Indonesia sẽ “về nhất” trong cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á?

13/12/2012 08:12
Đông Bình
(GDVN) - Hai năm gần đây, Indonesia đã ký một loạt hợp đồng khổng lồ, mua sắm rất nhiều vũ khí trang bị cho không quân, hải quân và lục quân
Tàu chiến Indonesia trang bị tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc
Tàu chiến Indonesia trang bị tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc

Ngày 12/12, tuần san “Người đưa tin công nghiệp quân sự” Nga có bài viết cho rằng, Indonesia, nước trước đây chưa từng trở thành “ngôi sao” của thị trường vũ khí thế giới, hai năm gần đây đã ký một loạt hợp đồng khổng lồ, mua sắm rất nhiều vũ khí trang bị cho không quân, hải quân và lục quân.

Nhưng, sức mạnh quân sự liên tục tăng cường của Indonesia có lẽ hoàn toàn không chỉ là nhằm vào Trung Quốc, Mỹ triển khai lính thủy đánh bộ ở Australia có thể cũng là một nhân tố kích thích mạnh mẽ.

Báo Nga cho rằng, trong bối cảnh Malaysia và Thái Lan giảm mua sắm vũ khí, Indonesia có thể trở thành nước lớn nhập khẩu vũ khí số 1 tiềm tàng ở khu vực Đông Nam Á, sức hấp dẫn của một thị trường không ngừng tăng trưởng của Indonesia đã được thừa nhận tại Triển lãm vũ khí thế giới “Quốc phòng Indonesia-2012” tổ chức tại Jakarta vào đầu tháng 10/2012.

Đến nay, Indonesia vẫn là một trong những nước có mức độ quân sự hóa thấp nhất, chi tiêu quân sự năm 2012 là 7,3 tỷ USD, chỉ chiếm 0,77% GDP của nước này. Đối với một nước có GDP đạt 950 tỷ USD, đây không phải là một con số gây ấn tượng sâu sắc, hơn nữa trong tất cả chi tiêu quân sự, chi tiêu cho mua sắm vũ khí khoảng 2,8 tỷ USD.

Năm 2011, Indonesia mua 16 máy bay huấn luyện cao cấp T-50 Hàn Quốc
Năm 2011, Indonesia mua 16 máy bay huấn luyện cao cấp T-50 Hàn Quốc

Nhưng, nếu nhìn lại và quan sát các hoạt động xây dựng quân sự của Indonesia, đặc biệt là triển vọng phát triển của các động thái, có thể thấy, 10 năm trước, do hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính và chính trị, cùng với thiên tai, ngân sách quốc phòng có hạn, Indonesia không thể mở rộng chi tiêu quân sự, con số khi đó chỉ bằng 1/9 hiện nay. Nếu năm 2000 chỉ khoảng 1 tỷ USD, thì năm 2012 đã tăng mạnh tới 7,1-7,3 tỷ USD.

Nhưng, điều thực sự đáng quan tâm là triển vọng của thị trường Indonesia, do Indonesia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. GDP của Indonesia đứng thứ 18 trên thế giới, dự kiến từ 900-950 tỷ USD, sức mua thực tế đứng thứ 15 thế giới.

Căn cứ vào dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong tương lai mỗi năm Indonesia sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng 6,2-6,8%, đến năm 2017 GDP sẽ đạt 1.800 tỷ USD tính theo sức mua, đến năm 2030 sẽ trở thành nền kinh tế thứ 6-8 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Brazil.

Dự đoán này đủ để trở thành lý do để tất cả các nước hiện quan tâm nghiêm túc hơn đến việc phát triển quan hệ kinh tế thương mại với Indonesia. Cùng với sự phát triển kinh tế, chi tiêu quân sự của Indonesia cũng sẽ tiếp tục gia tăng, Indonesia có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng hàng năm 20% trong tương lai không gần, đến năm 2014-2015 sẽ đạt 10 tỷ USD (tượng trưng), chiếm 1% GDP.

Máy bay cường kính hạng nhẹ Super Tucano của Brazil, Indonesia đã mua 16 chiếc
Máy bay cường kính hạng nhẹ Super Tucano của Brazil, Indonesia đã mua 16 chiếc

Theo báo Nga, tăng trưởng quân sự liên tục của Indonesia không chỉ có liên quan đến sự phát triển kinh tế nhanh chóng, mà còn có liên quan tới việc tái cân nhắc mối đe dọa quân sự hiện nay.

Về truyền thống, Indonesia xây dựng quốc phòng có tính toán đến các động thái quân sự của Malaysia, đặc biệt là Australia, đồng thời ngày càng lo ngại sự tăng trưởng nhanh chóng về sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Nhưng, sự thúc đẩy mạnh mẽ nhất gần đây đối với giới tinh hoa chính trị, quân sự Indonesia, mặc dù không được bàn luận công khai, nhưng có thể là Mỹ triển khai lực lượng lính thủy đánh bộ ở cảng Darwin, Australia, với kế hoạch tăng lên tới 2.500 quân vào năm 2017.

