"Hàn Quốc xây dựng lực lượng biệt động để đánh vào sườn Triều Tiên"

22/02/2013 08:23
Việt Dũng
(GDVN) - Hàn Quốc muốn xây dựng lực lượng biệt động đổ bộ để tập kích vào cạnh sườn CHDCND Triều Tiên khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Lực lượng đánh bộ Hải quân Hàn Quốc tiến hành diễn tập đổ bộ
Lực lượng đánh bộ Hải quân Hàn Quốc tiến hành diễn tập đổ bộ

Quân đội Hàn Quốc rút kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên, muốn thành lập “đội biệt động đổ bộ” để chiếm ưu thế chiến lược. Nhưng, do … ý tưởng này vẫn chỉ được bàn trên giấy tờ.

Mặc dù ngọn lửa chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên đã tắt được 60 năm, nhưng những phương án tấn công quân sự nhằm vào nhau của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn thường xuyên được đưa ra. Trước đây, “quân Liên Hợp Quốc” đã tiến hành cuộc đổ bộ Incheon thành công, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh. Được gợi mở từ đó, hiện nay, Quân đội Hàn Quốc cũng đưa ra ý tưởng xây dựng “đội biệt động đổ bộ”, chuẩn bị dựa vào lực lượng tập kích đổ bộ để chiếm ưu thế chiến lược.

Không để bên thứ ba can thiệp tình hình bán đảo

Tạp chí “Phòng vệ 21+” Hàn Quốc gần đây có bài viết cho rằng, tháng 9/1950, Quân đội nhân dân Triều Tiên hầu như đã chiếm 90% lãnh thổ Hàn Quốc, may mà có MacArthur dẫn “quân Liên Hợp Quốc” phát động cuộc đổ bộ Incheon từ cánh sườn, mới làm xoay chuyển tình hình chiến sự trong thời gian ngắn. Sau đó, liên quân Mỹ-Hàn luôn đánh tới bờ sông Áp Lục, do Trung Quốc can dự, nên hành động thống nhất của Hàn Quốc bị thất bại.

Còn hiện nay, Quân đội Hàn Quốc học lấy bài học lịch sử, nhận định “xây dựng lực lượng đổ bộ mạnh là then chốt giành chiến thắng trong chiến tranh với CHDCND Triều Tiên”. Nhìn vào góc độ địa lý, bán đảo Triều Tiên dài và hẹp ở chiều nam-bắc, một bên có sách lược “phản kích phòng thủ”, muốn tiến hành “phản kích lại”, lựa chọn tốt nhất là điều động lực lượng đổ bộ từ cánh sườn của địch, chặt đứt tuyến đường tiếp tế của đối thủ, hình thành cục diện “giáp công từ hai đầu”; còn địa điểm thích hợp nhất để triển khai chiến thuật “chém lưng” này chính là điểm kết nối của vịnh Wonsan tới hạ du sông Chongchon của CHDCND Triều Tiên.

Lực lượng đánh bộ Hải quân Hàn Quốc tiến hành diễn tập đổ bộ
Lực lượng đánh bộ Hải quân Hàn Quốc tiến hành diễn tập đổ bộ

Theo tiết lộ của nguồn tin từ Quân đội Hàn Quốc, một khi CHDCND Triều Tiên xảy ra “tình huống bất ngờ”, Lục quân Hàn Quốc sẽ tiến hành tác chiến phòng thủ ở tuyến đầu “đường ranh giới quân sự” (MDL), làm chậm bước tiến vào khu vực Seoul của Quân đội Triều Tiên; đồng thời, lực lượng lính thủy đánh bộ của liên quân Mỹ-Hàn sẽ triển khai tập kích ở sông Chongchon và vịnh Wonsan, một khi thuận lợi thì sẽ tạo điều kiện có lợi cho phản kích toàn tuyến.

Tờ “Phòng vệ 21+” chỉ ra, Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc nếu lựa chọn đổ bộ ở cửa sông Chongchon, có thể nhanh chóng tấn công Bình Nhưỡng, lúc đó, Quân đội CHDCND Triều Tiên sẽ bị chặt đứt phần eo, mối đe dọa đối với Seoul sẽ giảm mạnh. Tờ báo này nhấn mạnh, ưu điểm của phương án tác chiến này còn ở chỗ tính bất ngờ rất mạnh, làm cho bên thứ ba (ý chỉ Trung Quốc) không kịp phản ứng, không có cơ hội can thiệp vào tình hình bán đảo.

