Học thuyết quân sự Syria luôn không loại trừ khả năng đối đầu với Mỹ

10/09/2013 06:50
Việt Dũng
(GDVN) - Bài viết giới thiệu về lực lượng vũ trang, học thuyết quân sự, vũ khí hóa học-tên lửa và đối tượng tác chiến của Syria...
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Quân đội Syria
Tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud của Quân đội Syria

Những năm gần đây, thế giới Ả rập đã bùng nổ phong trào phản kháng quy mô lớn của người dân gây ảnh hưởng đến tất cả các nước, các "cuộc khởi nghĩa của người Ả rập trong thế kỷ 21" khiến cho Tổng thống Tunisia phải sống lưu vong, Tổng thống Ai Cập bị lật đổ và bị xét xử, gây ra chiến tranh Libya, hiện lại đến lượt Syria.

Chuyên gia quân sự Ukraine là Andrei Omelchuk căn cứ vào những số liệu thống kê của Cục tình báo trung ương thu thập những năm gần đây, sổ tay quân sự Jane's, các tài liệu nghiên cứu của Viện nghiên cứu Trung Đông/Moscow, Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia Israel, tập san "Bình luận quân sự nước ngoài" của Bộ Quốc phòng Nga, thông tin trên mạng và các tài liệu khác, đã biên soạn thành cuốn sách "Lực lượng vũ trang các nước Cận Đông và Bắc Phi", đã giới thiệu thực lực quân sự của 19 quốc gia Trung Đông trên các phương diện như biên chế, cơ cấu, binh lực và vũ khí các quân chủng, bổ sung nhân viên, huấn luyện chiến đấu, công nghiệp quân sự.

Bài viết này căn cứ và sách báo điện tử trên trang mạng của Viện Khoa học quân sự Nga, trích dẫn phần thực lực quân sự của Syria. Nội dung khái quát như sau:

Lời nói đầu

Syria có vai trò quan trọng và tích cực trong quan hệ quốc tế ở Trung Đông, chủ yếu thúc đẩy thực hiện phương châm ngoại giao độc lập và thận trọng, tìm cách giải phóng cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng, duy trì vai trò quan trọng của mình trong thế giới Ả rập, xây dựng quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với Tây Âu và Mỹ.

Quân đội Syria
Quân đội Syria

Nhưng, giữa Syria và các nước láng giềng tồn tại một số vấn đề nghiêm trọng về chính trị, lãnh thổ, biên giới và kinh tế, phương châm chính trị nỗ lực thúc đẩy thực hiện độc lập tự chủ đã gây ra sự bất mãn cho Mỹ, Israel và một số nước phương Tây, kết quả không ngừng bị phê phán và chỉ trích, bị sức ép bên ngoài mạnh.

Phương Tây chủ yếu chỉ trích Syria ủng hộ tổ chức chủ nghĩa cực đoan khu vực, đặc biệt là phong trào Hamas và Hezbollah của Palestine, tài trợ cho phe đối lập vũ trang Iraq, áp chế tự do dân chủ trong nước, dùng vũ lực trấn áp vũ lực phe đối lập.

Lực lượng vũ trang

Quân đội chính quy - lực lượng vũ trang Syria gồm Lục quân, Không quân, Lực lượng phòng không và Hải quân, tổng cộng 325.000 quân, trong đó, Lục quân có 220.000 quân, Hải quân có 5.000 quân, Không quân có 40.000 quân, Lực lượng phòng không có 60.000 quân. Lực lượng bán quân sự có 180.000 người. Lực lượng dự bị có 314.000 người, trong đó Lục quân có 280.000 người, Hải quân có 4.000 người, Không quân có 10.000 người, Lực lượng phòng không có 20.000 người.

Chức năng của quân đội theo Hiến pháp là bảo vệ toàn vẹn, thống nhất, tự do và chủ nghĩa xã hội của quốc gia. Nhiệm vụ chủ yếu là bảo vệ quốc gia chống sự xâm lược của bên ngoài, thúc đẩy hoạt động ngoại giao, bảo vệ chế độ quốc gia.

Tổng thống Syria thị sát quân đội ở miền nam Damascus (ảnh tư liệu, nguồn Chinanews)
Tổng thống Syria thị sát quân đội ở miền nam Damascus (ảnh tư liệu, nguồn Chinanews)

Tổng thống là tổng tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang, lãnh đạo cơ quan quân chính tối cao quốc gia - Ủy ban an ninh quốc gia, các thành viên khác gồm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, lãnh đạo cơ quan tình báo, khi cần thiết có thể bổ sung các thành viên Chính phủ và lãnh đạo quân sự khác, chủ yếu phụ trách đưa ra phương hướng chính trị, quân sự cơ bản, phối hợp hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan của Nhà nước.