Mặc dù ở bề ngoài lính thủy đánh bộ đóng tại Australia được tiến hành trong khuôn khổ chiến lược quân sự mới của Mỹ, mục đích là chuyển lực lượng quân sự chủ yếu từ khu vực châu Âu-Đại Tây Dương tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ứng phó với cuộc cạnh tranh/chạy đua quân sự Trung-Mỹ liên tục tăng cường.

Nhưng, các nhà chính trị Indonesia cho rằng, để ngăn chặn Trung Quốc, người Mỹ trước tiên tăng cường không quân và cụm chiến đấu hải quân, việc triển khai lính thủy đánh bộ (lực lượng có tính chất can thiệp vũ trang) ở Australia – nơi tương đối gần Indonesia, là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Indonesia.

Indonesia đã mua máy bay huấn luyện Grob G do Đức sản xuất.
Indonesia đã mua máy bay huấn luyện Grob G do Đức sản xuất.

Nếu tình hình chính trị nội bộ Indonesia xuất hiện mâu thuẫn gay gắt với bất kỳ hình thức nào, từ cuộc đấu tranh dân chủ được chỉ đạo từ bên ngoài đến việc xuất hiện sào huyệt chủ nghĩa ly khai mới, mối đe dọa của lính thủy đánh bộ Mỹ đều có thể trở nên tương đối nguy cấp.

Quân đội vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự ổn định của Indonesia, quan hệ văn hóa, chủng tộc và tôn giáo ở Indonesia vô cùng phức tạp, một mặt vừa là cội nguồn phát triển đất nước, mặt khác lại có các loại mâu thuẫn và rủi ro.

Bất cứ thế lực ly khai nào đều đặc biệt nguy hiểm đối với Indonesia; đặc biệt trước đây, do sức ép chính trị, quân sự từ phương Tây, Indonesia đã để mất đi Đông Timor. Vì vậy, Indonesia rất nhạy cảm với chủ nghĩa ly khai, luôn coi quân đội là công cụ quan trọng nhất để ngăn chặn các xu hướng tương tự.

Đương nhiên, nguyên nhân chính tăng cường sức mạnh quân sự của Indonesia là có liên quan tới sự tăng trưởng tổng thể của công nghệ, công nghiệp và kinh tế đất nước, cũng như sự tăng cường về khả năng tài chính.

Thực tiễn lịch sử chứng minh, sau khi đạt được các thành tựu về kinh tế, thông thường sẽ kéo theo làm gia tăng tham vọng về chính trị, quân sự. Huống hồ, Indonesia còn còn thể tìm được nhiều kiểu loại lý do về dân số và địa lý.

Indonesia tham gia chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm KFX của Hàn Quốc.
Indonesia tham gia chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm KFX của Hàn Quốc.

Báo Nga cho rằng, người được lợi nhất từ việc Indonesia tăng lớn ngân sách quốc phòng chính là không quân nước này, năm nay chi khoảng hơn 2 tỷ USD để duy trì và phát triển không quân.

Năm 2011, Indonesia đã mua 16 máy bay huấn luyện T-50 Golden Eagle của Hàn Quốc (400 triệu USD), 9 máy bay vận tải hạng nhẹ C925 (325 triệu USD), do bộ phận quân sự của hãng Airbus và Công ty hàng không vũ trụ quốc gia Indonesia (PT Dirgantara) hợp tác sản xuất.

Indonesia còn mua 16 máy bay cường kích chống nổi dậy hạng nhẹ Super Tucano của Brazil, hợp đồng đầu tiên mua 8 chiếc được ký năm 2010. Tháng 8/2012, sử dụng quyền mua ưu tiên, lại mua thêm 8 chiếc. Ngoài ra, Indonesia cũng đã mua máy bay huấn luyện ban đầu Grob G của Đức.

Đồng thời, vào năm 2010, Indonesia còn trở thành đối tác hợp tác máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm tương lai KF-X của Hàn Quốc, chương trình dự kiến có trị giá 5 tỷ USD, trong đó Indonesia sẽ bỏ ra 1/5 số vốn, nhưng hiện còn đang bàn về vấn đề tham gia vào chương trình này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù chương trình này xem ra tạm thời sẽ không tạo ra mối đe dọa cho vị thế của các cường quốc truyền thống thị trường hàng không quân sự, nhưng nếu Indonesia có thể trở thành đối tác của chương trình nghiên cứu phát triển máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm PAKFA/FGFA giữa Nga-Ấn đương nhiên sẽ tốt hơn.

