Hé lộ thông tin về nơi chuyên nghiên cứu, đánh giá TQ của Nhật Bản

24/05/2013 06:46
Việt Dũng
(GDVN) -  "Năm 2020 chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ gấp 7 lần Nhật Bản, đến năm 2030 sẽ gấp 12 lần Nhật Bản, rất khó đoán mục đích chi tiêu khổng lồ như vậy"
Cửa chính Bộ Quốc phòng Nhật Bản
Cửa chính Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" vừa có bài viết cho rằng, Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản là nơi cất giữ nhiều tài liệu lịch sử chiến tranh, được sử dụng để các chuyên gia học giả nghiên cứu, đồng thời cũng là "kho tư tưởng" cung cấp căn cứ lý luận để Chính phủ Nhật Bản đưa ra các chính sách quốc phòng, hơn nữa còn là nơi có thể được tham quan, được mệnh danh là "Công ty RAND" của Nhật Bản.

Phóng viên "Thời báo Hoàn Cầu" đã đến đây tham quan và trao đổi với 5 chuyên gia vấn đề Trung Quốc, trong đó có nhà nghiên cứu Masayuki Masuda, chủ nhiệm ban nghiên cứu khu vực của Viện này, từ đó đã tìm hiểu quan điểm của Viện này đối với quan hệ Trung-Nhật.

Cơ quan học thuật riêng của Chính phủ Nhật Bản

Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản càng ngày càng nổi tiếng ở Trung Quốc, bởi vì những năm gần đây, cơ quan này liên tục đưa ra "Báo cáo chiến lược an ninh Trung Quốc", tiến hành nghiên cứu đối với các vấn đề như đường hướng chiến lược quân sự, mức tăng chi tiêu quân sự, tranh chiếm quyền lợi biển của Trung Quốc, tiến tới cung cấp căn cứ lý luận cho Chính phủ Nhật Bản mở rộng quân bị, tăng cường sức mạnh cho Lực lượng Phòng vệ.

Nhưng, cơ quan này hoàn toàn không nổi tiếng trong người dân Nhật Bản. Các phóng viên Trung Quốc đã hỏi rất nhiều người dân Nhật Bản về nó nhưng không được, cuối cùng vẫn phải lên mạng tra cứu bằng google.

Viện này dùng chung một khu vực với Viện nghiên cứu trang bị tàu chiến Nhật Bản. Nhân viên hai viện mà đi nhầm vào khu vực của nhau còn bị đoán nhầm là "gián điệp".

Cửa lớn Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản
Cửa lớn Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản

Dưới sự giúp đỡ của nhân viên tại đây, phóng viên của "Thời báo Hoàn Cầu" phải đổi giấy ra vào và được đưa đến phòng hội nghị tầng 3 của tòa nhà chính 4 tầng viện này. Nơi đây đã có 5 học giả Nhật Bản ngồi chờ sẵn để tiếp đón.

Thời báo Hoàn Cầu nói mỉa mai rằng: "họ trưng ra "quà gặp mặt" là bản "Báo cáo chiến lược an ninh Trung Quốc" bản tiếng Trung-Anh năm 2011 và năm 2012, "Tình hình chiến lược Đông Á" bản tóm tắt năm 2013 và Hướng dẫn cơ cấu của Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản".

Nhìn vào việc bố trí cơ cấu của Viện này, nó tuyệt đối không chỉ là tồn tại để xác định các mối đe dọa từ Trung Quốc. Ban nghiên cứu chính sách, Ban nghiên cứu khu vực, Trung tâm lịch sử quân sự là 3 bộ phận chủ thể lớn của Viện này, có hơn 80 nhà nghiên cứu cấp cao đảm đương nhiều nhiệm vụ như nghiên cứu chính sách phòng vệ Nhật Bản, đào tạo sĩ quan cấp cao và quan chức cấp cao của Nhật Bản, tổ chức giao lưu với các tổ chức quân sự nước ngoài.

Đây là cơ quan nghiên cứu và giảng dạy khoa học quân sự cao nhất "có danh có thực" của Nhật Bản. Viện này hiện nay cũng mời các học giả nước ngoài tham gia nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Đức, New Zealand từng nhận lời mời đến đây nghiên cứu.

