Hải quân Nga, Mỹ chả dại gì phải đụng độ vì Syria, Libya

12/12/2011 08:34
Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)
(GDVN) - So sánh thực lực hiện nay, hạm đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov không phải là đối thủ của hạm đội tàu sân bay George Bush.
Hệ thống phóng tên lửa trên tàu sân bay Kuznetsov của Nga
Hệ thống phóng tên lửa trên tàu sân bay Kuznetsov của Nga

Ngày 9/12, tờ “Quan sát Quân sự Độc lập” Nga cho biết, biên đội tàu chiến Hải quân Nga với hạt nhân là tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đã vừa rời khỏi cảng chính ở Severomorsk. Cùng rời cảng với con tàu này còn có tàu săn ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko và nhiều tàu bảo đảm khác.

Trong quá trình hạm đội này chạy tới Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, sẽ còn có nhiều tàu chiến của Hạm đội Biển Baltic và Hạm đội Biển Đen của Nga gia nhập (bao gồm 2 tàu hộ tống).

Biên đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga
Biên đội tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga

Hiện nay đã có nhiều cách giải thích khác nhau về mục đích tới Đại Tây Dương và Địa Trung Hải của biên đội tàu sân bay Nga. Có phương tiện truyền thông Nga cho rằng, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov đến Địa Trung Hải là để bảo vệ Syria.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã điều tàu sân bay động cơ hạt nhân mới nhất CVN-77 George Bush, 2 tàu tuần dương trang bị tên lửa và 2 tàu khu trục tới khu vực này. Nếu so sánh thực lực 2 hạm đội tàu sân bay của Nga-Mỹ, thì có thể thấy rõ là, biên đội Hải quân Nga rõ ràng không phải là đối thủ.

Trên tàu sân bay George Bush có mang theo 68 máy bay cánh cố định và máy bay trực thăng, trong đó có 48 máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet, 4 máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye, 4 máy bay tác chiến điện tử EA-6B, 4 máy bay vận tải C-2A, 8 máy bay trực thăng SH-60 và các trang bị khác.

Hạm đội tàu sân bay CVN-77 George Bush của Hải quân Mỹ
Hạm đội tàu sân bay CVN-77 George Bush của Hải quân Mỹ

Còn tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov chỉ mang theo 26 máy bay chiến đấu Su-33, 18 máy bay trực thăng chống tàu ngầm Ka-27, 4 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Ka-31 và 2 máy bay trực thăng cứu hộ Ka-27PS.

Tất nhiên, trên tàu sân bay Hải quân Nga còn được trang bị 12 thiết bị phóng tên lửa hành trình chống hạm tầm xa Granite, còn trên tàu sân bau George Bush chỉ trang bị một số tên lửa phòng không.

Đồng thời, khả năng tấn công và phòng thủ của tàu hộ tống Mỹ vượt xa tàu chiến Nga.

Từ các so sánh trên có thể thấy, hạm đội của hai nước Nga và Mỹ có thực lực quá chênh lệch sẽ không có nhiều khả năng xảy ra xung đột vũ trang ở vùng biển lân cận Syria. Điều quan trọng hơn là, lãnh đạo quân sự hai nước Nga, Mỹ sẽ không ra tay vì những nước như Syria hoặc Libya.

Máy bay chiến đấu Su-33 trang bị cho tàu sân bay Nga
Máy bay chiến đấu Su-33 trang bị cho tàu sân bay Nga

Ngoài ra, tàu sân bay George Bush hoàn toàn sẽ không ở lại Địa Trung Hải quá lâu. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong vòng 5 tháng ở khu vực vịnh Péc-xích, con tàu này sẽ cùng với các tàu hộ tống quay trở về căn cứ Norfolk ở bang Virginia, từ đó bỏ lỡ cơ hội chạm chán với tàu sân bay Nga.

Với những lý do trên, lời giải thích của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Makarov về mục đích chuyến đi xa của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov càng đáng tin hơn. Ông cho biết, biên đội tàu sân bay Nga lần này đến Địa Trung Hải là để tiến hành tập trận chung với hải quân các nước phương Tây.

Cảng Tartus của Syria mà biên đội tàu sân bay Nga sẽ cập bến là căn cứ bảo đảm kỹ thuật, vật tư duy nhất của khu vực Địa Trung Hải của Hải quân Nga. Các thủy thủ và phi công của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov có thể lên bờ mua sắm một số vật dụng cá nhân và nghỉ ngơi tạm thời, còn các tàu chiến có thể bổ sung nhiên liệu và nước ngọt.

Đối với bản thân tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, nó hiện hoàn toàn không thích hợp cho việc thực hiện các chiến dịch tác chiến dài ngày. Từ khi được biên chế đến nay, thời gian phần lớn của con tàu này đều nằm ở xưởng sửa chữa.

Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ
Máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ

Có chuyên gia cho rằng, thời gian hoạt động liên tục tốt nhất của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov không nên quá 2 tháng. Ngoài tình hình con tàu không tốt, các thủy thủ và sĩ quan trên tàu có gần một nửa là tân binh vừa nhập ngũ vào mùa xuân năm nay.

Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chuyến đi xa lần này của tàu sân bay Nga hoàn toàn không phải bảo vệ Syria hoặc đối đầu với tàu sân bay Mỹ, mà là muốn bảo đảm an toàn cho chính mình.

Việt Dũng (Theo Tân Hoa xã)