Lực lượng đánh bộ Hàn Quốc muốn được đầu tư nhiều hơn

Quân đội Hàn Quốc yêu thích tác chiến “đổ bộ tập kích lại”, “đội biệt động” có thể thực hiện nhiệm vụ này thì ở đâu?

Theo quan điểm của tờ “Phòng vệ 21+”, Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cấp bách muốn Bộ Quốc phòng dành cho nhiều nguồn lực hơn, hy vọng được đãi ngộ như các đồng nghiệp Mỹ. Mọi người đều biết, Lính thủy đánh bộ Mỹ được gọi là “thanh kiếm của Nhà Trắng”, “quân đội trong quân đội”, một sư đoàn của nó có trang bị nhiều hơn cả sư đoàn lục quân có cùng biên chế, đầy đủ mọi thứ từ máy bay trực thăng đến tàu đổ bộ, thời gian đầu tiên khi chiến tranh nổ ra sẽ có thể phát động “đột kích siêu tầm nhìn” đối với đối phương, nhờ có khả năng phản ứng nhanh đã trở thành con cưng của Lầu Năm Góc.

Tàu tấn công đổ bộ Dokdo Hàn Quốc
Tàu tấn công đổ bộ Dokdo Hàn Quốc

Nhìn vào lực lượng đánh bộ của Hàn Quốc, trình độ trang bị của họ kém hơn nhiều. Lục quân Hàn Quốc trang bị xe tăng chiến đấu dòng K1 mới nhất, trong khi lực lượng đánh bộ còn đang sử dụng xe tăng M48 trình độ thập niên 60-70 của thế kỷ trước.

Ngân sách quốc phòng mỗi năm của Hàn Quốc khoảng 30 tỷ USD, lực lượng đánh bộ chỉ được cấp 1 tỷ USD, tiền dùng cho nhân viên và chi tiêu hành chính mất 900 triệu USD, kinh phí cải thiện trang bị 100 triệu USD. Dựa vào sức mua quốc phòng của Hàn Quốc, “số tiền này mới đủ mua 1 máy bay chiến đấu F-15K, động cơ một chiếc tàu khu trục Aegis, hoặc 12,5 xe tăng chiến đấu kiểu mới”. Ở trong tình hình như vậy, lực lượng đánh bộ Hàn Quốc muốn khẳng định mình gánh vác nhiệm vụ quan trọng.

Chủ biên tờ “Phòng vệ 21+” cho rằng, lực lượng đánh bộ mỏng yếu của Hàn Quốc muốn trở thành “đội biệt động đổ bộ”, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là thành lập trung đoàn hàng không máy bay trực thăng, nâng cao khả năng điều động tầm xa.

Hiện nay, Hàn Quốc đã tự sản xuất máy bay trực thăng thông dụng SURION, đồng thời đang phát triển máy bay trực thăng vũ trang KAH; hơn nữa Bộ Quốc phòng Hàn Quốc quyết định tiếp tục chế tạo 3 tàu tấn công đổ bộ (LAH) lớp Dokdo, loại tàu này có thể trang bị 12-16 máy bay trực thăng, vì vậy khả năng vận chuyển của 3 tàu có thể đáp ứng nhu cầu của một trung đoàn hàng không.

Cuộc cải cách quân sự đang được thực hiện còn trao cho lực lượng đánh bộ Hàn Quốc tư cách thành lập một trung đoàn hàng không 2.000 quân, trong đó 1.000 quân được điều từ lực lượng vốn có, số quân còn lại sẽ được bổ sung từ các quân binh chủng khác.

Được biết, lực lượng đánh bộ Hàn Quốc có ý định từ bỏ triển khai lực lượng hạng nặng tới “5 đảo phía tây” – nơi bị hỏa lực của CHDCND Triều Tiên bao trùm, bởi vì điều này hoàn toàn “lãng phí binh lực”; trên cơ sở các nguồn lực có hạn, lực lượng đánh bộ có ý định tập trung lực lượng ở mức độ cao nhất, hình thành nắm đấm, cố gắng làm trọng thương quân đội đối phương trong một cuộc tấn công.

