Hải quân Hoa Kỳ biến nước biển thành nhiên liệu

23/05/2014 16:38
Lê Dũng Cường (Theo VOA)
(GDVN) - Tiến trình này đòi hỏi rất nhiều điện năng – mà để tiết kiệm, phải phát xuất từ một nguồn rẻ tiền, như nhà máy điện hạt nhân.

Từ nhiều thế kỷ, các nhà thí nghiệm khoa học đã tìm cách biến chì thành vàng. Sự chuyển biến đó đã tỏ ra là không thể thực hiện được, nhưng một giấc mơ tương tự - biến nước thành nhiên liệu – dường như có thể đạt được. Các khoa học gia tại Phòng thí nghiệm Hải quân Hoa Kỳ chứng minh điều đó bằng cách bay một mô hình máy bay bằng cách đốt nước biển đã được chế biến.

Khí đốt thiên nhiên và nhiên liệu hóa lỏng, đốt cháy trong mọi loại động cơ nổ, là các hợp chất hóa học giữa hydrogen và carbon, mà nguồn gốc chủ yếu là từ các mỏ dưới đất.

Nhưng các đại dương cũng là những hồ chứa khổng lồ chất hydrogen và ngày càng nhiều chất carbon dioxide, công thức là CO2. Hòa tan trong nước biển từ không khí, nó biến nước trở nên có nhiều tính a-xít hơn.

Chiết xuất các hoá chất ấy từ đại dương và biến chúng thành một hình thức nhiên liệu hóa lỏng đã có thể thực hiện được nhờ những tiến bộ mới đây về kỹ thuật, theo nhận định của nhà khoa học của Hải quân Hoa Kỳ, Tiến sĩ Heather Willauer:

“Chúng ta thực sự có khả năng chứng minh rằng chúng ta có thể tái phối hợp CO2 và hydrogen trong phòng thí nghiệm ở mức độ phòng thí nghiệm, thành một nhiên liệu thuộc loại hóa lỏng.”

Tiến trình này đòi hỏi rất nhiều điện năng – mà để tiết kiệm, phải phát xuất từ một nguồn rẻ tiền, như nhà máy điện hạt nhân.

Rõ ràng, nơi hữu hiệu nhất để thực hiện việc này sẽ là trên một hàng không mẫu hạm chạy bằng điện hạt nhân. Tiến sĩ Willauer nói một ngày nào đó, những chiếc tàu này có thể có thể sản xuất ra nhiên liệu phản lực riêng của chúng.

Tiến sĩ Willauer giải thích: “Ðây là một yếu tố thay đổi cuộc chơi có nhiều tiềm năng cho Hải quân và các thực thể thương mại bởi vì ta có thể chế tạo nhiên liệu ở bất cứ nơi nào và khi nào ta cần đến nó.”

Nhiên liệu mới đã được thử nghiệm thành công trên một máy bay mẫu với động cơ hai thì. Hiện giờ, chế tạo nhiên liệu này đòi hỏi sức mạnh gấp đôi so với mức nhiên liệu có thể tạo ra, nhưng các nhà khảo cứu hy vọng có thể hạ thấp tỷ lệ ấy.

Tiến sĩ Willauer nói tiến trình mới sẽ không tăng khối lượng carbon dioxide trong bầu khí quyển, góp phần gây ra tình trạng tăng nhiệt toàn cầu:

“Một khi chúng ta đã lôi nó ra khỏi nước biển, đại dương sẵn sàng kéo nó trở lại từ bầu khí quyển, bởi vì nó ở trong tình trạng cân bằng liên tục. Do đó điều chúng ta hy vọng sẽ là một dấu ấn trung tính về carbon.”

Các nhà khoa học hy vọng một nhà máy công nghiệp quy mô nhỏ có thể bắt đầu biến nước biển thành nhiên liệu trong vòng 15 năm nữa.

Lê Dũng Cường (Theo VOA)