Kết thúc kỷ nguyên của “Chim ưng nhà trời” A-4 Skyhawk

21/01/2012 17:23
Trịnh Tuân (Theo Topwar)
(GDVN) - A-4 Skyhawk – loại máy bay từng tham chiến tại Việt Nam là máy bay cường kích được thiết kế ban đầu để hoạt động từ tàu sân bay của Hải quân Mỹ

Với chi phí bảo dưỡng quá lớn, Israel quyết định rằng các máy bay Skyhawk – với hơn 40 năm phục vụ trong Không quân nước này và gần đây được sử dụng như một máy bay huấn luyện, cần phải được thay thế.

“Chim ưng nhà trời” A-4 Skyhawk được thiết kế và chế tạo bởi Douglas Aircraft Corporation, Mỹ (sau này là McDonnell Douglas) đã có một sự nghiệp chiến đấu “lẫy lừng” và là một trong những chiến đấu cơ nổi tiếng nhất Hải quân Hoa Kỳ.

Skyhawk là kiểu máy bay hải quân được xuất khẩu nhiều nhất thời hậu chiến. Do kích thước nhỏ, nó dùng được trên những tàu sân bay cũ, nhỏ thời Thế Chiến II mà hải quân nhiều nước còn sử dụng trong những năm 60.

Skyhawk cũng là máy bay ném bom hạng nhẹ chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ trên miền Bắc Việt Nam trong những năm đầu của cuộc Chiến tranh. Thượng nghị sĩ John McCain đã từng lái loại máy bay này, trước khi nó bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam.

Máy bay A-4 Skyhawk
Máy bay A-4 Skyhawk

Cuối những năm 60 và 70, Skyhawk của Không quân Israel trở thành máy bay tấn công mặt đất chủ yếu trong cuộc Chiến tranh Tiêu hao (1967-1970) và Chiến tranh Yom Kippur (Chiến tranh tháng 10 năm 1973). Skyhawk có giá chỉ bằng 1/4 chiếc Phantom II, chở được nhiều bom hơn và có tầm bay xa hơn kiểu máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không mà nó thay thế.

Sự tiếp nhận các chiến đấu cơ F-16 của không quân Israel là một bước ngoặt lớn đối với Skyhawk. Mặc dù tầm quan trọng của nó có phần bị suy giảm, nhưng Skyhawk chưa bao giờ bị “đắp chiếu” hoàn toàn.

Một số trong số chúng được bảo dưỡng, trong khi những số khác đã được bán hoặc cho các công ty tư nhân thuê.

Đội Phi Hổ (Flying Tigers) của Phi đội 102 ở căn cứ Không quân Hatzerim đã sử dụng A-4N và TA-4J cho mục đích huấn luyện (A-4N và TA-4J là các biến thể của Skyhawk trong đó A-4N là biến thể dành cho Không quân Israel, TA-4J là biến thể huấn luyện hai chỗ ngồi, không có hệ thống vũ khí).

Kỷ nguyên “huy hoàng” và “thăng trầm” trong Không lực Irsael

Skyhawk là một trong những máy bay phản lực phổ biến nhất trong Quân đội Irsael. Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù tính cơ động kém nhưng nó lại có một khả năng chiến đấu tuyệt vời bất chấp những thương tích, khiến nó trở thành lựa chọn phổ biến và đáng tin cậy cho một số cuộc chiến tranh.

Lần cuối cùng, những chiếc máy bay này đã được sử dụng với một số lượng lớn trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973, khi lực lượng không quân Israel bị thương vong nặng nề: 102 máy bay bị bắn hạ và hư hỏng trong đó có 53 máy bay Skyhawk.

Tháng 5 năm 1970, chiếc Skyhawk Israeli do Đại tá Ezra Dotan lái đã bắn rơi một chiếc MiG-17 bằng tên lửa không điều khiển ở phía Nam Libanon. Trong một trận chiến khác của cuộc chiến tranh Yom Kippur,  A-4 Skyhawk  của Israel đã phải đối mặt với 3 máy bay MiG-21 và đã bắn hạ 2 trong số chúng.

Mức độ tổn thất trong quá trình hoạt động năm 1973 chỉ có 0,6%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh tiêu hao với Ai Cập vào năm 1970.

Tuy nhiên, yêu cầu phải thay thế Skyhawks đã trở nên rất rõ ràng. Với việc Israel thông qua các máy bay F-16, vai trò của Skyhawk dần bị hạn chế. Chỉ một số ít Skyhawk được tham gia trong cuộc chiến tranh Li-băng vào năm 1982, thậm chí chúng còn bị MiG-17 bắn hạ.

