Hoàn Cầu: "Ấn Độ - Việt Nam khai thác dầu Biển Đông, không để ý TQ"

28/10/2014 06:26
Đông Bình
(GDVN) - Những lô dầu khí ở duyên hải Việt Nam vẫn bị Trung Quốc nhận là của mình, học giả TQ nhắc nhở Việt-Ấn rằng họ cũng muốn "cùng khai thác"...
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 27 tháng 10 đăng bài viết "Ấn Độ có thể hợp tác với Việt Nam khai thác dầu ở Biển Đông, không để ý đến sự lo ngại của Trung Quốc".

Bài viết cho rằng, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng ngày 27 tháng 10 bắt đầu thăm Ấn Độ. Truyền thông Ấn Độ đưa tin cho biết, trong thời gian đó, Ấn Độ có thể tiếp nhận lời mời của Việt Nam, khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, cho dù Trung Quốc bày tỏ lo ngại (trên thực tế TQ không có chủ quyền thì lấy tư cách gì tỏ thái độ?) đối với vấn đề này.

Cùng ngày, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Việt Nam. Đây là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc đối với tiến trình cứu vãn quan hệ Trung-Việt sau khi Trung-Việt đồng ý khai thông đường dây nóng quân sự.

Theo Hoàn Cầu: Đối với vấn đề này, có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc luôn ủng hộ cùng khai thác tài nguyên dầu mỏ Biển Đông, trong vấn đề khai thác lô dầu mỏ, "Việt-Ấn nên đàm phán với Trung Quốc". Còn đối với cải thiện quan hệ Trung-Việt, "Việt Nam nên có nhiều thiện chí hơn".

Ngày 27 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại thành phố Bodhgaya, Ấn Độ
Ngày 27 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại thành phố Bodhgaya, Ấn Độ

Tờ "Press Trust of India" Ấn Độ ngày 26 tháng 10 dẫn lời Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết: "Hai bên trông đợi tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ". Theo bài báo, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ, hai bên có thể đạt được thỏa thuận khai thác dầu khí để làm sâu sắc quan hệ kinh tế song phương.

Việt Nam tháng 11 năm 2013 cung cấp 5 lô dầu khí để Ấn Độ lựa chọn, Ấn Độ quyết định xem xét khai thác 2 - 3 lô trong đó. Việt Nam còn mong muốn có thể tiến hành hợp tác nhiều hơn và ký kết một số hiệp định với Ấn Độ trong các lĩnh vực như an ninh, quốc phòng.

Tờ "Deccan Chronicle" Ấn Độ có bài viết "Ấn Độ có thể nhận lời mời về Biển Đông", cho rằng, trước khi Thủ tướng Việt Nam đến thăm, quan chức Chính phủ Ấn Độ ngầm cho biết, Ấn Độ sẵn sàng nhận lời mời của Việt Nam, cho dù gây bất mãn đối với Trung Quốc về vấn đề này.

Khi được hỏi về việc Trung Quốc lo ngại Ấn Độ xuất hiện ở Biển Đông phải chăng sẽ trở thành trở ngại cho Ấn-Việt hợp tác khai thác dầu mỏ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin ngày 24 tháng 10 cho biết: "Việt Nam đã cung cấp một số mỏ dầu ở Biển Đông. Chúng tôi đang khảo sát, chỉ cần có lợi ích thương mại, chúng tôi sẽ tiếp tục cân nhắc. Quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam không phụ thuộc vào nước khác".

Ngày 27 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Thủ hiến bang Bihar, Ấn Độ
Ngày 27 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ Thủ hiến bang Bihar, Ấn Độ

Tờ "Press Trust of India" Ấn Độ tiết lộ, Ấn Độ từ năm 1988 cũng đã bắt đầu can thiệp vào khai thác dầu mỏ ở khu vực Biển Đông, đồng thời cùng năm cũng nhận được 1 mỏ dầu từ Việt Nam, sau đó vào năm 2006 nhận được quyền thăm dò khai thác 2 mỏ dầu.

