Hải quân Trung Quốc sắp định hình và biên chế máy bay chiến đấu J-15?

28/11/2013 15:53
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay, Trung Quốc đã sơn màu xám cho máy bay chiến đấu J-15, báo hiệu nó sắp được định hình, trang bị, thử nghiệm thời gian tới sẽ phức tạp hơn.
Máy bay chiến đấu tàu chiến J-15 sơn màu xám mới được Trung Quốc công bố
Máy bay chiến đấu tàu chiến J-15 sơn màu xám mới được Trung Quốc công bố

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc trong tháng 11 đã tổ chức chương trình bình luận về máy bay chiến đấu trang bị cho tàu sân bay, mang tên J-15. Nội dung chương trình bình luận đã được đăng trên trang mạng của đài truyền hình này cũng như nhiều tờ báo điện tử chính thống của Trung Quốc.

Tham gia chương trình có bình luận viên, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, phó giáo sư Phòng Binh, Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Theo bài báo, gần đây, máy bay chiến đấu trang bị cho tàu chiến đầu tiên J-15 đã tiến hành phô diễn công khai lần đầu tiên, sau khi trải qua nhiều lần bay thử, tính năng của J-15 đã có xu thế ổn định. J-15 đã áp dụng nhiều thiết kế đặc biệt, sẽ trang bị nhiều loại vũ khí tấn công.

Bài báo đặt ra các câu hỏi: Máy bay J-15 được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay, vậy có những thiết kế đặc biệt nào? Bước tiếp theo của giai đoạn hiện nay, J-15 chủ yếu sẽ thực hiện những nhiệm vụ gì? Lúc nào thì trang bị J-15?

Theo bài viết, trong thời điểm tròn 5 năm thành lập Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (ngày 6 tháng 11), nhiều phương tiện truyền thông Trung Quốc đã lần đầu tiên công khai máy bay chiến đấu J-15 với số hiệu là 555.

Máy bay J-15 là máy bay chiến đấu đa năng trang bị cho tàu chiến thế hệ đầu tiên của Trung Quốc, có năng lực nổi trội, có bán kính tác chiến lớn, lượng tải đạn nhiều, có thể căn cứ vào các nhiệm vụ tác chiến khác nhau, mang theo nhiều loại vũ khí tấn công chính xác như tên lửa chống hạm, tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất và bom dẫn đường chính xác.

Máy bay chiến đấu J-15 cất/hạ cánh trên tàu sân bay với trọng tải lớn nhất.
Máy bay chiến đấu J-15 cất/hạ cánh trên tàu sân bay với trọng tải lớn nhất.

Bài báo cho rằng, nhìn lại 1 năm qua, tháng 11 năm 2012, máy bay J-15 lần đầu tiên hoàn thành huấn luyện cất/hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh. Ngày 19 tháng 6 năm 2013, khi chưa đầy 1 năm xuất hiện, máy bay J-15 tiếp tục theo tàu Liêu Ninh ra biển, đã tiến hành huấn luyện nhiều đợt cất/hạ cánh ở vùng biển Bột Hải.

Mới đây, J-15 cũng đã đổi sang sơn màu xám. Đến tháng 10 năm 2013, máy bay chiến đấu J-15 đã tiến hành tổng cộng hàng nghìn lượt bay thử, đã thu được số liệu bay hàng nghìn giờ.

Vương Vĩnh Khánh, kiến trúc sư trưởng của máy bay chiến đấu J-15 cho biết, cùng với việc đáp ứng nhu cầu tác chiến, máy bay J-15 chủ yếu phải đáp ứng yêu cầu cất/hạ cánh trên tàu chiến.

Theo bài báo, máy bay chiến đấu J-15 đang tiến hành công tác bay thử đợt tiếp theo với tàu sân bay Liêu Ninh, hoạt động bay thử này sẽ tiếp tục kiểm tra năng lực hiệp đồng giữa tàu và máy bay, năng lực tổng hợp của bản thân máy bay. Bước tiếp theo sẽ tiến hành công tác bay thử cất/hạ cánh trong đêm và điều kiện khí hậu phức tạp.

