Hải quân Nga tập trận thể hiện ý muốn quay trở lại Biển Đông?

11/11/2014 14:08
Đông Bình
(GDVN) - Nga muốn can dự vấn đề Biển Đông, tạo con bài để gây sức ép với Trung Quốc, hỗ trợ cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin...
Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga
Tàu tuần dương tên lửa Moscow lớp Slava, Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga

Mạng 21CN Trung Quốc ngày 10 tháng 11 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga gần đây tuyên bố, tàu tuần dương tên lửa Moscow Nga sẽ tiến hành diễn tập huấn luyện chống tàu ngầm và phòng không ở khu vực Biển Đông, cuộc diễn tập lần này sẽ sử dụng các vũ khí như tên lửa, pháo và ngư lôi.

Chuyên gia quân sự Mỹ Eric Wertheim cho rằng, mặc dù khu vực Biển Đông hoàn toàn không phải là khu vực hoạt động chính của Nga, nhưng là một phần mở rộng ảnh hưởng của Nga. Wertheim cho rằng, triển khai tàu tuần dương Moscow là sự phô diễn hiếm thấy khẳng định sự hiện diện lực lượng mặt nước của Nga ở Biển Đông.

Tàu tuần dương Moscow tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông là điều hiếm thấy. Sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thăm Bắc Kinh. Theo mạng tin tức của Học viện hải quân Mỹ, trong chuyến thăm này, dự tính ông Putin - người vừa được tạp chí Forbes bình chọ là "người quyền lực nhất thế giới" - sẽ ký kết một thỏa thuận an ninh mạng song phương với Trung Quốc. Bài báo cho rằng, không rõ tàu tuần dương Moscow phải chăng có liên quan đến chuyến thăm Bắc Kinh của ông Putin hay không.

Vào năm 2002, một tốp quân nhân Nga cuối cùng đã rút khỏi căn cứ vịnh Cam Ranh của Việt Nam, sự hiện diện của Nga ở Tây Thái Bình Dương bị suy yếu, chỉ giới hạn ở căn cứ Viễn Đông, có thể từng bước mất đi bởi mối đe dọa của Mỹ và đồng minh ở các tuyến đường hàng hải quan trọng ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, eo biển Malacca. Do thiếu chiến lược lâu dài và tài chính, đối với Mỹ, Hạm đội Thái Bình Dương Nga đã là một lực lượng mỏng yếu, hầu như trở thành hải quân ven bờ chỉ dùng cho phòng thủ.

Lãnh đạo hai nước Trung-Nga gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2014 ngày 9 tháng 11 năm 2014
Lãnh đạo hai nước Trung-Nga gặp nhau bên lề Hội nghị cấp cao APEC 2014 ngày 9 tháng 11 năm 2014

Mấy năm gần đây, cùng với việc thúc đẩy kế hoạch chấn hưng Hải quân Nga của ông Putin và Nga đưa ra chiến lược Bắc Cực cộng với nhu cầu tranh chấp đảo Nga-Nhật, Hạm đội Thái Bình Dương Nga đang từng bước tăng cường và khôi phục. Hơn nữa, Trung Quốc nhiều lần tiến hành diễn tập quân sự liên hợp có "tầm ảnh hưởng", vị thế của Hải quân Nga ở Tây Thái Bình Dương tiếp tục được coi trọng. Nhưng, so với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quố không ngừng lớn mạnh ở khu vực, Hải quân Nga vẫn tồn tại khoảng cách rất lớn.

Do mấy năm gần đây tranh chấp chủ quyền biển đảo trở nên gay gắt, Biển Đông đã trở thành vùng biển chiến lược nhạy cảm. Để hỗ trợ cho đồng minh ở Biển Đông, Hải quân Mỹ thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự đa phương và song phương ở Biển Đông, đẩy mạnh "đá chạm bóng" trong vấn đề "lợi ích chủ quyền Trung Quốc" (Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá và vùng biển dưới đảo Hải Nam), qua đó tiến hành uy hiếp Trung Quốc.