Tổ chức quân sự

Tổng tư lệnh tối cao thông qua Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu lãnh đạo lực lượng vũ trang, trực tiếp chỉ huy Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh các quân chủng và cơ quan trung ương của Bộ Quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng đi lên từ quân nhân, kiêm Phó Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang và Phó Thủ tướng Chính phủ. Bộ Quốc phòng phụ trách lãnh đạo quân đội hàng ngày, vũ khí trang bị, huấn luyện chiến đấu, quản lý cơ quan hành chính quân sự, động viên và tổ chức cho người dân tiến hành huấn luyện quân sự.

Tổng Tham mưu trưởng kiêm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Tư lệnh Lục quân trực tiếp chỉ huy Tư lệnh các quân chủng về tác chiến. Bộ Tổng tham mưu phụ trách chỉ đạo tác chiến các đơn vị, xây dựng kế hoạch quân sự lực lượng, bổ sung nhân viên.

Xe tăng của Quân đội Syria
Xe tăng của Quân đội Syria

Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh các quân chủng, cơ quan quân đoàn và sư đoàn có thiết lập Cục chính trị, cơ quan trung đoàn thiết lập Phòng chính trị, tiểu đoàn có sĩ quan chính trị, nhiệm vụ công tác chính là mở rộng nền tảng của "Đảng Phục hưng" cầm quyền trong quân đội, đặc biệt là trong binh sĩ, nâng cao trình độ huấn luyện nhân viên công tác chính trị, tăng cường vai trò tiên phong của "Đảng Phục hưng" trong củng cố sức chiến đấu của quân đội, hoàn thiện hình thức và phương pháp công tác tổ chức của đảng trong quân đội, tổ chức huấn luyện chính trị và tâm lý cho tất cả các nhân viên, phổ cập tri thức, xóa bỏ mù chữ.

Về hành chính quân sự, cả nước được chia là 6 “đại quân khu” gồm Miền Đông, Damascus, Duyên hải, Miền Bắc, Trung tâm và Miền Nam, lực lượng chủ lực của quân đội được bố trí, triển khai tại tuyến phân giới quân sự Syria-Israel ở khu vực miền nam.

Học thuyết quân sự

Từ đầu thập niên 90, học thuyết quân sự Syria lấy nguyên tắc "phòng ngự chu đáo" hoặc "phản xạ chiến lược" làm nền tảng, xác định nội dung, tính chất và phương hướng xây dựng quân sự quốc gia.

Coi Israel là kẻ thù chính, cho rằng, trong bất cứ tình hình nào, chiến tranh với Israel đều là chiến tranh giải phóng chính nghĩa. Syria còn cân nhắc khả năng nổ ra xung đột vũ trang với các nước láng giềng khác.

Quân đội Syria tiến hành diễn tập chiến đấu thực tế (ảnh tư liệu)
Quân đội Syria tiến hành diễn tập chiến đấu thực tế (ảnh tư liệu)

Học thuyết quân sự cho phép Quân đội Syria tham gia hành động viện trợ cho các nước Ả rập, như chiến tranh vùng Vịnh, thời kỳ chiến tranh Lebanon, nhưng hiện nay khả năng Quân đội Syria sử dụng phương án tương tự rất nhỏ. Sau khi Quân đội Mỹ lật đổ Saddam Hussein, chiếm đóng Iraq vào năm 2003, Syria luôn không loại trừ khả năng đối đầu quân sự với Mỹ.

Yếu tố cơ bản của học thuyết quân sự Syria là chuẩn bị kinh tế cho chiến tranh, xác định nguyên tắc chỉ đạo đấu tranh vũ trang, nghiên cứu tính chất chiến tranh có thể nổ ra, xác định hình thức tổ chức, huấn luyện và sử dụng lực lượng, xác định binh lực, vũ khí sử dụng cho đấu tranh vũ trang, chuẩn bị chiến trường.

Quân đội Syria đặc biệt nhấn mạnh tính cần thiết của xây dựng nền tảng công nghiệp quân sự dân tộc, bảo đảm xây dựng quân sự được tiến hành tự lực cánh sinh tối đa, nhưng do trình độ phát triển kinh tế và khoa học công nghệ của quốc gia tương đối thấp, nhiệm vụ này không thể thực hiện trong tương lai gần.

