Hillary Clinton tiết lộ sách lược Biển Đông, sớm liên hệ với Việt Nam

23/08/2014 09:37
Đông Bình
(GDVN) - Trong tự truyện này, bà Hillary dành 2 trang để nói về quan hệ với Trung Quốc, trong đó có 1 trang tập trung nói về vấn đề Biển Đông.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 22 tháng 8 đưa tin, ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cách đây không lâu đã xuất bản cuốn sách "Sự lựa chọn khó khăn", trình bày về cuộc đời ngoại giao 4 năm trên cương vị Ngoại trưởng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama. 

Trong tự truyện này, bà Hillary dành 2 trang để nói về quan hệ với Trung Quốc, trong đó có 1 trang tập trung nói về vấn đề Biển Đông.

Là người đương sự trực tiếp, bà Hillary Clinton đã miêu tả nguồn gốc Mỹ thúc đẩy vấn đề Biển Đông, trong đó một số chi tiết đã thể hiện thái độ và sự cân nhắc của Mỹ trong vấn đề Biển Đông.

Báo Trung Quốc có dụng ý, liên tưởng "vấn đề Biển Đông mấy năm qua nóng như vậy" với việc "gây khó dễ cho Trung Quốc" của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 23 tháng 7 năm 2010.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một lần đến thăm Việt Nam
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong một lần đến thăm Việt Nam

Theo bài báo, khi đó, bà Hillary Clinton đã dựa trên bản thảo chuẩn bị trước, “nói lớn” về quan hệ giữa Biển Đông với lợi ích quốc gia của Mỹ, tuyên bố Mỹ có lợi ích quốc gia trên phương diện bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông; trong vấn đề Biển Đông, Mỹ phản đối đe dọa, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực. Báo Trung Quốc bình phẩm, cho rằng, tuyên bố này "có vẻ như công bằng", "thực chất là tấn công Trung Quốc".

Phát biểu này được báo chí Trung Quốc cho biết là đã bị "Trung Quốc phản bác". Được biết, khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tỏ ra rất tức tối, không làm được gì, chỉ nói Trung Quốc là "nước lớn" (nên thích làm gì thì làm?).

Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh
Cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh

Bài báo phân tích về việc Mỹ gây khó dễ cho Trung Quốc tại Diễn đàn khu vực ASEAN cũng như mô tả của bà Hillary Clinton trong tự truyện, cho rằng nó để lộ một số điểm sau đây:

Thứ nhất, theo bài báo, phía Mỹ gây khó dễ cho Trung Quốc hoàn toàn không phải bột phá, mà là đã có "tính toán, sắp đặt công phu". Trước hội nghị khi đó, bà Hillary đã triệu tập các thành viên đoàn đại biểu Mỹ bàn về kế hoạch hội nghị, bỏ ra nhiều giờ sửa chi tiết tuyên bố muốn đưa ra, còn bàn phối hợp thế nào với nước khác, bao gồm "trước tiên để Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đề xuất thảo luận vấn đề Biển Đông, sau đó do Bộ trưởng các nước khác từng người bày tỏ mối quan tâm, cuối cùng do bà Hillary gợi ý yêu cầu phát biểu khi 'thời cơ chín muồi'".

Thứ hai, Mỹ tập trung sắp xếp như vậy là để làm thay đổi thế hung hăng dọa nạt của Trung Quốc ở khu vực này. Đối với bà Hillary, đến năm 2009, về ngoại giao, Trung Quốc đã thay đổi thái độ kiềm chế, bắt đầu áp dụng hành vi hung hăng hăm dọa ở châu Á, sự thay đổi này "gây bất an cho khu vực", "chúng tôi muốn tìm cơ hội làm xoay chuyển tình hình này". Vì vậy, "ngày 22 tháng 7 năm 2010, tôi đến Hà Nội tham gia hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN, hội nghị lần này chính là cơ hội được chúng tôi chờ đợi".

Thứ ba, theo bài báo, điều Mỹ tính toán sâu hơn là muốn xóa bỏ hoài nghi về khả năng lãnh đạo của Mỹ. Bà Hillary cho rằng, khi chính quyền Obama lên nắm quyền, rất nhiều người ở khu vực này nghi ngờ cam kết và khả năng của Mỹ, một số người Trung Quốc muốn lợi dụng quan điểm này. 

Theo bà Hillary, sau khi trải qua những hội nghị trên, bà cảm thấy có lòng tin hơn về chiến lược "xoay trục châu Á" (chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương) và vị thế của Mỹ ở châu Á, bởi vì Mỹ "đã tái thể hiện thực lực ở khu vực này, những điều này đều có lợi cho xóa bỏ sự hoài nghi đối với Mỹ".

