Indonesia muốn có năng lực quốc phòng mạnh nhất khu vực

16/03/2012 07:59
Trịnh Tuân (Theo militaryparitet, bikyamasr)
(GDVN) - Indonesia đã đưa ra một kế hoạch hiện đại hóa quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng đầy tham vọng.

Indonesia đã đưa ra một kế hoạch hiện đại hóa quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng đầy tham vọng và theo các nhà phân tích quân sự, nó có thể thay đổi sự cân bằng chiến lược khu vực.

Sau nhiều năm thiếu vốn, Bộ Quốc phòng Indonesia đã bắt đầu mua sắm trang thiết bị quân sự và liên doanh với các công ty nước ngoài để sản xuất vũ khí, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng, tướng Hartind Asrin cho biết.

"Bây giờ chúng tôi có tiền để mua thêm vũ khí" Asrin nói. “Năng lực quân sự của chúng tôi đủ sức để có thể thực hiện được các mục tiêu này, và chúng tôi đã bỏ xa các nước khác trong khu vực."

Trong hơn 30 năm cai trị của Tổng thống Suharto (1967 đến 1998), quân đội Indonesia đã từng bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Sau khi Suharto từ chức vào năm 1998, Indonesia đã tiến hành cải cách quân sự, nhưng những nỗ lực để hiện đại hóa lại bị ràng buộc bởi nguồn ngân sách quân sự hạn hẹp do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.

Hiện tại tăng trưởng kinh tế của Indonesia hơn 6% mỗi năm. Trong giai đoạn 2011-2014, Chính phủ có kế hoạch chi 156 nghìn tỷ rupiah (17 tỉ đôla) cho việc mua các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự như máy bay chiến đấu, tàu ngầm và xe tăng. Năm nay, Bộ quốc phòng sẽ được cấp 74 tỷ rupiah cho việc này.

"Chiến lược lớn của chúng tôi đi kèm với việc mua các thiết bị quân sự để chuyển giao công nghệ và hợp tác sản xuất," Asrin nói.

Trong những năm gần đây, Indonesia đã ký kết nhiều hợp đồng mua vũ khí với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Đức, Hàn…để phục vụ sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội nước này.

Siêu tăng Leopard 2A6
Siêu tăng Leopard 2A6

Mua 100 tăng chủ lực Leopard 2A6

Đầu năm nay, Indonesia đã xem xét khả năng mua xe tăng chủ lực Leopard 2A6 từ biên chế của quân đội Hà Lan, Jane’s Defence Weekly dẫn lời đại diện Cục Mua sắm, Bộ Quốc phòng Indonesia cho hay.

Hợp đồng có thể này dự định mua đến 100 xe tăng chủ lực mà quân đội Hà Lan loại bỏ vào tháng 5.2011 theo kế hoạch cắt giảm trang bị được chính phủ Hà Lan thông qua tháng 4.2011.

Trước đó, Indonesia đã xem xét mua lại tăng Leopard 2 của quân đội Đức hoặc mua xe tăng mới của hãng Krauss-Maffei Wegmann. Indonesia coi mua tăng chủ lực là một trong những ưu tiên chính hiện đại hóa quân đội nước này.

Mua thêm 6 máy bay Su-30MK2 của Nga

Đầu tháng 01 năm 2012, hãng Rosoboronexport Nga và Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký một hợp đồng trị giá 470 triệu đôla về việc mua 6 máy bay chiến đấu Su-30MK2.

Đây được cho là hợp đồng lớn nhất trong lịch sử hợp tác quân sự-kỹ thuật giữa Nga và Indonesia. Hiện không quân Indonesia có 10 máy bay chiến đấu Su, gồm 5 chiếc Su-27SKM và 5 chiếc Su-30MK2.

Tiêm kích Su-30MK2
Tiêm kích Su-30MK2

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Sjafrie Sjamsuddin cho biết rằng thương vụ mua vũ khí này nhằm mục đích tăng cường số lượng máy bay Sukhoi đang hoạt động của Indonesia lên thành một phi đội.

Ký với Mỹ hợp đồng cung cấp 24 tiêm kích F-16

Bộ Quốc phòng Indonesia đã yêu cầu Mỹ phục hồi, nâng cấp và chuyển giao cho Không quân Indonesia 24 máy bay F-16 C/D Block 25 và 28 động cơ F100-PW-200 hoặc động cơ F100-PW-200E.

Việc nâng cấp sẽ bao gồm những thành phần và hệ thống quan trọng của máy bay như: Máy phóng tên lửa LAU-129A/A, radar thu nhận cảnh báo ALR-69, máy vô tuyến ARC-164/186, nâng cấp hệ thống điều khiển bắn, các modun máy tính xử lý, hệ thống quản lý chiến trường điện tử ALQ-213, hệ thống đối phó điện tử ALE-47...

