Hợp tác quân sự Trung-Nga tái hiện thời kỳ hoàng kim?

16/11/2013 09:34
Đông Bình
(GDVN) - Hiện nay, hợp tác quân sự Trung-Nga rất "nồng ấm" với nhiều hứa hẹn xuất khẩu cho Trung Quốc các vũ khí trang bị hiện đại.
Máy bay trực thăng Mi-17B-7 của Lực lượng hàng không Lục quân Trung Quốc, mua của Nga
Máy bay trực thăng Mi-17B-7 của Lực lượng hàng không Lục quân Trung Quốc, mua của Nga

Mạng tuần báo "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga ngày 12 tháng 11 cho biết, rất nhiều nhân tố quân sự, chính trị đan xen lẫn nhau liên quan đến việc làm cho Nga và Trung Quốc ngày càng gần gũi trong lĩnh vực chính trị và kinh tế quốc tế, điều này đang thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự song phương mạnh mẽ trở lại.

Việc Nga xuất khẩu vũ khí trang bị cho Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định, đạt mức tương đương với "thời đại hoàng kim" mua bán vũ khí của hai nước, (từ thập niên 90 của thế kỷ trước đến mấy năm đầu của thế kỷ này), đồng thời có cơ hội xác lập kỷ lục hợp đồng mua bán trong vài năm tới, tính từ khi Liên Xô tan rã đến nay.

Báo Nga cho rằng, các số liệu hiện có cho thấy, năm 2011, Nga xuất khẩu sản phẩm quân dụng cho Trung Quốc vượt 1,9 tỷ USD, năm 2012 cũng tăng trưởng. Ban lãnh đạo Công ty xuất khẩu hàng hóa quốc phòng Nga cho biết, trong hợp đồng tổng trị giá 17,6 tỷ USD mới ký, phần (mức) của Trung Quốc là 12%, nghĩa là, hai bên đã ký đơn hàng mới trị giá trên 2,1 tỷ USD.

Hiện  nay, tổng trị giá hợp đồng có nội dung cụ thể đã biết của hai bên là 1,3 tỷ USD, trong đó có 600 triệu USD đến từ xuất khẩu 52 máy bay trực thăng đa năng Mi-171E, 700 triệu USD xuất khẩu 140 động cơ hàng không AL-31F, sẽ lắp cho máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 của Trung Quốc, và lắp cho các máy bay chiến đấu J-11B/BS, J-15 và J-166 do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.

Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Trung Quốc, mua của Nga
Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Trung Quốc, mua của Nga

Trong 10 năm qua và những năm tới, xuất khẩu động cơ hàng không cho Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Mặc dù các nhà chế tạo hàng không Trung Quốc đã cố gắng rất nhiều, nhưng việc chế tạo động cơ máy bay của họ vẫn là khâu yếu nhất của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc.

Hiện nay, trong các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư do Trung Quốc chế tạo, tất cả 3 loại máy bay chiến đấu chủ yếu đều sử dụng động cơ do Nga chế tạo như: máy bay chiến đấu J-11B sử dụng động cơ AL-31F, máy bay chiến đấu J-10 sử dụng động cơ AL-31FN, còn máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long sử dụng động cơ RD-93.

Điều cần bổ sung là, máy  bay ném bom trang bị tên lửa hành trình tầm xa mới nhất H-6K của Trung Quốc cũng đã sử dụng động cơ phản lực D-30KP2. Động cơ này cũng được lắp cho máy bay vận tải chiến lược hạng nặng đầu tiên Y-20 do Trung Quốc tự nghiên cứ chế tạo. Năm 2009 và năm 2011, Trung Quốc ký kết hợp đồng, đã mua 239 động cơ D-30KP2 của Nga, hiện nay hàng này vẫn sẽ tiếp tục được cung cấp.

Động cơ hàng không AL-31FN do Nga chế tạo.
Động cơ hàng không AL-31FN do Nga chế tạo.

Đồng thời, hai loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 và J-31 của Trung Quốc đang nằm trong giai đoạn bay thử, vì vậy Trung Quốc đã cho biết họ quan tâm đến việc mua động cơ thế hệ mới do Nga sản xuất, gồm có động cơ 117S trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35 Nga.

Theo bài báo, hợp tác nghiên cứu và phát triển hoặc tiến hành công tác nghiên cứu phát triển tại Nga theo nhu cầu của Trung Quốc là phương hướng hợp tác lâu dài của Nga-Trung. Loại hợp tác này đã được được rất nhiều thành quả, đã cho ra đời rất nhiều vũ khí trang bị quan trọng của Trung Quốc.