Mỹ kiên trì thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương. Trong hình là diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014" do Mỹ đứng ra tổ chức tại vùng biển Hawaii.
Mỹ kiên trì thực hiện chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương. Trong hình là diễn tập "Vành đai Thái Bình Dương 2014" do Mỹ đứng ra tổ chức tại  vùng biển Hawaii.

Báo Trung Quốc coi các quan điểm của bà Hillary là sự "hiểu nhầm và thành kiến" đối với ngoại giao Trung Quốc, đổ lỗi cho Mỹ là người thúc đẩy lớn nhất làm nóng vấn đề Biển Đông (chứ không phải vấn đề Biển Đông nóng lên do Trung Quốc luôn có vô vàn các thủ đoạn và hành động khiêu khích như ăn cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, hạ đặt phi pháp giàn khoan 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam v.v...?).

Báo Trung Quốc tuyên truyền cho rằng, khi Mỹ tập trung cho cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, quan hệ giữa Trung Quốc và các nước ASEAN đã đạt được phát triển vượt bậc, trong vấn đề Biển Đông đạt được "Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông" (DOC), tình hình Biển Đông cơ bản "hòa bình, ổn định" (theo mưu đồ thỉnh thoảng gây sự cố vừa phải, thúc đẩy sách lược "tằm ăn dâu" của Trung Quốc).

Theo bài báo, phát biểu của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về vấn đề Biển Đông vào năm 2010 trên thực tế đánh dấu Mỹ bắt đầu can dự mạnh mẽ và trực tiếp vào vấn đề Biển Đông, đánh dấu Mỹ bắt tay từ vấn đề Biển Đông. 

Bài báo đổ lỗi cho Mỹ "chia rẽ" quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, "bôi đen" hình tượng ngoại giao của Trung Quốc, "dựa vào khuấy đục vấn đề Biển Đông để phục vụ cho chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương", "cuối cùng là muốn duy trì vị thế chủ đạo của Mỹ trong các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Với "truyền thống" chuyên đi đổ lỗi cho người khác như vậy, báo Trung Quốc cho rằng, Mỹ chỉ sợ "thiên hạ không bị loạn", muốn "khuấy đục" hơn vấn đề Biển Đông, mục đích là xóa bỏ sự nghi ngờ đối với Mỹ, xây dựng uy tín của Mỹ, cho rằng, Mỹ chỉ vì "lợi ích cá nhân".

Mỹ lo ngại tự do hàng hải ở Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa. Tàu tuần dương Mỹ đã bị tàu chiến Trung Quốc chặn lại trên Biển Đông (trong hình, ảnh minh họa)
Mỹ lo ngại tự do hàng hải ở Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa. Tàu tuần dương Mỹ đã bị tàu chiến Trung Quốc chặn lại trên Biển Đông (trong hình, ảnh minh họa)

Luận điệu đổ lỗi này cho rằng, trong 4 năm qua, chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đã "tạo ra nhiều nhân tố phức tạp hơn" cho khu vực này, chưa nói gì đến vai trò mang tính xây dựng, lời nói và hành động của Mỹ trong vấn đề Biển Đông chỉ "tăng thêm phiền phức".

Theo báo Trung Quốc, tự truyện của Hillary Clinton được coi là khởi động cho tranh cử. Vừa là khởi động, "sự lựa chọn" ngoại giao trong cuốn sách đương nhiên là bà Hillary muốn thể hiện khả năng ngoại giao. 

Nhưng, báo Trung Quốc cho là bà Hillary đã lựa chọn "sai" trong vấn đề Biển Đông, cho rằng nó "không có lợi cho quan hệ Trung-Mỹ và hòa bình, ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Trên đây là toàn bộ nội dung bài báo chính thống của Trung Quốc. Trên thực tế, các hành động khiêu khích của Trung Quốc đang làm mất cân bằng khu vực, đang đe dọa lợi ích, an ninh của các nước xung quanh và đã bị các nước xung quanh cùng cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ.

Đứng trước một nước Trung Quốc có ý đồ và hành động dùng thực lực làm thay đổi hiện trạng, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh của các nước, xâm phạm nghiêm trọng hòa bình và ổn định khu vực..., các nước trong khu vực đều mong đợi Mỹ và các nước lớn khác phát huy vai trò lớn hơn ở khu vực để tạo sự cân bằng, kiềm chế các hành động hung hăng hăm dọa của Trung Quốc.

Trung Quốc hung hăng hăm dọa, khủng bố dã man Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Trung Quốc hung hăng hăm dọa, khủng bố dã man Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Đông Bình