cơ F-16. Năm 2008, trong khuôn khổ chương trình thu mua vũ khí với tổng trị giá 6,5 tỷ đôla, Đài Loan đã đặt mua các tên lửa chống tàu của Mỹ, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Chương trình này cũng bao gồm việc mua tên lửa tiên tiến Patriot và máy bay trực thăng tấn công Apache của Hoa Kỳ.

Truyền thông Đài Loan mới đây đưa tin hải quân sẽ yêu cầu Quốc hội cấp ngân sách để mua 8 tàu ngầm mới trong vòng 2 tháng tới.

Hải quân Đài Loan hiện đang sử dụng 4 tàu ngầm nhưng chỉ 2 chiếc có thể tham chiến. Hai chiếc tàu ngầm này thuộc lớp Hailung được chế tạo tại Hà Lan đã có 25 năm phục vụ.

Hai chiếc còn lại là tàu ngầm thuộc lớp Guppy của Mỹ đóng, dùng để huấn luyện thủy thủ, đến nay có tuổi đời phục vụ hơn 66 năm.

Tàu ngầm lớp Hailung
Tàu ngầm lớp Hailung

Tháng 4/2001, Tổng thống Mỹ George W.Bush đã thông qua việc bán 8 tàu ngầm trị giá 3-6 tỷ USD cho Đài Loan như một phần trong gói vũ khí toàn diện của Washington dành cho hòn đảo này. Tuy nhiên, dưới sức ép của Trung Quốc hợp đồng này đã bị hủy bỏ.

Ngoài ra, Mỹ đã ngừng đóng mới các tàu ngầm diesel kể từ những năm 1950 mà chỉ chú trọng vào các tàu ngầm hạt nhân chiến lược.

Các quốc gia Châu Âu như Đức và Tây Ban Nha cũng từ chối cung cấp thiết kế vì lo ngại quan hê với Trung Quốc xấu đi.

Quan hệ giữa Đài Bắc và Bắc Kinh đã được cải thiện rõ rệt kể từ khi Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) lên nắm chính quyền  trong năm 2008, hứa hẹn sẽ phát triển hợp tác thương mại và tăng số lượng du khách Trung Quốc đến thăm hòn đảo.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ chủ quyền của mình và đã nhiều lần tuyên bố rằng trong trường hợp cần thiết, có thể dùng đến vũ lực.

Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa tấn công Đài Loan, khiến cho Đài Bắc phải luôn tìm kiếm thêm các nguồn vũ khí để nâng cao khả năng phòng vệ, chủ yếu là của Hoa Kỳ.

Trịnh Tuân (Theo naharnet)