Bài báo coi loại máy bay này là lực lượng quan trọng để Trung Quốc đoạt và giữ lấy quyền kiểm soát trên không, quyền kiểm soát biển trên chiến trường biển trong tương lai. Sau khi hoàn thành một loạt hoạt động bay thử định hình, máy bay chiến đấu J-15 sẽ chính thức gia nhập hàng ngũ tác chiến của lực lượng hàng không tàu chiến Hải quân Trung Quốc, thực hiện nhiệm vụ huấn luyện tác chiến, từ đó khởi đầu cho "lực lượng tác chiến máy bay tàu chiến" (lực lượng máy bay trang bị cho tàu chiến) của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu tàu chiến J-15
Máy bay chiến đấu tàu chiến J-15

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, máy bay chiến đấu tàu chiến J-15 có cả năng lực đối không, đối hải và đối đất, tức là có 3 năng lực tác chiến quan trọng. Đây cũng là một tiêu chí cơ bản của máy bay tàu chiến tiên tiến nước ngoài. Khi kết hợp được với tàu sân bay thì năng lực tác chiến của nó là "đa năng", do số lượng “máy bay tàu chiến” có hạn, nếu muốn tác chiến ở biển xa, tất cả năng lực tấn công và phòng thủ của tàu sân bay đều phải do “máy bay tàu chiến” đảm đương, nó cần phải có năng lực kiểm soát trên không mạnh để đánh chặn vũ khí hàng không của đối phương, như đánh chặn các loại máy bay tác chiến, không chỉ phải có năng lực chiến đấu giáp lá cà, mà còn phải có năng lực đánh chặn cự ly trung bình.

Theo ông Long, máy bay J-15 có trình độ tương đương với máy bay cùng loại, chẳng hạn như máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ, máy bay Rafale-M của Pháp, máy bay Su-33 của Nga.

Còn máy bay chiến đấu MiG-29 tuy cùng một thế hệ, nhưng ông Long cho rằng, máy bay MiG-29K là máy bay chiến đấu hạng nhẹ, nên có khoảng cách tương đối lớn so với J-15 về năng lực chiến đấu tổng hợp, bán kính tác chiến, lượng tải đạn và các mặt khác.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Phòng Binh cho rằng, nguyên mẫu của máy bay J-15 thực chất là máy bay cất/hạ cánh trên mặt đất, loại máy bay này muốn trang bị cho tàu chiến/tàu sân bay thì phải đảm bảo các điều kiện về đường băng trên tàu sân bay.

Ngoài ra, còn phải tính toán đến đường băng kiểu nhảy cầu cũng như nhiều vấn đề khác, yêu cầu tăng lên rất nhiều, chẳng hạn kết cấu thân máy bay, một số vị trí đặc biệt phải tăng cường. Ngoài ra, cánh máy bay phải gấp được. Trên tàu sân bay, kho chứa máy bay khác hoàn toàn sân bay trên mặt đất, hẹp hơn nhiều.

Máy bay chiến đấu J-15 sơn màu xám hải quân
Máy bay chiến đấu J-15 sơn màu xám hải quân

Ngoài ra, trong điều kiện hoạt động trên biển, máy bay tàu chiến phải chống được ăn mòn của muối, có một số vị trí phải được "bọc kín", tiêu chuẩn bọc kín khác nhau. Vì vậy, một loạt yêu cầu cao hơn nhiều so với máy bay chiến đấu cùng loại phiên bản trên mặt đất.

Theo bài báo, máy bay hạ cánh trên tàu sân bay chẳng khác nào "múa trên lưỡi kiếm". Với 4 cáp hãm đà, khu vực hạ cánh có hiệu quả thực ra chỉ có cự ly 36 m, ngoài yêu cầu phi công có trình độ rất cao, thì yêu cầu thiết kế của máy bay tàu chiến J-15 cũng đặc biệt.

Đỗ Văn Long cho rằng, yêu cầu đối với máy bay J-15 chủ yếu là cường độ, bởi vì trong quá trình hạ cánh, máy bay tàu chiến không giống như hạ cánh trên sân bay mặt đất, không phải "giảm ga như khi chuẩn bị dừng xe". Máy bay tàu chiến phải "ga" hết cỡ để hạ cánh, có như vậy mới giúp cho máy bay móc được vào cáp hãm đà; thậm chí có thể phải bay lại để hạ cánh, nếu không sẽ bị rơi xuống biển. Điều này cho thấy, cường độ của bánh đáp, thân máy bay yêu cầu rất cao.

Nói một cách hình tượng, máy bay 100 tấn muốn để tốc độ từ vài trăm km giảm xuống còn 0 km thì lực kéo phải là 100 tấn, cường độ của toàn thân máy bay phải không làm biến dạng, duy trì cường độ kết cấu với lực kéo 100 tấn, hoạt động bình thường của các thiết bị trên máy bay phải không bị hỏng hóc.