Cụ thể như: tên lửa không đối không Tịch Lịch-12 (PL-12), tên lửa phòng không Hồng Kỳ-16 (HQ-16), máy bay huấn luyện L-15, máy bay trực thăng vũ trang WZ-10, máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long (JF-17 Thunder), tàu hộ vệ Project 054A. Công ty xuất khẩu hàng hóa quốc phòng Nga cho biết, những đề nghị hợp tác nghiên cứu phát triển đến từ Trung Quốc còn đang tăng lên.

Cuối cùng, vài hệ thống vũ khí do Nga chế tạo, vốn đã giảm kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây, có triển vọng gia tăng lượng cung ứng cho Trung Quốc trong tương lai. Hiện nay, Nga-Trung Quốc đang đàm phán hoặc thực hiện một số hợp đồng dưới đây:

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga

1. Xuất khẩu cho Trung Quốc 24 máy bay tiêm kích Su-35.

Năm 2012, hai nước đã ký bản ghi nhớ, hiện đang đàm phán chi tiết hợp đồng. Hợp đồng dự kiến ký kết vào cuối năm nay (2013) hoặc đầu năm tới (2014). Nga bán máy bay chiến đấu cho Trung Quốc sẽ không kèm theo chuyển nhượng công nghệ.

Mặc dù lượng cung ứng máy bay Su-35 không lớn, nhưng một loạt tính năng ưu việt của máy bay chiến đấu Su-35, đặc biệt là hệ thống điện tử vô tuyến điện mới mạnh, có thể tăng cường rất lớn cho Trung Quốc năng lực ứng phó với các cuộc khủng hoảng khu vực điểm nóng như đảo Senkaku và Đài Loan.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga

2. Xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc.

Hai nước Nga-Trung đang tiếp tục đàm phán về vấn đề này. Thời gian cung cấp tên lửa cụ thể còn chưa rõ, trước đây từng có tin cho biết, thời gian sẽ được xác định dựa trên cơ sở xem xét tình hình doanh nghiệp công nghiệp quân sự Nga hoàn thành đơn đặt hàng cho không quân Nga. Trung Quốc quan tâm đến tên lửa hạng nặng tầm phóng khoảng 400 km. Tên lửa S-400 triển khai trên lãnh thổ Trung Quốc có thể đưa Đài Loan và đảo Senkaku vào tầm bắn.

Máy bay vận tải hạng nặng tầm xa IL-476 (còn gọi là IL-76MD-90A) của Nga bay thử lần đầu tiên.
Máy bay vận tải hạng nặng tầm xa IL-476 (còn gọi là IL-76MD-90A) của Nga bay thử lần đầu tiên.

3. Xuất khẩu 34 máy bay vận tải quân dụng hạng nặng IL-76MD-90A cho Trung Quốc.

Trung Quốc còn phải nỗ lực một khoảng thời gian nữa mới có thể sản xuất hàng loạt máy bay vận tải cỡ lớn Y-20. Trung Quốc dốc sức vào khẩn trương tăng cường lực lượng vận tải quân sự chiến lược. Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, không quân nước này hiện nay còn có nhu cầu 100 chiếc máy bay vận tải hạng nặng.

Tàu ngầm động cơ thông thường Project 677 lớp Amur (Lada) do Nga chế tạo.
Tàu ngầm động cơ thông thường Project 677 lớp Amur (Lada) do Nga chế tạo.

4. Bán và trao quyền cho Trung Quốc tự lắp ráp tàu ngầm động cơ thông thường Project 677.

Hai bên đã ký bản ghi nhớ có liên quan, đang tiến hành đàm phán hợp đồng. Các loại dấu hiệu cho thấy, sự quan tâm của Trung Quốc đối với tàu ngầm mới có liên quan đến sự xấu đi của quan hệ Trung-Nhật, Bắc Kinh muốn có tàu chiến mới có khả năng đối phó được hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh và hiệu quả cao của Nhật Bản.

Bài báo kết luận, cho rằng, việc thực hiện cuối cùng bất cứ hợp đồng nào nói trên đều sẽ là một bước nhảy mới trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung.


Động cơ D-30KP2 do Nga chế tạo, trang bị cho máy bay ném bom chiến lược H-6K và máy bay vận tải hạng nặng Y-20 của Trung Quốc
Động cơ D-30KP2 do Nga chế tạo, trang bị cho máy bay ném bom chiến lược H-6K và máy bay vận tải hạng nặng Y-20 của Trung Quốc
Động cơ 117S do Nga chế tạo, trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Động cơ 117S do Nga chế tạo, trang bị cho máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 Trung Quốc
Máy bay vận tải chiến lược Y-20 Trung Quốc bay thử
Máy bay vận tải chiến lược Y-20 Trung Quốc bay thử
Đông Bình