Vụ chìm tàu Cheonan:

Không phải do ngư lôi Bắc Triều Tiên, mà là thủy lôi Hàn Quốc?

27/03/2013 10:30
Theo VOR
(GDVN) - Có hai chứng cớ quan trọng để nghi ngờ về chuyện Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan.
Các nhà địa chấn học Hàn Quốc và Israel đã công bố nghiên cứu dữ liệu vụ nổ trong vùng biển Hoàng Hải ngày 26 tháng 3 năm 2010 khiến tàu hộ tống Hàn Quốc Cheonan bị đánh chìm. Thảm kịch này đã cướp đi sinh mạng của 40 thủy thủ Hàn Quốc.

Seoul và Washington ngay lập tức đổ lỗi cái chết thủy thủ tàu hộ tống cho Bắc Triều Tiên. Để làm bằng chứng, họ đưa ra những mảnh ngư lôi được tìm thấy ở gần hiện trường vụ thảm kịch. Ủy ban quốc tế làm việc dưới sự chỉ huy của các chuyên gia Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho rằng ngư lôi có thể được phóng từ tàu ngầm Bắc Triều Tiên. Quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng trở nên cực kỳ căng thẳng.

Nhưng hiện nay đang có lý do nghiêm trọng để nghi ngờ tính đúng đắn của kết luận về lý do chìm tàu của Cheonan là do trúng ngư lôi của Bắc Triều Tiên.

Hai nhà nghiên cứu địa chấn - Giám đốc viện địa chấn Hàn Quốc Kim So Gu và chuyên gia hàng đầu Viện Địa vật lý Israel Yefim Gitterman phát biểu trên các phương tiện truyền thông rằng kết luận trước đây về việc Bắc Triều Tiên phóng ngư lôi khiến Cheonan bị chìm đã không xét đến sức ép của vụ nổ làm chìm tàu hộ tống.

Các nhà khoa học tính toán chính xác sức ép của vụ nổ và thấy rằng lực này nhỏ hơn nhiều, tương đương với quả thủy lôi mạnh. Trong những năm 70, để chống tàu Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đã rải những quả thủy lôi như vậy trong vùng lãnh hải của mình.

Một năm trước, ông Hong Tae Kyung, Giám đốc khoa Trái đất, Đại học Yonsei đã đưa ra một tuyên bố tương tự. Giả định như vậy cũng được các chuyên gia Nga công bố.

Tàu hộ tống Cheonan
Tàu hộ tống Cheonan

Có hai chứng cớ quan trọng để nghi ngờ về chuyện Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu Cheonan. Thứ nhất, người Hàn Quốc tìm thấy những mảnh vỡ của ngư lôi, trông như thể quả ngư lôi không phát nổ khi trúng con tàu, mà chỉ đơn giản là vỡ ra từng mảnh.

Bên cạnh đó, mảnh ngư lôi đã bị rỉ sét, như thể không phải mới ở dưới nước vài ngày, mà đã hàng năm. Và dấu hiệu điển hình của hải quân Bắc Triều Tiên, không hiểu sao lại được viết trên mảnh ngư lôi bằng bút dạ.

Bây giờ ông Kim So Gu tuyên bố cần phải mở một cuộc điều tra thứ hai về vụ việc xảy ra với tàu Hàn Quốc. Tái thẩm bây giờ sẽ là khá thích hợp.

Nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lên cầm quyền cho hy vọng về những cải cách mới ở đất nước này. Nhưng cải cách sẽ chỉ xảy ra nếu cải thiện triệt để mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul, trong những năm gần đây đã nhiều lần ở trên bờ vực chiến tranh. Một phần là vì vụ chìm tàu hộ tống "Cheonan."

Đáng chú ý là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cực lực bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc trong vụ này, mặc dù mấy năm gần đây đã tham gia các cuộc đụng độ vũ trang với Hàn Quốc để thể hiện quyết tâm chống bất kỳ kẻ thù nào. Và nếu Bắc Triều Tiên đã không ghi vụ chìm tàu này vào danh sách chiến thắng quân sự của mình, thì nguyên nhân trước hết không phải là sợ phải chịu trách nhiệm, mà là một lý do gì khác.

Nếu cuộc điều tra khách quan mới sẽ chứng minh nguyên nhân tàu "Cheonan" bị chìm khiến 40 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng không phải do ngư lôi Bắc Triều Tiên, mà do thủy lôi Hàn Quốc gây ra, điều đó có thể là động lực mạnh mẽ cho sự hòa giải. Và nếu phương án ngư lôi được xác nhận, thì mọi chuyện cũng sẽ không tệ hơn. Bởi vì tình hình không thể tồi tệ hơn nữa.

Theo VOR