Hàn Quốc phát triển tên lửa đánh chặn đối phó với Triều Tiên

17/04/2011 10:21
(GDVN) - Nhật báo Chosun IIbo ngày 17/4 đưa tin, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phát triển hệ thống tên lửa phòng ngự KAMD (Korea Air and Missile Defence)

(GDVN) - Nhật báo Chosun IIbo ngày 17/4 đưa tin, Chính phủ Hàn Quốc sẽ phát triển hệ thống tên lửa phòng ngự KAMD (Korea Air and Missile Defence) vào năm 2015 để đối phó với uy hiếp từ miền Bắc, đánh chặn tên lửa của Bình Nhưỡng và đảm bảo an toàn cho Seoul, các vùng đông dân cư và căn cứ không quân, nhà máy điện hạt nhân lân cận khi xung đột xảy ra.

Tờ báo này dẫn nguồn tin một quan chức Chính phủ Nam Hàn xác nhận, hiện tại Bình Nhưỡng có khoảng 800 đến 1000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung. Sức uy hiếp của miền Bắc đối với Nam Hàn ngày càng gia tăng, Seoul không thể không phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn với chi phí ước tính khoảng 2000 đến 3000 tỉ won.
 

Hàn Quốc phát triển tên lửa đánh chặn đối phó với Triều Tiên ảnh 1


Thời gian qua, Mỹ liên tục yêu cầu Hàn Quốc tham gia hệ thống tên lửa phòng ngự (MD/Missle Defence) mà Washington đã đầu tư trên 100 ngàn tỉ won trong khi kết quả và tính ứng dụng của hệ thống này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Trong một động thái khác có liên quan, Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ việc Seoul tham gia hệ thống MD do Mỹ làm chủ. Giới chức quân sự Nam Hàn cho rằng, việc tham gia MD đối với Hàn Quốc lợi bất cập hại, nhưng không thể không đề phòng sự uy hiếp từ dàn tên lửa miền Bắc.

Cuối cùng, Hàn Quốc quyết định phát triển hệ thống phòng thủ riêng, KAMD.

Báo giới Hàn Quốc gọi dự án KAMD là dự án “MD mini”, khác biệt hẳn so với hệ thống MD của Mỹ. Hệ thống MD gồm các tên lửa đạn đạo xuyên châu lục (tầm bắn trên 5500 km) được Washington phát triển nhằm đối phó với Bắc Triều Tiên, Iran, Trung Quốc, Nga trong khi KAMD khiêm tốn hơn, gồm các tên lửa đánh chặn tầm ngắn, tầm trung (tầm bắn từ 1000 đến 1300 km) để đối phó với miền Bắc.

Xét trên phương diện cao độ và thủ đoạn đánh chặn, hệ thống MD và KAMD cũng có sự khác biệt rất lớn. Hệ thống MD chủ yếu sử dụng tên lửa đánh chặn GBI ở độ cao từ 10 đến 1000 km phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo SM-3 phóng từ chiến hạm AEGIS, hệ thống vũ khí kích quang ABL, tên lửa tầm trung THAAD, tên lửa hành trình Tomahawk PAC-3.

Để hoàn thành mục tiêu sau 4 năm nữa Seoul đánh chặn thành công tên lửa Bắc Hàn, năm 2012 quân đội Nam hàn sẽ nhập khẩu hệ thống ra đa cảnh báo tên lửa đạn đạo của Israel với giá thành 280 tỉ won và xây dựng hệ thống sở chỉ huy hệ thống tên lửa đạn đạo KAMD (21 tỉ won).

Tuy nhiên giới phân tích Hàn Quốc cho rằng, Seoul rất khó có khả năng tự phát triển hệ thống tên lửa phòng ngự trong khoảng thời gian ngắn như vậy. Hàn Quốc sẽ phải dựa vào hệ thống vệ tinh cảnh báo (DSP) của Mỹ, một bộ phận của hệ thống MD mà Washington vẫn đang mời gọi Seoul tham gia.

Hồng Thủy (Chosun Ilbo)