Heritage Foundation: “Mỹ không còn khả năng đánh hai trận một lúc”

02/03/2015 15:23
Lê Cường
(GDVN) - Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách hiện đại hóa quy mô lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân.
Đó là nhận định được đưa ra trong báo cáo có tên “Chỉ dẫn sức mạnh quân sự Mỹ 2015” vừa được một chuyên gia có tiếng là thận trọng có tên Daniel Wiser từ diễn đàn thuộc quỹ Heritage Foundation. 

Mạng Washington Free Beacon khi đề cập đến báo cáo này trên một bài báo đăng hôm 24/2/2015 có viết rằng nước Mỹ đã không còn khả năng chiến đấu chiến thắng khi cùng lúc phát động hai cuộc chiến song song.

Nội dung của “Chỉ dẫn sức mạnh quân sự Mỹ 2015” cho rằng quân đội Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào thế “yếu về trang bị” nếu cùng lúc phải ứng phó với hai cuộc chiến với quy mô khu vực.

Thử nghiệm vũ khí hạt nhân
Thử nghiệm vũ khí hạt nhân

Đánh giá này gây sự chú ý bởi mục tiêu của quân đội Mỹ đã và đang theo đuổi kể từ Kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh đó là phải đánh thắng được hai cuộc chiến cỡ lớn cùng lúc.

Theo thống kê, cứ từ 15 đến 20 năm nước Mỹ lại giao chiến với một đối thủ hoặc tham gia vào một cuộc xung đột quy mô lớn trong khi vẫn đảm bảo được khả năng duy trì, điều động các lực lượng mặt đất đến nhiều khu vực khác nhau trên quy mô toàn cầu với chiến lược là "muốn chỗ nào ổn định là được chỗ đó".

Daniel Wiser cho rằng chính chiến lược quân sự tầm cao này khiến cho nước Mỹ có thể đánh bại được các kẻ địch tiềm tàng một khi xung đột trong khi vẫn có khả năng ngăn chặn một kẻ địch khác lợi dụng thời cơ vươn lên vượt mặt Mỹ.

Với một số người, tư tưởng chiến lược này của Mỹ xuất phát từ kinh nghiệm chiến tranh thực tế của quân đội Hoa Kỳ. Bằng chứng là quân đội Mỹ đã đánh bại Phát Xít Đức (tất nhiên là còn cả công sức của lực lượng đồng minh-PV) song song với mặt trận chống Phát xít Nhật trong Thế chiến thứ Hai.

Tính cho đến nay, quân lực của Hoa Kỳ đã duy trì được chiến lược “đánh thắng hai trận cùng lúc” được 70 năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Heritage Foundation, chiến lược này của quân đội Mỹ đã bước vào giai đoạn không còn khả thi nữa.

Cũng giống như nhận định và cảnh báo của các nhà chiến lược quân đội Mỹ, Heritage Foundation cho rằng nếu tình cảnh ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ tiếp tục duy trì như hiện nay hoặc có thể bị cắt giảm nữa thì chắc chắn nước Mỹ không thể “đánh thắng được hai trận” như mục tiêu chiến lược nhằm đảm bảo được vị thế thống trị và lãnh đạo thế giới như mong muốn của Washington.

“Chỉ dẫn sức mạnh quân sự Mỹ 2015” nói rằng trong vòng 1 thập kỷ tới ngân sách quốc phòng có thể sẽ bị giảm cả ngàn tỷ USD.

Báo cáo cho rằng gần như tất cả các quân binh chủng của quân lục Mỹ đều đang đứng trước nguy cơ không còn chiếm ưu thế so với các đối thủ lớn trên thế giới.

Hiện nay, Daniel Wiser cho rằng, Lục quân Mỹ chỉ có khoảng 12 lữ đoàn có khả năng sẵn sàng chiến đấu thực sự bất chấp đánh giá quốc phòng lớn cuối cùng của chính quyền Obama trong đó nhấn mạnh quân Mỹ phải có ít nhất 45 lữ đoàn có khả năng hành động chiến đấu khi cần.

Với hải quân, các hạm đội quân Mỹ cần thêm ít nhất 24 tàu quân sự các loại. Mục tiêu này đã được Quốc hội Mỹ khuyến cáo trong tháng 1 năm 2013.

Lực lượng Thủy quân lục chiến của Mỹ có nguy cơ giảm biên chế từ 188.000 quân thường trực xuống còn 175.000 người vào trước năm 2017.

Trong khi đó, không quân là lực lượng có thể được xem là dễ bị ảnh hưởng bởi cắt giảm ngân sách và đầu tư cho khoa học công nghệ nhất.

Daniel Wiser cho rằng, suy giảm ngân sách cũng gây ảnh hưởng lớn đến lực lượng vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ.

Hiện nay, Daniel Wiser cho biết Mỹ không phát triển thêm bất cứ đầu đạn hạt nhân kiểu mới nào khác trong khi các phương tiện mang, phóng, bắn chúng phải được thay thế do hao mòn dần dần theo thời gian.

Cuối cùng, “Chỉ dẫn sức mạnh quân sự Mỹ 2015” cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các mối đe dọa đến từ Nga và Trung Quốc đối với quân đội Mỹ.

Theo “Chỉ dẫn sức mạnh quân sự Mỹ 2015”, mức báo động về mối đe dọa đến từ hai quốc già này đối với Hoa Kỳ đã ở mức độ cao hơn nhiều trong quá khứ.

Nga vẫn được Mỹ cho là nước có sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới trong số các cường quốc hạt nhân.

Trong khi đó, Trung Quốc đang tìm cách hiện đại hóa quy mô lực lượng thông thường và lực lượng hạt nhân của nước này.

Quân đội Trung Quốc được báo cáo đánh giá là đang trong quá trình chuẩn bị sẵn sàng hành động để bảo vệ cái mà Bắc Kinh cho là “lợi ích quốc gia” của mình ở khu vực châu Á Thái Bình Dương nơi nước Mỹ đang cố gắng duy trì sự tự do và lợi ích chung cho tất cả.

Lê Cường