GÓC NHÌN:

Iran, Arập Xêút và “chảo lửa” Trung Đông

27/11/2011 06:05
Trịnh Xuân Tuân (Theo Topwar)
(GDVN) - Sau cáo buộc của Mỹ rằng Iran âm mưu ám sát Đại sứ Arập Xêút ở Washington thì chảo lửa căng thẳng ở Trung Đông như được đổ thêm dầu.

Mỹ tuyên bố sẽ tìm cách cô lập Iran hơn nữa, còn Tehran cáo buộc Mỹ “thổi phồng chiến tranh” và nói rằng đây là hành động khiêu khích của Hoa Kỳ và Israel. Đặc biệt Riyadh và Tehran càng trở nên căng thẳng khi mà Arập Xêút thề là “Iran sẽ phải trả giá” cho âm mưu này. Cũng cần lưu ý rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cũng như Riyadh đã liệt Iran vào những " nước tài trợ" chính cho khủng bố từ năm 1984.

“Chảo lửa” Trung Đông lại được thổi bùng lên khi mà mới đây các nhân viên an ninh Qatar đã phát hiện một mạng lưới khủng bố đang âm mưu tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nước này và bốn nghi phạm bị bắt "có liên quan tới Iran." 

Chảo lửa Trung Đông (ảnh minh họa)
Chảo lửa Trung Đông (ảnh minh họa)

Bộ Nội vụ Bahrain ngày 12/11 cho biết bốn thành viên người Bahrain trong mạng lưới khủng bố  kể trên đã bị bắt tại Qatar và được dẫn độ về thủ đô Manama của Bahrain. Người thứ năm bị bắt tại Bahrain. Điều thú vị là các "âm mưu của Iran" đã được phát hiện hầu như không có sự tham gia của các lực lượng an ninh Bahrain – mà tất cả được thực hiện bởi lực lượng đặc biệt của nước láng giềng Qatar.

Tehran đã nhiều lần kịch liệt phủ nhận và phản đối những cáo buộc Bahrain liên quan đến “âm mưu của những kẻ khủng bố”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Abdollahiyan Amir cho biết: "Những cáo buộc lặp đi lặp lại này của Bahraini là kịch bản được viết nên bởi Hoa Kỳ." Ngoài ra, trước đó, chính quyền Iran đã bị buộc tội kích động đa số người Shiite nổi dậy chống lại sự cầm quyền trên quốc đảo này trong hơn hai thế kỷ dưới triều đại Sunni.

Cả Iran và Saudi Arabia đều có tham vọng là áp đặt sự thống trị ở Trung Đông
Cả Iran và Saudi Arabia đều có tham vọng là áp đặt sự thống trị ở Trung Đông

Chúng ta biết rằng, đầu năm nay, với sự giúp đỡ của binh sỹ đến từ các nước Arập vùng Vịnh khác do Arập Xêút dẫn đầu, chế độ quân chủ do người Hồi giáo dòng Sunni đã đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do người Hồi giáo Shi'ite chiếm đa số tại nước này phát động.

Iran, quốc gia Hồi giáo có người Shi'ite chiếm đa số, đã liên tục lên án các vụ đàn áp đẫm máu tại Bahrain cùng với sự can thiệp của Arập Xêút.

Cuộc chiến giữa người hồi giáo dòng Shiite ở Iran và Sunni ở Saudi Arabia đã bùng nổ trong thời gian dài.

Tưởng chừng như xung đột giữa hai nước có thể chìm lắng xuống thì nó lại càng bùng phát hơn với sự mãnh liệt được tiếp thêm từ Mùa xuân Ả Rập, vốn kích phát các cuộc nổi dậy lật đổ hoặc đe dọa lật đổ những đồng minh lâu đời của cả hai.

Mùa xuân Ả Rập là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở thế giới Ả Rập bao gồm Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritania, Saudi Arabia, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Morocco. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác.

Những sự kiện gần đây rất có thể sẽ trở thành ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực. Các chuyên gia luôn nhấn mạnh rằng cuộc chiến tôn giáo không bao giờ là thiếu “máu”.

Thực tế cho thấy rằng, cả Iran và Saudi Arabia đều có tham vọng là áp đặt sự thống trị về kinh tế và chính trị trên khắp Trung Đông và cả hai nước đều có thể trở thành những cường quốc hạt nhân trong tương lai gần.

Sự cạnh tranh cho vai trò lãnh đạo trong khu vực bắt đầu từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.  Sự thống trị trong vùng Vịnh Ba Tư đồng nghĩa với  việc kiểm soát "thế giới khí gas và dầu mỏ". Vì rằng, nhiều cường quốc công nghiệp của thế giới, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đều phụ thuộc rất lớn vào hydrocarbon từ Trung Đông.

Phát triển kinh tế của họ phụ thuộc vào tình hình ở Trung Đông. Do đó cả Iran và Saudi Arabia đều muốn có được vị trí số ở vùng Vịnh Ba Tư. Và đó cũng là lý do tại sao Tehran đã cố gắng sử dụng "mùa xuân Ả Rập" theo hướng có lợi cho họ.

Iran đã và đang cố gắng tăng cường tiềm lực quân sự
Iran đã và đang cố gắng tăng cường tiềm lực quân sự

Tuy nhiên hiện tại Iran đang gặp rất nhiều khó khăn khi mà mới đây Mỹ và đồng minh đã đưa ra nhiều tuyên bố là sẽ thực hiện cuộc tấn công vào Iran, liên quan đến chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.

Ngoài ra, Iran gần như không có đồng minh mạnh mẽ, ngoại trừ Syria. Nhưng bù đắp cho việc số lượng đồng minh tương đối hạn chế đó Iran đã và đang cố gắng tăng cường tiềm lực quân sự đồng thời chú trọng phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa (bao gồm cả chương trình công nghệ không gian).

Còn Saudi Arabia với sự hậu thuẫn của Mỹ và đồng minh thì việc nước này trở thành người lãnh đạo của thế giới hồi giáo không phải là vô căn cứ.

Trịnh Xuân Tuân (Theo Topwar)