Còn có người kiến nghị, “lực lượng biệt động đổ bộ” phiên bản Hàn Quốc có thể học mô hình Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, áp dụng phương án “biên chế nòng cốt”, tức là trong thời bình chỉ do sĩ quan và hạ sĩ quan làm khung, khi có sự thì tiếp nhận và biên chế đủ binh sĩ tham chiến.

Một loại máy bay trực thăng của Hàn Quốc
Một loại máy bay trực thăng của Hàn Quốc

Kế hoạch tốt nhưng không dễ thực hiện

Tục ngữ nói: “Kế hoạch rất tốt, thực hiện không dễ dàng”. Tờ “Tin tức Dân tộc” Hàn Quốc bình luận, không có lý do cho rằng CHDCND Triều Tiên – nước có kinh nghiệm sẵn sàng chiến đấu phong phú, sẽ dẫm lên vết xe đổ của Incheon, họ tuyệt đối sẽ không cho phép “đội biệt động đổ bộ” Hàn-Mỹ dễ dàng chiếm lĩnh cảng Wonsan và cửa sông Chongchon.

Xét tới quy mô phổ biến của hạm đội đổ bộ là khổng lồ, khả năng cơ động thấp, một khi cuộc chiến bắt đầu, tàu ngầm cỡ nhỏ quá nhiều của CHDCND Triều Tiên sẽ tiến hành thâm nhập mạnh vào cảng biển của Hàn Quốc, thông qua gài thủy lôi, làm cho thương mại đường biển của Hàn Quốc bị tê liệt, như vậy Hàn Quốc – một nước có dầu mỏ và lương thực lệ thuộc nghiêm trọng vào nhập khẩu – sẽ tự nhiên không còn sức mạnh tiến hành chiến tranh.

Trên thực tế, bài viết của tờ “Phòng vệ 21+” cũng thừa nhận, lực lượng đánh bộ Hàn Quốc còn lâu mới đạt được tiêu chuẩn của “đội biệt động đổ bộ”, Hải quân Hàn Quốc, một lực lượng được cho là “lực lượng chiến lược”, cũng có chút “bề ngoài vàng ngọc, bên trong bất ổn”.

Có một chứng cứ là, Hải quân Hàn Quốc muốn yểm trợ cho lực lượng cấp trung đoàn đổ bộ, ít nhất phải điều 20 tàu chiến phòng không, săn ngầm, quét mìn để hỗ trợ, hiện nay để có một hạm đội đầy đủ quy mô như vậy rất khó khăn.

Ngoài ra, Hải quân Hàn Quốc chỉ có 9 tàu ngầm lớp Sohn Won-il và lớp Chang Bogo, CHDCND Triều Tiên lại có tới hơn 70 chiếc, tuy tính năng của tàu ngầm Hàn Quốc tương đối tốt, trước ưu thế số lượng tuyệt đối của đối phương, vẫn chưa thể nói là nắm chắc phần thắng. Càng không phải nói, khả năng quét mìn của Hải quân Hàn Quốc không có tác dụng, trong thời chiến khó ứng phó được với cuộc chiến thủy lôi không sợ trả giá của CHDCND Triều Tiên.

Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc diễn tập đổ bộ
Lính thủy đánh bộ Hàn Quốc diễn tập đổ bộ

Tham mưu trưởng Hải quân Hàn Quốc từng cho rằng, nâng cao sức chiến đấu đổ bộ cần nắm được 2 mắt xích: binh sĩ và ngân sách. Ông đề nghị với Bộ Quốc phòng tăng 3.400 binh sĩ đánh bộ và thủy binh hải quân, nhưng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu lại cho rằng, yêu cầu này mâu thuẫn với kế hoạch cắt giảm quân của Chính phủ, đã không đồng ý.

Một quan chức cấp bậc thượng tá của lực lượng đánh bộ Hàn Quốc cho rằng, Hàn Quốc  nếu thực sự muốn xây dựng “đội biệt động đổ bộ” gây căng thẳng cho Bình Nhưỡng, binh lực hải quân phải duy trì 70.000 quân, lực lượng đánh bộ duy trì khoảng 28.000 quân, trong khi đó hiện nay hải quân Hàn Quốc có tổng cộng 65.000 quân (kể cả lực lượng đánh bộ), “lý tưởng và thực tế còn có khoảng cách rất xa”.

>> Follow us on Facebook
Việt Dũng