Hiện nay, nhiệm vụ chính của xây dựng Quân đội Syria là ngăn chặn trình độ sức chiến đấu của lực lượng vũ trang tiếp tục giảm đi, nâng cấp vũ khí trang bị hiện có, cố gắng đổi mới trang bị chiến đấu hiện đại, thúc đẩy xây dựng quân đội và phát triển theo hướng “từ nhân tố số lượng sang nhân tố chất lượng”, đồng thời không loại trừ biên chế trang bị quân sự và vũ khí mới hiệu quả hơn (nhập khẩu của nước ngoài) bên cạnh việc giải trừ quân bị.

Phải duy trì quân đội có năng lực đáp trả sự xâm lược tiềm tàng, giải phóng lãnh thổ bị chiếm đóng, triển khai chiến tranh chống xâm lược trong bất cứ tình huống nào, nhiệm vụ triển vọng trong thời gian tới là tăng mạnh trình độ sẵn sàng chiến đấu cho quân đội.

Máy bay chiến đấu của Quân đội Syria trong một cuộc diễn tập
Máy bay chiến đấu của Quân đội Syria trong một cuộc diễn tập

Xét tới ưu thế quân sự của Israel, chiến lược “phòng ngự chu đáo” của Quân đội Syria yêu cầu phải có “hậu phương chiến lược” có thể chống cự trong thời gian dài.

Các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự Syria cho rằng, hành động này có thể làm suy yếu mạnh hiệu suất đánh chớp nhoáng của Quân đội Israel, dụ địch thâm nhập, cuối cùng bộc lộ điểm yếu, bị tấn công, sĩ khí tan rã, buộc phải đồng ý ngừng bắn.

Một khi nổ ra chiến tranh, Quân đội Syria rất có khả năng, ít nhất sẽ chống cự ngoan cường trong giai đoạn đầu, làm cho Quân đội Israel bị tổn thất rõ rệt về con người.

Bộ Tư lệnh Quân đội Syria cho rằng, phương thức hiệu quả nhất có thể gây ảnh hưởng tới Quân đội Israel là tiến hành tấn công tập trung và liên tục đối với các sân bay của Israel (chủ yếu là sử dụng tên lửa), xóa bỏ một phần ưu thế trên không của kẻ thù, tiêu diệt (làm tê liệt) máy bay với số lượng tương đối của Quân đội Israel, phá hoại hạ tầng cơ sở ở các sân bay của Israel.

Quân đội Syria sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt tự sản xuất (vũ khí hóa học) và phương tiện sử dụng chúng, coi đó là biện pháp thực tế chống lại tiềm lực hạt nhân của Quân đội Israel. Syria cho rằng, trong điều kiện Israel sở hữu vũ khí hạt nhân và ưu thế phổ biến của vũ khí thông thường, các nước Ả rập có quyền sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để ngăn chặn.

Hơn nữa, Syria cho rằng, vũ khí hóa học mang tính phòng ngự, chỉ sử dụng khi Quân đội Israel tiến hành xâm lược quy mô lớn.

Vũ khí hóa học (ảnh minh họa)
Vũ khí hóa học (ảnh minh họa)

Hiện nay, Quân đội Syria hoàn toàn không muốn xảy ra chiến tranh với Israel, Mỹ, cũng không sẵn sàng ứng phó với cuộc chiến tranh này.

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự Syria đã ý thức được đầy đủ rằng, một khi xảy ra xung đột quân sự quy mô lớn với Quân đội Israel, có thể gây ra hậu quả mang tính thảm họa đối với Quân đội, Nhà nước và chính quyền hiện nay của Syria.

Vũ khí hóa học

Quân đội Syria sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất Trung Đông, coi đây là một thủ đoạn quan trọng, muốn sử dụng nó để bảo đảm ưu thế chiến lược trước Israel.

Chương trình sản xuất vũ khí hóa học của Syria có thể truy ngược tới thập niên 70, đã được sự trợ giúp tích cực của các công ty Tây Âu, chủ yếu là Pháp và Đức, trọng điểm dựa vào hệ thống công nghiệp quân sự công nghệ lưỡng dụng (quân dụng-dân dụng), khu vực nhà máy tập trung ở Damascus, Homs, Hama và Aleppo.

Chương trình này chủ yếu sản xuất khí độc sarin, khí độc mù tạt (chất độc làm thối da) và khí độc phốt pho hữu cơ (chất độc làm tê liệt thần kinh), mỗi năm sản xuất vài trăm tấn, đồng thời dự trữ rất nhiều. Phương tiện chủ yếu sử dụng vũ khí hóa học của Syria là tên lửa Scud và đầu đạn đặc chủng được sử dụng cho bom hàng không, theo các dự đoán khác nhau, nhiều nhất có 1.000 quả bom hàng không và khoảng 100 quả tên lửa Scud.

Syria cũng quan tâm tới nghiên cứu chế tạo vũ khí sinh học, nhưng rõ ràng còn chưa đạt tới trình độ có thể sản xuất.