Mô hình máy bay chiến đấu tàu chiến J-15
Mô hình máy bay chiến đấu tàu chiến J-15

Đỗ Văn Long cho rằng, máy bay J-15 hoàn toàn có năng lực cất cánh kiểu máy phóng, bởi vì tàu sân bay Liêu Ninh không thể là mẫu tương lai của Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc muốn có tàu sân bay hạng nặng với đường băng lớn. Nếu tàu sân bay loại này xuất hiện, dù là phóng bằng hơi nước hay phóng bằng điện từ thì đều sẽ trở thành phương thức cất cánh chủ yếu của máy bay tàu chiến. Ngoài máy bay J-15, còn có những máy bay khác như máy bay cảnh báo sớm cánh cố định.

Như vậy, vũ khí hàng không phải có 2 sự chuẩn bị. Một là cất cánh kiểu nhảy cầu, hai là cất cánh máy phóng. Yêu cầu đối với máy bay khi cất cánh máy phóng rất đơn giản. Hiện nay, máy bay J-15 Trung Quốc đã chuẩn bị tốt cho việc cất cánh máy phóng trong tương lai.

Về hoạt động thử nghiệm trong thời gian tới, nhà nghiên cứu Phòng Binh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là thời gian tới, bước tiếp theo sẽ có một số mở rộng. Một là về nhân viên, mở rộng từ ít nhân viên đến nhiều nhân viên, trước đây khi bay thử, huấn luyện chỉ có vài người, trong thời gian tới sẽ tăng lên vài chục người. Nếu có nhiều tàu sân bay thì nhu cầu số lượng phi công sẽ rất lớn.

Máy bay chiến đấu J-15 công khai lộ diện
Máy bay chiến đấu J-15 công khai lộ diện

Hai là mở rộng khoa mục, đó là hạ cánh trong điều kiện chiến đấu thực tế, tức là chuyển sang thử nghiệm, huấn luyện trong điều kiện khí tượng phức tạp, từ huấn luyện hạ cánh ban ngày hiện nay, chủ yếu huấn luyện cất/hạ cánh chuyển sang huấn luyện cất/hạ cánh kết hợp ngày và đêm, khi có thời cơ thích hợp tiến hành huấn luyện ở duyên hải và biển xa, nhiều tình hình vùng biển ở đó sẽ không còn giống như ở biển gần, không còn dễ dàng được sự hỗ trợ của đất liền, điều này ảnh hưởng rất lớn để hạ cánh của máy bay tàu chiến, việc xử lý và bảo đảm khó hơn nhiều. Như vậy, việc huấn luyện được mở rộng từ hạ cánh trong điều kiện đơn giản chuyển sang huấn luyện hạ cánh trong bối cảnh chiến thuật chiến đấu thực tế, hướng tới tăng cường năng lực tác chiến.

Theo học giả Phòng Binh, gần đây, máy bay J-15 đã tiến hành huấn luyện hạ cánh trên tàu sân bay có mang theo đạn dược. Trong thời gian tới, sẽ từng bước mở rộng từ huấn luyện kỹ thuật đơn giản sang huấn luyện cất/hạ cánh trong “bối cảnh chiến thuật”, tức là tăng cường huấn luyện tác chiến thực tế.

Chuyên gia quân sự Đỗ Văn Long cho rằng, việc định hình chính thức máy bay chiến đấu tàu chiến J-15 sẽ chỉ "ngày một ngày hai", bởi vì máy bay này đã công khai chuyển từ sơn màu vàng sang sơn màu xám, công khai cả nhiều bộ phận của máy bay. Điều này cho thấy, Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc đã rất tin tưởng vào loại máy bay này, nó đã hoàn toàn có điều kiện định hình và tác chiến.

Việc chuyển từ sơn màu vàng sang sơn màu xám là đáng quan tâm, màu vàng thể hiện J-15 là máy bay mẫu, nhưng màu xám thể hiện J-15 là một sản phẩm và là một trang bị, sơn màu xám hải quân cho thấy J-15 sắp được định hình và sắp được biên chế, gia nhập hàng ngũ chiến đấu của hải quân, thời gian định hình có thể là cuối năm nay hoặc đầu năm 2014.
Máy bay chiến đấu J-15 lần đầu tiên công khai lộ diện, vẫn sử dụng động cơ do Nga chế tạo (ảnh nguồn báo Nhân Dân, TQ).
Máy bay chiến đấu J-15 lần đầu tiên công khai lộ diện, vẫn sử dụng động cơ do Nga chế tạo (ảnh nguồn báo Nhân Dân, TQ).
Đông Bình