Tiền thân của Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản là Viện nghiên cứu bảo đảm an ninh được thành lập năm 1952, đến năm 1985 đổi tên thành Viện nghiên cứu quốc phòng, từ đó luôn trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Cơ quan này từ lâu đã nổi tiếng với vai trò là nơi tham mưu kế sách cho Chính phủ Nhật Bản, nhưng bản thân nó lại hoàn toàn không "độc lập".

Nhà nghiên cứu Masayuki Masuda cũng nói thẳng là "tất cả các thành viên của Viện nghiên cứu đều là nhân viên công vụ của Chính phủ Nhật Bản, tiền lương đều do Chính phủ cấp".

Trung Quốc điều 8 tàu hải giám đến vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu)
Trung Quốc điều 8 tàu hải giám đến vùng biển đảo Senkaku (ảnh tư liệu)

Nhà nghiên cứu Masayuki Masuda cũng thừa nhận, tiến hành nghiên cứu những vấn đề do Chính phủ Nhật Bản giao cho, hỗ trợ cho chính quyền là nhiệm vụ của viện nghiên cứu.

Tìm đối sách từ số liệu nghiên cứu

Trong những năm qua, Viện nghiên cứu này đã liên tục đưa ra những báo cáo về chiến lược an ninh của Trung Quốc, chiến lược Đông Á, lấy Trung Quốc làm nghiên cứu đối tượng trọng điểm, đặc biệt là tập trung chú ý tới tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc.

Ông Masayuki Masuda cho biết, các báo cáo được Viện nghiên cứu đưa ra ngoài việc làm tài liệu tham khảo cho Chính phủ Nhật Bản, đồng thời còn cung cấp dịch vụ cho các nhà nghiên cứu các nước trên thế giới.

Những năm gần đây, đường hướng chiến lược của Trung Quốc là trọng điểm nghiên cứu quan hệ quốc tế, không ít các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng muốn có được những thành quả nghiên cứu về các vấn đề liên quan từ cách nhìn của Nhật Bản, cho nên Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản cố gắng thực hiện được việc sử dụng ngôn ngữ của nước đối tượng nghiên cứu để viết báo cáo, thuận tiện cho công tác nghiên cứu của các nhà khoa học.

Còn về chi  tiêu quân sự Trung Quốc, ông Masayuki Masuda cho biết, nghiên cứu của Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản cho thấy, tăng trưởng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng mạnh, những năm gần đây tăng trưởng vượt 2 con số khiến cho Nhật Bản cảm thấy căng thẳng.

Theo mức tăng hiện nay, đến năm 2020 chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ gấp 7 lần Nhật Bản, đến năm 2030 sẽ gấp 12 lần Nhật Bản, chi tiêu quân sự khổng lồ như vậy sẽ dùng cho mục đích nào, phía Nhật Bản rất khó dự đoán.

Biên đội tàu chiến Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu chiến Hạm đội Đông Hải, Hải quân Trung Quốc

Sức mạnh quân sự của Trung Quốc phát triển theo phương hướng nào gây nghi ngờ cho Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ sẽ đi theo hướng nào cũng gây tò mò cho Trung Quốc. Đặc biệt là từ khi chính quyền Shinzo Abe lên cầm quyền đến nay, các bước sửa đổi Hiến pháp hầu như ngày càng được đẩy nhanh, Lực lượng Phòng vệ thực sự sẽ chuyển đổi thành quân đội chính quy?

Masayuki Masuda cho rằng, ý đồ sửa đổi Hiến pháp của ông Shinzo Abe có thể nói là quan điểm "cổ điển" xuyên suốt của Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản, nhưng từ quan điểm đến hiện thực còn có một con đường dài phải đi, hơn nữa sửa đổi Hiến pháp không có nghĩa là sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp hòa bình Nhật Bản, tôn chỉ phòng thủ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ không thay đổi.