Vũ khí hóa học có khả năng gây thương vong quy mô lớn
Vũ khí hóa học có khả năng gây thương vong quy mô lớn

Chương trình nghiên cứu vũ khí hạt nhân nằm ở trạng thái manh nha, thiếu chuyên gia, nền tảng công nghệ yếu, tài chính quốc gia không gánh nổi.

Trước đây từng có thông tin cho rằng Syria muốn nhập khẩu lò phản ứng hạt nhân sử dụng cho nghiên cứu khoa học của Nga (24 megawatt), Trung Quốc (27 megawatt) hoặc Argentina (3 megawatt), nhưng các giao dịch có liên quan đều chưa thể thành công.

Vũ khí tên lửa

Quân đội Syria sở hữu kho vũ khí tên lửa đạn đạo lớn nhất trong các nước Ả rập, được học thuyết quân sự coi là nhân tố quan trọng nhất có thể thực hiện cân bằng chiến lược với Quân đội Israel. Những tên lửa này có thể lắp đầu đạn vũ khí hóa học, là sự phản ứng tương đối có hiệu quả kinh tế trước chương trình hạt nhân của Israel.

Quân đội Syria hiện trang bị tên lửa chiến thuật, chiến dịch dòng SS-1C Scud-B, SS-1D Scud-C, SS-1E Scud-D và tên lửa chiến thuật Tochka (SS-21), Luna-M (Луна-M). Tất cả những tên lửa này đều là vũ khí được Liên Xô cung ứng trước giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, vấn đề chính hiện nay là tương đối cũ kỹ (thời gian hoạt động là 20-30 năm), bảo trì kỹ thuật tạm chấp nhận được.

Tên lửa chiến thuật Tochka (SS-21) do Nga chế tạo (ảnh minh họa)
Tên lửa chiến thuật Tochka (SS-21) do Nga chế tạo (ảnh minh họa)

Gần đây, Syria tương đối quan tâm tới việc nhập khẩu tên lửa Iskander (SS-26, tầm phóng 280 km, đầu đạn nặng 480 kg), nhưng không có khả năng đạt được thỏa thuận.

Quân đội Syria còn đang tìm kiếm các kênh thay thế khác để đổi mới tên lửa chiến thuật, chiến dịch, năm 1989 đàm phán với CHDCND Triều Tiên mua sắm tên lửa SS-1D, năm 1991 sử dụng tài chính tham gia chiến tranh vùng Vịnh do Ả rập Xê út cung cấp để mua 150 quả tên lửa SS-1D và khoảng 20 thiết bị phóng của CHDCND Triều Tiên, từ năm 1992 (hoặc năm 1996) bắt đầu bàn giao, dự đoán đã bàn giao 60-120 quả tên lửa.

Quân đội Syria hy vọng nhập khẩu tên lửa có tầm bắn từ 600 km trở lên, bảo đảm phá hủy bất cứ mục tiêu nào trong lãnh thổ Israel. Syria muốn ký kết hợp đồng nhập khẩu tên lửa M-9 (tầm phóng 600 km, đầu đạn nặng 500 kg) của Trung Quốc.

Loại tên lửa này có tính năng tiên tiến, hơn nữa nó sử dụng nhiên liệu rắn, khác với tên lửa Scud sử dụng nhiên liệu lỏng. Nhưng, dưới sức ép mạnh của Mỹ, Trung Quốc buộc phải từ bỏ giao dịch này.

Hiện nay, Syria đang nỗ lực hợp tác với Iran, CHDCND Triều Tiên, thậm chí với các công ty của Nga và Trung Quốc để tự sản xuất tên lửa. Hiện đang xây dựng 2 doanh nghiệp sản xuất động cơ tên lửa ở thành phố Hama và Aleppo dưới sự giúp đỡ của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, một doanh nghiệp sản xuất động cơ nhiên liệu lỏng, một doanh nghiệp sản xuất động cơ nhiên liệu rắn.

Ngoài ra, Syria còn đang hợp tác với Iran, cải tạo tên lửa Scud, nâng cấp nó thành Scud-C. Do thiếu nền tảng công nghệ và sản xuất có liên quan, cộng với tài chính có hạn, kế hoạch tự sản xuất tên lửa của Quân đội Syria bị ảnh hưởng tương đối lớn.

Quân đội Syria sở hữu tên lửa chiến thuật SS-21 do Nga chế tạo từ thập niên 1980.
Quân đội Syria sở hữu tên lửa chiến thuật SS-21 do Nga chế tạo từ thập niên 1980.
* Đề nghị không sao chép, tái xuất bản với mục đích thương mại dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của báo GDVN. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Việt Dũng