Ấn Độ hợp tác với Nga chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm
Ấn Độ hợp tác với Nga chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm

Chương trình mua sắm quan trọng nhất của Hải quân Indonesia là hợp đồng nhập khẩu 3 tàu ngầm Type 209 ký năm 2011, trị giá 1,1 tỷ USD. Tàu ngầm Hàn Quốc đã chiến thắng tất cả các đối thủ cạnh tranh, gồm cả tàu ngầm diesel Type 636 của Nga.

Những năm gần đây, Hàn Quốc và Indonesia đã hình thành mối quan hệ đối tác công nghiệp và chính trị rất đặc biệt, tại Indonesia hiện có hơn 50.000 người Hàn Quốc thường trú, đa số là người làm ăn buôn bán, trên thực tế tất cả các lĩnh vực kinh tế của Indonesia đều có sự tham gia của người Hàn Quốc.

Chính là do vị thế, ưu thế này đã giúp Hàn Quốc giành được hợp đồng tàu ngầm của Indonesia, chứ không phải là ưu thế công nghệ của tàu ngầm Type 209 đã cũ.

Tuy nhiên, tính chắc chắn của chương trình này cũng còn phải xem xét, bởi vì tàu ngầm Hàn Quốc được sản xuất theo giấy phép công nghệ của Đức, việc phối hợp với Đức về vấn đề pháp lý và chính trị có liên quan đến giấy phép sản xuất sẽ làm chậm trễ tiến độ chương trình, tăng giá thành sản phẩm.

Đương nhiên, kế hoạch tương lai của Hải quân Indonesia hoàn toàn không chỉ giới hạn ở việc mua sắm 3 tàu ngầm, hơn nữa chuẩn bị tăng số lượng này lên 12 chiếc trước năm 2024.

Tàu ngầm Type-209 do Hàn Quốc chế tạo
Tàu ngầm Type-209 do Hàn Quốc chế tạo

Trước đó, Malaysia mua 2 tàu ngầm thông thường Scorpene của Pháp, Việt Nam mua 6 tàu ngầm diesel Type 636 của Nga, hiện nay ý đồ mua tàu ngầm của Indonesia tỏ ra rất hợp lý, về tổng thể, cũng đã chứng minh cuộc chạy đua vũ trang hải quân khu vực Đông Nam Á đã bắt đầu, đặc biệt là về tàu ngầm.

Về mua sắm vũ khí cho Lục quân, điều đáng chú ý nhất là, năm nay, Indonesia nhập khẩu rất nhiều xe tăng bọc thép cũ của Quân đội Đức, gồm 61 xe tăng chiến đấu Leopard-2 và 42 xe tăng chiến đấu Leopard-2A4, 50 xe chiến đấu bộ binh Marder-1A3, 10 cầu xe tăng và xe sơ tán sửa chữa bọc thép, tổng trị giá là 280 triệu USD.

Như vậy, Indonesia trở thành khách hàng xe tăng Leopard-2 tiên tiến nhất, theo đó, công ty Đức sẽ cải tạo 61 xe tăng Leopard-2A4 cũ của quân Đức.

Năm 2011, Indonesia hết sức mong muốn đàm phán để nhập khẩu 120 xe tăng cũ Leopard-2A6 của Lục quân Hà Lan, nhưng do Quốc hội Hà Lan cản trở chính trị, không thể đạt được thỏa thuận, sau đó Indonesia mới tìm cách mua xe tăng Leopard-2 hiện có của quân Đức.

Các hợp đồng mua sắm khổng lồ khác của Indonesia còn bao gồm nhập khẩu 37 khẩu lựu pháo tự hành bánh lốp Caesar 155/152 mm của công ty Nexter, từ đó giúp cho Indonesia trở thành khách hàng thứ tư của vũ khí này, kế sau Pháp, Thái Lan và Saudi Arabia.

Xe tăng chiến đấu Leopard 2A4 của Quân đội Đức
Xe tăng chiến đấu Leopard 2A4 của Quân đội Đức
Xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3 do Đức chế tạo
Xe chiến đấu bộ binh Marder 1A3 do Đức chế tạo
Việt Nam mua 6 tàu ngầm diesel Type 636 lớp Kilo của Nga
Việt Nam mua 6 tàu ngầm diesel Type 636 lớp Kilo của Nga
Tàu ngầm thông thường Scorpene do Pháp chế tạo
Tàu ngầm thông thường Scorpene do Pháp chế tạo
Lựu pháo tự hành bánh lốp 155 mm Caesar do Công ty Nexter Pháp sản xuất
Lựu pháo tự hành bánh lốp 155 mm Caesar do Công ty Nexter Pháp sản xuất
Đông Bình