Học giả TQ: Ông Trì sang Việt Nam là để thăm dò về khả năng "ổn định"

20/06/2014 09:05
Việt Dũng
(GDVN) - Báo TQ cho biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mạnh mẽ: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Không nhượng bộ lẫn nhau, ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam để thăm dò?

Tờ “Thời báo Hoàn Cầu” thì dẫn lời quan chức Việt Nam nói với truyền thông phương Tây cho rằng, trong hội đàm hai bên “mỗi người một ý, không nhượng bộ lẫn nhau”, không có bất cứ đột phá nào.
>> Báo TQ viết gì về chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì?  

Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054a của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc xuất hiện gần giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, do Việt Nam chụp được (ảnh tư liệu).
Tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành số hiệu 571 Type 054a của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc xuất hiện gần giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, do Việt Nam chụp được (ảnh tư liệu).

Bài báo dẫn lời ông Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc nói ra nói vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam, cho đó là “đơn phương”, nhưng Việt Nam lại yêu cầu Trung Quốc không nên hành động đơn phương. Việt Nam yêu cầu như vậy là đúng, Trung Quốc xâm phạm biển đảo của Việt Nam rõ ràng là “đơn phương”, Việt Nam khai thác dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của mình là hợp pháp. Trung Quốc không nên đi nhòm ngó tài nguyên, lãnh thổ của nước khác như vậy - PV.

Bài báo dẫn lời ông Dương Danh Dy, cựu lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc hầu như “muốn từng bước làm giảm nóng tình hình”. Ông kêu gọi: “Nếu (Trung Quốc) bắt đầu hiểu rõ lý lẽ sau khi nhìn thấy sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và sự phê phán của cộng đồng quốc tế, họ tốt nhất là rút giàn khoan”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Dương Khiết Trì
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Dương Khiết Trì
Nhưng, tờ “Thời báo New York” Mỹ dẫn nguồn tin từ Hà Nội cho biết, ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam là để tuyên truyền “lợi ích” của Trung Quốc ở Biển Đông, “không thể nhượng bộ với Việt Nam”. Dương Khiết Trì “không phải đến để đàm phán”, mà là “nhắc lại lập trường (phi pháp-PV) của Trung Quốc, tăng cường yêu sách chủ quyền ở vùng biển Trung Quốc hạ đặt (trái phép) giàn khoan”…

Học giả Thời Ân Hoằng, Đại học nhân dân Trung Quốc thì cho rằng, ông Trì sang Việt Nam là để “thăm dò” về khả năng “ổn định tình hình”. Tờ “Học giả Ngoại giao” Nhật Bản bình luận, hiện nay hầu như khả năng thỏa hiệp không lớn.

Nếu Trung Quốc rút giàn khoan thì vấp phải “chủ nghĩa dân tộc”, trong khi chính phủ Việt Nam đã vạch ra “ranh giới đỏ” trong sự kiện giàn khoan của Trung Quốc. Do đó, sẽ khó có thể đạt tiến triển thực chất trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

Bài báo dẫn báo “Tuổi trẻ” Việt Nam ngày 17 tháng 6 cho rằng, tính xâm lược của tàu thuyền Trung Quốc ngày 17 tháng 6 hầu như giảm đi, điều này là do sự chống trả kiên cường của Việt Nam trong hơn 1 tháng qua, Trung Quốc cảm thấy rất mệt mỏi, và cũng do thời tiết xấu, đồng thời còn có thể liên quan đến chuyến thăm Việt Nam của ông Dương Khiết Trì, Trung Quốc muốn giảm nóng tình hình.

>> Báo TQ viết gì về chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì?
 

Báo Trung Quốc có thái độ “nhòm ngó”, tỏ ra quan tâm, cho rằng, cách đây không lâu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với một công ty của Nga, hai bên sẽ triển khai hoạt động thăm dò chung tại lô 125 và lô 126.