Trung Quốc không xấu hổ, tự nhận 2 mỏ dầu (nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam) này là thuộc "phạm vi quy thuộc chủ quyền" (yêu sách "đường lưỡi bò" bất hợp pháp) của họ. Ấn Độ khảo sát một mỏ không thấy dầu, đã quyết định rút, nhưng vẫn tiếp tục duy trì hiện diện ở một mỏ dầu khác. Theo tờ "Press Trust of India", hành động này của Ấn Độ nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược ở khu vực này.

Chúng ta đều biết, yêu sách "đường lưỡi bò" cùng những yêu cầu quyền lợi như dầu khí ở vùng biển thuộc "đường lưỡi bò" như Trung Quốc đưa ra là một điều hết sức vô lý, nực cười, lố bịch và vớ vẩn trong quan hệ quốc tế hiện đại. Trước khi Trung Quốc vẽ bậy ra "đường lười bò" (đường chín đoạn/đường 10 đoạn) bất hợp pháp, chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền đối với các đảo đá và vùng biển trong "đường lưỡi bò", kể cả thời kỳ nhà Thanh gần nhất.

Là nước có truyền thống ghi chép lịch sử cẩn thận, nhưng tất cả những bản đồ chính thống của họ (trước khi vẽ bậy "đường lưỡi bò") đều không có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. "Đường lưỡi bò" chỉ là một bản vẽ của 1 cá nhân, rồi Chính phủ Trung Quốc lấy nó và áp đặt "ý chí quốc gia" (bành trướng, xâm lược) vào, rồi gây chiến tranh xâm lược, gây ra tranh chấp ngày nay.

Thủ hiến bang Bihar, Ấn Độ, ông Jitan Ram Manjihi chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ hiến bang Bihar, Ấn Độ, ông Jitan Ram Manjihi chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Tiếp theo, tờ "Press Trust of India" Ấn Độ ngày 26 tháng 10 dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, Việt Nam hy vọng nhiều doanh nghiệp dầu khí Ấn Độ hơn đến khai thác, sẽ tạo điều kiện có lợi cho họ. Ông còn tuyên bố Việt Nam có quyền bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời cam kết bảm đảm an ninh toàn diện cho các công ty Ấn Độ.

Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình, Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc ngày 26 tháng 10 cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam hy vọng tìm kiếm đột phá trong quan hệ song phương, đặc biệt là Việt Nam có ý nguyện mạnh mẽ hơn.

Nhưng, thăm dò dầu mỏ trên biển là dự án đầu tư có rủi ro cao, những lô Việt Nam cung cấp cho Ấn Độ phải chăng có dầu mỏ hay không còn chưa biết, cho nên, cho dù Ấn Độ cuối cùng có tham gia, phải chăng có thành công hay không còn chưa rõ.

Ngoài ra, báo TQ tự ý cho rằng: trước hết cần làm rõ, lô dầu khí do Việt Nam cung cấp nằm ở vị trí nào. Có thể ở vùng biển của Việt Nam, cũng có thể một bộ phận nằm ở "vùng biển tranh chấp", nếu ở "vùng biển tranh chấp" thì Việt Nam không có quyền cung cấp cho Ấn Độ khai thác.

Như vậy, ý của phần tử trí thức “bành trướng lãnh thổ” Hứa Lợi Bình là những vùng biển vẫn thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, nhưng "đường lưỡi bò" vẽ bậy của Trung Quốc đè lên thì gọi là "vùng biển tranh chấp", và ở vùng biển đó thì Việt Nam "không có quyền"?.