Trong khi đó, Nga luôn giữ thái độ khá trung lập từ khi tranh chấp Biển Đông trở nên gay gắt cho đến nay. Ngoài lo ngại về tầm quan trọng của quan hệ Trung-Nga, thực lực hải quân của họ suy giảm cũng là một nguyên nhân quan trọng. Như vậy, lần này, Hải quân Nga tự tổ chức diễn tập ở Biển Đông là có mục đích gì?

Thứ nhất là hiện diện thực tế. Điểm này được chuyên gia quân sự Mỹ phân tích tuyệt đối không sai. Ý đồ của Nga rất rõ ràng, bất kể là ai có yêu cầu chủ quyền ở Biển Đông đều không gây trở ngại cho hành động quân sự của Hải quân Nga.

Lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại Hội nghị cấp cao APEC tối ngày 10 tháng 11 năm 2014
Lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại Hội nghị cấp cao APEC tối ngày 10 tháng 11 năm 2014

Tổ chức diễn tập các khoa mục quân sự đơn thuần như chống tàu ngầm và phòng không ở Biển Đông cho thấy, Nga coi Biển Đông là vùng biển chiến lược an ninh quan trọng và sẽ được coi trọng trong chiến lược phát triển lâu dài. Nói cách khác, Nga cho rằng họ phải được coi trọng trong vấn đề Biển Đông.

Trên thực tế Nga luôn không từ bỏ mối quan tâm và chiến lược cân bằng đối với khu vực Biển Đông, đồng thời hy vọng sẽ có một ngày quay trở lại Biển Đông. Nga bán vũ khí cho Malaysia, Indonesia, nhất là cho Việt Nam đã phản ánh đầy đủ ý đồ chiến lược này của Nga.

Sau khi xảy ra mâu thuẫn Trung-Việt (do Trung Quốc tạo ra cuộc khủng hoảng giàn khoan 981), sự xích lại chiến lược của Việt Nam và Mỹ đã làm cho Nga thấy được "rủi ro", cho nên, Nga lần này độc lập tổ chức diễn tập quân sự ở Biển Đông cũng có ý đồ "cảnh báo Việt Nam", rằng "Việt Nam không nên coi nhẹ vai trò ảnh hưởng của Nga ở khu vực" (?).

Thứ hai là gây sức ép với Trung Quốc và muốn có con bài mặc cả. Điều ai cũng biết là những tháng ngày hiện nay của Nga rất khó khăn, do tình hình Ukraine nhất thời còn khó khăn, phương Tây dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga cũng vô thời hạn. Đối với Nga, Trung Quốc là điểm tựa lòng tin và kinh tế duy nhất của Nga.

Trong thời điểm tổ chức Hội nghị cấp cao APEC, cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo Trung-Mỹ có thể gây ảnh hưởng tinh tế đối với tình hình Đông Âu và quan hệ Mỹ-Nga. Cho nên, Nga không hy vọng sự hỗ trợ quan trọng của Trung Quốc bất ngờ yếu đi.

Trung Quốc ngang ngược hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 (trong hình) và mời thầu dầu khí bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc ngang ngược hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 (trong hình) và mời thầu dầu khí bất hợp pháp ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc luôn phản đối "thế lực bên ngoài" can thiệp vào vấn đề Biển Đông và nhiều lần công kích Mỹ có "rắp tâm hiểm ác" khuấy đục Biển Đông. Nga rất rõ điều này. Mặc dù lần này Nga chưa mời bất cứ nước nào xung quanh hợp tác diễn tập, nhưng việc phô diễn thực lực quân sự này rõ ràng là đang cảnh cáo Trung Quốc, rằng, Nga có năng lực đóng vai trò “không có lợi cho Trung Quốc” trong vấn đề Biển Đông.

Nga hy vọng Trung Quốc nhận rõ tình hình, không để cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ xuất hiện thỏa hiệp trong vấn đề giữa Nga và Ukraine, tăng thêm "sức mạnh" cho chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Vladimir Putin.

Đông Bình