Trong thời gian các phi đội F-16 đã bắt đầu đi vào hoạt động và 33 Skyhawk đã được bán lại cho Indonesia. Vào giữa những năm 1990, gần như tất cả các phi đội máy bay chiến đấu của Israel đã được tái vũ trang và năm 2000-2001, một số Skyhawk đã được Israel bán cho các công ty BAE và ATSI.

Hiện nay, một số máy bay A-4E/H/N của Israel được bảo dưỡng tại căn cứ không quân Ovda. Một số đã được sử dụng như một máy bay chiến đấu trong chiến tranh điện tử, số khác được bán hoặc cho các nhà thầu như ATAC thuê. Số còn lại được Đội Phi Hổ "Flying Tigers" của Phi đội 102 sử dụng cho mục đích huấn luyện tại căn cứ Không quân Hatzerim.

Việc bảo trì các máy bay Skyhawk của Israel được nhà thầu dân sự Kanfei Tahzuka thực hiện trong một hợp đồng với ngành công nghiệp máy bay Israel (IAI). Nhưng thật không may, hợp đồng này đã không được gia hạn thêm. Cộng với thời gian và chi phí bảo trì quá lớn, Israel đã quyết định thay thế Skyhawk.

Các ứng cử viên để thay thế Skyhawk

Theo các báo cáo, các ứng cử viên sáng giá nhất để thay thế cho “Chim ưng nhà trời” Skyhawk  là F-16B, Boeing T-45TS Goshawk “Chim Ó” của Hải quân Hoa Kỳ,  Finmeccanica M346 của Ý (biến thể Yak-130) và máy bay siêu âm TA-50 của Hàn Quốc.

Máy bay F-16
Máy bay F-16

Biến thể máy bay phản lực huấn luyện đầu tiên Fouga Magister của F-16 được xem là có khả năng nhất để thay thế Skyhawk lại không lọt vào danh sách này.

Mua lại T-45 Goshawk “Chim ó” có thể sẽ ngăn chặn việc đóng cửa của dòng máy bay này của Tổng công ty Boeing và có thể sử dụng kinh phí từ viện trợ quân sự của Mỹ đối với Israel. Tuy nhiên, nó chỉ thuần túy là các máy bay huấn luyện và không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ thứ cấp.

Máy bay T-45 Goshawk
Máy bay T-45 Goshawk

Nhờ vào đặc tính bay, cùng với khả năng mang vũ khí, M346 có thể là sự thay thế thích hợp nhất cho Skyhawk. Để giành chiến thắng trong cuộc đua này, Finmeccanica sẽ phải vượt qua những nghi ngờ của Israel về sự ổn định chính trị lâu dài của Ý như một nhà cung cấp và sự ổn định kinh tế lâu dài với tư cách là khách hàng.

Không giống như “đồng nghiệp” người Nga Yak-130,  M346 được thiết kế và thử nghiệm như là một máy bay tấn công hạng nhẹ. M-346 sẽ đáp ứng việc huấn luyện phi công chiến đấu cho máy bay tiêm kích với khả năng góc tấn công cao. Thiết kế khí động học của M-346 sử dụng lực nâng xoáy để tạo sự linh hoạt và dễ điều khiển tại góc lớn tất cao và sử dụng hệ thống điều khiển Fly-By-Wire.

Máy bay M-346
Máy bay M-346

Trong số những ứng cử viên trên, máy bay siêu âm TA-50 của Hàn Quốc có hiệu suất khí động học cao nhất, cũng như khả năng tích hợp các vũ khí hiện có. Điều này sẽ cho nó cơ hội tốt để trở thành máy bay huấn luyện đa năng của Không quân Irsael.

Các công ty Israel đã thâm nhập thị trường Hàn Quốc với các loại máy bay không người lái và radar, và việc mua lại TA-50 (biến thể nâng cấp của máy bay huấn luyện phản lực siêu âm T-50 Golden Eagle do tập đoàn Korea Aerospace Industries (KAI) của Hàn Quốc và Lockheed Martin của Mỹ hợp tác chế tạo.) là bước tiếp theo trong sự hợp tác của hai quốc gia.

Máy bay TA-50
Máy bay TA-50

Thỏa thuận có thể bao gồm sự tham gia của Israel trong việc mở rộng khả năng chiến đấu của TA-50. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng từ quan điểm tài chính của Irsael, TA-50 là lựa chọn ít hấp dẫn nhất đối với Nhà nước Do Thái này.

Trịnh Tuân (Theo Topwar)