Không có được S-300, Iran lại đòi Nga S-400

25/01/2012 16:52
Trịnh Tuân (theo Topwar)
(GDVN) - Đại sứ Iran tại Nga thông báo rằng Iran sẽ rất "hài lòng" nếu Nga cung cấp cho quốc gia hồi giáo này hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất S-400

Tại một cuộc phỏng vấn vào ngày 20 tháng 1 với với các phương tiện truyền thông, Mahmoud Reza Sajjadi - Đại sứ Iran tại Moscow, nói rằng nước ông không còn trông đợi vào việc Nga sẽ cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300, bởi vì Nga đã trả lại Iran khoản tiền tạm ứng đặt mua hệ thống tên lửa phòng không S-300, nhưng không hoàn lại tiền phạt.

Tuy nhiên, đại sứ nói thêm rằng Iran và Nga có thể hợp tác trong các lĩnh vực khác. Các nhà ngoại giao Iran nói rõ rằng Tehran luôn luôn sẵn sàng hợp tác với Nga, trong khi Nga cũng đã bày tỏ thái độ tương tự.

Hệ thống tên lửa S-300
Hệ thống tên lửa S-300

Họ cho rằng việc  hợp tác với Nga liên quan đến việc bảo đảm sự ổn định trong khu vực. Trước đó, Iran đã yêu cầu Nga tích cực thực hiện các điều khoản của hợp đồng cung cấp S-300.

Hợp đồng cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa S-300 đã được ký kết vào cuối năm 2007. Theo hợp đồng, Nga sẽ cung cấp 5 tiểu đoàn S-300 PMU-1 cho Tehran với trị giá 800 triệu USD. Iran đã đặt cọc trước một khoản tiền lên đến 167 triệu đôla.

Tuy nhiên, Điện Kremlin đã cấm việc bán hệ thống S-300 cho Iran vào 9/2010, họ nói rằng chương trình cung cấp S-300 cho Iran đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngăn cấm trong một lệnh trừng phạt chống lại Iran về chương trình hạt nhân của mình.

Sau thương vụ S-300 bất thành, Nhà ngoại giao Iran Mahmoud Reza Sajjadi cho biết Iran sẽ rất hài lòng nếu như Nga cung cấp cho quốc gia Hồi giáo này hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới, đó là S-400 hay Triumph. Đại sứ cho rằng, sẽ tốt hơn nếu Tehran đầu tư cho tương lai sau này.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không mới nhất hiện nay của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới. S-400 hay Triumph được phát triển dựa trên hệ thống tên lửa phòng không S-300, mang đầy đủ các tính năng cũng như đặc điểm kỹ thuật của S-300PMU nhưng hiện đại và tiên tiến hơn nhiều.

Hệ thống tên lửa S-400
Hệ thống tên lửa S-400

S-400 được ứng dụng vào nhiều mục đích tác chiến khác nhau vì có thể tiêu diệt được cả máy bay trang bị công nghệ tàng hình, cả tên lửa hành trình, tên lửa cấp chiến dịch-chiến thuật trong phạm vi 400 km.

Hệ thống tên lửa S-400 có khả năng phát hiện mục tiêu trong phạm vi 600 km, có thể bắn đồng thời vào 36 mục tiêu khác nhau, mỗi mục tiêu 2 quả tên lửa. Tổ hợp tên lửa loại này có thể tiêu diệt mục tiêu hoạt động ở vận tốc 4.800 m/s, độ cao từ 5m đến 30 km.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng đề xuất của Tehran trong trường hợp này là hoàn toàn không có căn cứ. Ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích vũ khí toàn cầu của Nga, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng cho biết, hiện nay không thể nói về bất kỳ cuộc đàm phán liên quan đến việc chuyển giao vũ khí cho Iran, bởi vì Nga đã tán thành các biện pháp trừng phạt của LHQ.

Ông cũng báo cáo rằng S-400 trong tương lai gần sẽ không được phép xuất khẩu. Mặc dù, đã có rất nhiều nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và "đã diễn ra rất nhiều các cuộc đàm phán sơ bộ", tuy nhiên, theo Igor Korotchenko, S-400 sẽ không được chuyển giao cho bất kỳ quốc gia nào cho đến khi đáp ứng được các nhu cầu của các lực lượng vũ trang Nga.

Matveyev Alexander, một nhà phân tích quân sự độc lập, hoàn toàn đồng ý về việc này. Theo nhận định cử Matveyev, không có cơ sở nào để đàm phán về các nguồn cung cấp như vậy, ngoài ra, Moscow đã từ chối thẳng thừng việc giao S-300 cho Iran.

Matveev cũng cho biết Nga đã tán thành lệnh trừng phạt Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc chống lại Iran và sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào để chống lại lệnh trừng phạt này.

Đại sứ Iran tại một cuộc họp báo với các phóng viên khẳng định rằng Tehran có ý định trở lại đàm phán về vấn đề hạt nhân với "nhóm năm cộng một", bao gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc) và Đức.

Điều này đã được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Iran và bà Catherine Ashton, Trưởng ban chính sách đối ngoại (đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách ngoại giao và an ninh), được tổ chức tại Vienna trong một hội nghị về tình hình ở Afghanistan.

Trước đó, Liên minh châu Âu bác bỏ bất kỳ thông tin nào về ý định nối lại đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Theo Igor Korotchenko, Tehran thực sự  mong muốn vào giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán, bởi vì tình hình đang trở nên phức tạp, liên quan đến việc Hoa Kỳ tăng cường lực lượng hải quân trong khu vực.

Iran, theo Korotchenko, sẽ được lợi nhiều hơn, trong trường hợp, nếu EU giới thiệu một lệnh cấm vận dầu mỏ, để bù đắp khoản lỗ của họ bằng cách tăng cường xuất khẩu hydrocarbon sang Trung Quốc.

Còn theo quan điểm của Alexander Matveev, với Tehran, đàm phán 6 bên là thực sự không cần thiết. Nhà phân tích tin rằng Iran đã “bắt đầu cuộc chơi” này từ năm 2003. Khi Liên hợp quốc đe dọa Tehran bằng việc giới thiệu các biện pháp trừng phạt cứng rắn, Iran đã bắt đầu sử dụng những “mánh khóe”. Hơn nữa, việc này cũng đã từng xảy ra trước đây.

Theo Matveev, tiến hành các cuộc đàm phán chỉ là những việc làm vô nghĩa. Ông tin rằng Iran vẫn chưa sẵn sàng cho một lời đề nghị đối với các nước phương Tây.

Trịnh Tuân (theo Topwar)