Nhiều công ty nước ngoài cho biết sẽ tiếp tục triển khai thăm dò ở Việt Nam. Ông Ngô Sĩ Tồn cho rằng, Việt Nam kéo công ty nước ngoài vào là do Việt Nam thiếu vốn, công nghệ và thiết bị, đồng thời tăng cường sự can dự của các nước lớn, “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, khiến cho Trung Quốc phải “đối mặt với sự kiềm chế trên nhiều phương diện”.

Trung Quốc âm mưu biến đá ngầm thành đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc âm mưu biến đá ngầm thành đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Ông Dương Khiết Trì được các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp chuyện

Báo chí Trung Quốc trong những ngày này phản ánh rằng "Ngoài hội đàm với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, ông Dương Khiết Trì cũng được các nhà lãnh đạo Việt Nam gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp chuyện. Báo Trung Quốc tuy có đăng tải nội dung hội kiến này, song lờ đi các tuyên bố lập trường nguyên tắc của Việt Nam".

Báo TQ cho biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định mạnh mẽ: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – lập trường này là không thay đổi và không thể thay đổi. Việt Nam yêu cầu có các giải pháp cơ bản và lâu dài giải quyết các vấn đề trên biển, xuất phát từ đại cục và các thỏa thuận cấp cao hai nước, luật pháp quốc tế. Trung Quốc cần rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: “Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC); đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực; gây bất bình và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Việt Nam, tác động tiêu cực đến quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước; yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam; cùng đàm phán giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế và nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước”.

Đồng thời, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị hai bên cần kiểm soát tình hình, không để xảy ra xung đột, tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc, đàm phán để giải quyết tranh chấp bất đồng hiện nay. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp chuyện ông Dương Khiết Trì
Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp chuyện ông Dương Khiết Trì
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 19 tháng 6 đưa tin, khi được hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Dương Khiết Trì cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng, đều thuộc giai đoạn then chốt của cải cách phát triển, có lợi ích chung rộng rãi. Đứng trước tình hình quốc tế và khu vực phức tạp, hai bên cần loại bỏ phiền phức, đi sâu hợp tác, cùng mưu cầu phát triển.

Theo ông Trì, Trung Quốc rất coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt. Hiện nay, quan hệ Trung-Việt đối mặt với khó khăn nghiêm trọng do vấn đề trên biển. Nhưng có khó nữa cũng cần tìm cách nhanh chóng giải quyết. Dựa vào sự cân nhắc chiến lược này và coi trọng rất cao địa cục quan hệ Trung-Việt, đảng và chính phủ Trung Quốc điều ông Trì đến để bàn với Việt Nam cách thức xử lý thỏa đáng tình hình trên biển hiện nay, thúc đẩy quan hệ song phương sớm quay trở lại quỹ đạo đúng đắn, tiếp tục phát triển.

Ông Trì nhắc lại “lập trường nguyên tắc” của Trung Quốc và cho rằng, hai bên cần dựa vào thái độ “có trách nhiệm đối với lịch sử và nhân dân hai nước”, giải quyết “thỏa đáng” vấn đề trên biển, cùng bảo vệ “đại cục” quan hệ hai nước. Hai bên cần kiên trì thông qua “trao đổi song phương”, “nhanh chóng ổn định tình hình”. “Hy vọng Việt Nam áp dụng hành động thiết thực, tạo điều kiện cho hai bên hiệp thương giải quyết vấn đề, khôi phục hợp tác bình thường song phương”.

Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Dương Khiết Trì
Ngày 18 tháng 6 năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Dương Khiết Trì
Báo Trung Quốc dẫn lời Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đăng trên báo chí Việt Nam nhấn mạnh: Trong tình hình hiện nay, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc tiến hành trao đổi thẳng thắn, chân thành, xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển, quản lý và kiểm soát tình hình, Việt Nam cũng muốn tiếp tục thực hiện các đồng thuận và thỏa thuận đạt được giữa hai nước, thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.

>> Báo TQ viết gì về chuyến thăm Hà Nội của ông Dương Khiết Trì?

Việt Dũng