Những năm gần đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phần nhiều là tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm giảm nhẹ thiên tai quốc tế, hộ tống ở vịnh Aden, nhưng những điều này không mâu thuẫn với tôn chỉ phòng vệ của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Trong vấn đề chủ quyền đảo Senkaku, hai bên Trung-Nhật rơi vào căng thẳng. Theo ông Masayuki Masuda, hai nước thực hiện hòa giải trong vấn đề “quy thuộc chủ quyền” là điều không có khả năng, nhưng luôn đối đầu thì cũng không có đường ra.

Cho nên, trước hết chính phủ hai nước cần phải duy trì sự kiềm chế, không chủ động gây xung đột, tạo ra cơ hội đối thoại. Ngoài ra, ở cấp độ chuyên gia, học giả, càng cần phải triển khai đối thoại nhiều lần, đi sâu, tranh thủ sử dụng ngôn ngữ của nước đối phương để tiến hành giao lưu.

Masayuki Masuda cho biết, hiện nay, Nhật Bản chú ý tới việc Trung Quốc đang tăng cường điều tàu hải giám, máy bay tới đảo  Senkaku, hầu như là muốn thông qua phương thức tăng cường sức mạnh để làm thay đổi hiện trạng của đảo Senkaku, đây là điều lo ngại nhất của Nhật Bản.

Tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku
Tàu hải giám Trung Quốc xâm nhập vùng biển đảo Senkaku

Đương nhiên, quan hệ Trung-Nhật vẫn có không gian hợp tác và đối thoại. Masayuki Masuda nói, Trung Quốc chắc chắn là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đối với CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản trông đợi hợp tác sâu hơn với Trung Quốc trên phương hướng này. Đây là vấn đề cùng quan tâm của Trung-Nhật, cho nên hoàn toàn có thể tiến hành trao đổi có chiều sâu về vấn đề này.

Trong một cuốn sách nhỏ giới thiệu về lực lượng phòng vệ của Nhật Bản do Viện nghiên cứu này công bố, trang đầu đã nói về cơ cấu tổ chức của lực lượng phòng vệ Nhật Bản, dưới quyền Thủ tướng có 2 cơ quan quản lý quốc phòng: Một là Bộ Quốc phòng, hai là Ủy ban An ninh (hoặc Hội đồng An ninh).

Trước đây có tin cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã bí mật thành lập một tổ chức 5 người gồm Thủ tướng Shinzo Abe và 4 "đại thần" Nội các khác - phải chăng tổ chức này mới là cơ quan thực quyền quyết định đường hướng sức mạnh quân sự của Nhật Bản?

Trước câu hỏi này của phóng viên Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã bị bất ngờ, hỏi lại phóng viên đó là tổ chức nào. Masayuki Masuda cho biết, "Ủy ban an ninh quốc gia Nhật Bản" mà phóng viên nói tới hiện vẫn chỉ là một phương án đưa ra, Nhật Bản gọi nó là "Hội đồng bảo đảm an ninh quốc gia".

Đây là ý tưởng của ông Shinzo Abe trong nhiệm kỳ thứ nhất, mục đích là khi Nhật Bản gặp phải vấn đề bảo đảm an ninh đột xuất, Thủ tướng có thể tham khảo ý kiến của một tổ chức chuyên gia và nhanh chóng đưa ra quyết định.

Hiện nay, ông Shinzo Abe hy vọng thực sự thành lập 1 tổ chức như vậy và viết vào luật pháp, nhưng hình thức tổ chức cụ thể còn chưa xác định. Như vậy, sự tồn tại của cơ quan này là việc sớm hay muộn mà thôi, nó quyết định đường hướng lực lượng quân sự của Nhật Bản là điều rõ ràng.

Thủ tướng Nhật Bản thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, nới lỏng xuất khẩu vũ khí
Thủ tướng Nhật Bản thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp, xây dựng quân đội chính quy, nới lỏng xuất khẩu vũ khí

Masayuki Masuda nhấn mạnh, các vấn đề ông trả lời là cách nhìn nhận của riêng cá nhân mình, không thể đại diện cho Viện nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản, càng không thể đại diện cho chính giới Nhật Bản.

Việt Dũng