Không có nước nào như Trung Quốc dám mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
Không có nước nào như Trung Quốc dám mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Trên thực tế, "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là loại bản đồ vẽ bậy, chẳng có giá trị pháp lý, chẳng ai công nhận, chỉ là trò lố bịch, hành động bành trướng mà Trung Quốc đang áp đặt cho thế giới văn minh hiện đại thông qua "chơi chữ" và hậu thuẫn vũ lực. Trung Quốc đang dùng nó để đòi hỏi mọi quyền lợi từ nó một cách bất hợp pháp.

Theo báo Trung Quốc, ngày 27 tháng 10, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Việt nam và (đồng) chủ trì hội nghị lần thứ 7 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Trung-Việt. Tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ cho rằng, trước đó, Trung-Việt đồng ý khai thông một đường dây nóng quân sự. Trung-Việt đang nỗ lực quản lý, kiểm soát tranh chấp Biển Đông ngày càng căng thẳng. Hạ tuần tháng 8, đặc phái viên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc, hai Đảng tổ chức gặp gỡ cấp cao, khởi động tiến trình cứu vãn quan hệ song phương.

Nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình tưởng tượng và nghĩ rằng: "Nhìn vào lịch sử, Việt Nam chỉ có hợp tác với Trung Quốc mới có tiền đồ". Dù sao, Trung Quốc và Việt Nam có lượng thương mại hơn 50 tỷ USD. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Việt Nam cho thấy sự "coi trọng" của Trung Quốc đối với quan hệ hai nước.

“Trung Quốc luôn ủng hộ cùng khai thác tài nguyên dầu khí Biển Đông, đây là một xu thế của tương lai. Việt Nam và Ấn Độ cũng nên nhìn thấy điểm này” – Hứa Lợi Bình yêu cầu.

Không nước nào như Trung Quốc dám đưa giàn khoan vào khoan thăm dò ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam mà chưa được phép, hơn nữa còn kèm theo là cất quân - một lực lượng vũ trang, bán vũ trang khổng lồ tiến hành uy hiếp, đe dọa, khủng bố Việt Nam
Không nước nào như Trung Quốc dám đưa giàn khoan vào khoan thăm dò ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam mà chưa được phép, hơn nữa còn kèm theo là cất quân - một lực lượng vũ trang, bán vũ trang khổng lồ tiến hành uy hiếp, đe dọa, khủng bố Việt Nam

Như vậy, Trung Quốc rõ ràng đang lo ngại về quan hệ Việt-Ấn, nhất là sự can dự của Ấn Độ đối với Biển Đông; Trung Quốc cũng thèm dầu khí ở Biển Đông, thực sự muốn thúc đẩy "cùng nhau khai thác". Nhưng đằng sau “cùng nhau khai thác” ấy là cả một vấn đề. Vấn đề là gì? trước khi "cùng khai thác" các bên phải thừa nhận "chủ quyền thuộc về TQ". Nói một cách không văn hoa, đó là hành động giật bát cơm trong khi người khác đang ăn và....đòi chia.

Trung Quốc không bao giờ thực hiện được “cùng nhau khai thác” nếu như Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế, cứ áp đặt "ý chí quốc gia" - hay yêu sách "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, cứ đòi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước khác ven Biển Đông là của mình.

Nếu Trung Quốc văn minh, thực sự coi trọng pháp trị, thì Trung Quốc hãy từ bỏ vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, đảo đá của nước khác, hãy chấp nhận lịch sử và luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc muốn "trỗi dậy hòa bình" và không có chiến tranh, khủng hoảng, tan vỡ trong tương lai thì Trung Quốc nên từ bỏ dùng vũ lực gây chiến tranh xâm lược ở Biển Đông như các năm 1974, 1988....

Trung Quốc nên dừng ngay các hoạt động xây dựng căn cứ hải không quân bất hợp pháp ở biển đảo của Việt Nam, dừng ngay những hành động khiêu khích, đe dọa vũ lực ngông cuồng như kéo giàn khoan 981 cùng lực lượng quân sự, bán quân sự khổng lồ vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2014 v.v...

Đông Bình