Đây được xem là thương vụ chuyển giao công nghệ quân sự lớn nhất trong lịch sử quan hệ Mỹ-Indonesia.

Mua 16 máy bay huấn luyện Golden Eagle

Tháng 5 năm 2011, Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký hợp đồng mua 16 máy bay huấn luyện T-50 Golden Eagle với công ty Korea Aerosapce Industries (KAI) của Hàn Quốc. Tổng trị giá của hợp đồng nêu trên đạt 400 triệu đôla. Dự kiến, việc chuyển giao các máy bay T-50 mới cho phía Indonesia sẽ hoàn thành vào năm 2013.

Trong biên chế không quân Indonesia, T-50 sẽ thay thế cho các đơn vị máy bay huấn luyện BAE Hawk Mk.53 cũ. Ngoài ra, không quân quốc gia Đông Nam Á này còn dự kiến sử dụng T-50 với vai trò chiến đấu cơ hạng nhẹ.

Máy bay huấn luyện Golden Eagle
Máy bay huấn luyện Golden Eagle

Hợp đồng mua 3 tàu ngầm diesel của Hàn Quốc trị giá 1,1 tỉ đôla

Công ty đóng tàu Hàn Quốc Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) đã nhận hợp đồng đóng mới 3 tàu ngầm diesel-điện mới cho Indonesia từ Bộ Quốc phòng nước này.

Theo hãng thông tấn Yonhap, tổng giá trị của hợp đồng nói trên đạt 1,3 tỉ won (1,1 tỉ đôla) và việc chuyển giao các tàu ngầm mới cho phía Indonesia sẽ được thực hiện từ giữa năm 2018.

Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Mohammad Hidayat cho biết rằng trong tương lai chính phủ sẽ chi 30% ngân sách cho việc mua sắm vũ khí từ các nhà sản xuất trong nước.

"Công nghiệp quốc phòng có thể thu hút hơn 1.000.000 nhân lực," ông nói. "Tôi hy vọng rằng ngành công nghiệp quân sự có thể trở nên mạnh mẽ trong vòng ba năm tới."

"Tôi không nghĩ rằng đây là một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực", nhà phân tích quân sự Salim Said nhận định.

"Trong nhiều năm, quân đội Indonesia dường như đã bị thế giới “lãng quên”, bởi vì chúng tôi không có tiền, và bay giờ chúng tôi đang cố gắng để bắt kịp với xu thế trong khu vực và trên thế giới", ông nói.

“Indonesia cần nguồn thiết bị quân sự từ nhiều nước khác nhau, vì thế mà chúng tôi không muốn “trông cậy” vào một quốc gia nào như đã từng trải qua kinh nghiệm "cay đắng" của lệnh cấm vận của Hoa Kỳ về mua bán vũ khí.", Salim cho biết.

Indonesia đã đưa ra một kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng
Indonesia đã đưa ra một kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng

Năm 1999, cuộc xung đột do các toán dân quân thân Jakarta với sự hỗ trợ của quân đội Indonesia làm 1.400 người chết, và phá hủy gần 80% hạ tầng cơ sở của Đông Timor đã khiến cho những kế hoạch hiện đại hóa quân đội của nước này tan vỡ.

Mỹ và nhiều nước châu Âu đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, kinh tế, quân sự và áp đặt lệnh cấm vận đối với nước này. Lệnh cấm vận đã làm hạn chế khả năng mua sắm các trang thiết bị quân sự và thiết bị ở thị trường bên ngoài của Indonesia.

Năm 2005, khi Chính phủ Indonesia và lãnh đạo nhóm nổi dậy “Acher tự do” ký thảo hiệp hoà bình, Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho nước này.

Nhờ vậy, quân đội Indonesia có những bước tiến mạnh mẽ và vững chắc. Nhiều bản hợp đồng quân sự với nước ngoài đã được thực hiện. Indonesia đã tăng cường sức mạnh cho Quân đội nước này thông qua các bản hợp đồng cung cấp các chiến đấu cơ, máy bay trực thăng hạng nặng, chiến hạm, xe tăng… từ các cường quốc trên thế giới.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Indonesia, tướng Hartind Asrin nói rằng Indonesia với tiềm lực quân sự hùng hậu và dân số 240 triệu người sẽ không bao giờ đe dọa các quốc gia khác.

"Chúng tôi là một nước lớn, nhưng chúng tôi sẽ là bạn với tất cả," ông nói. "Láng giềng của chúng tôi sẽ cảm thấy rất hạnh phúc nếu Indonesia mạnh lên vì Indonesia luôn được xem là người lãnh đạo của khu vực Đông Nam Á."

Trịnh Tuân (Theo militaryparitet, bikyamasr)