Kịch bản xung đột Biển Đông: Nhật liên thủ với Mỹ-Phi ngăn chặn Trung Quốc

30/09/2015 16:17
Việt Dũng
(GDVN) - Tình hình Biển Đông đã trở nên nóng bỏng, dễ xảy ra xung đột, Quân đội Nhật Bản có thể cùng Mỹ, Philippines triển khai "ngăn chặn công trình" của Trung Quốc.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 30 tháng 8 dẫn tờ tạp chí "Đại chúng" Nhật Bản ngày 29 tháng 9 đưa tin, hiện nay, tình hình khu vực Biển Đông đã ở trạng thái hết sức căng thẳng, dễ nổ ra xung đột. Xung đột ở vùng biển này giữa Liên quân Mỹ-Nhật và Quân đội Trung Quốc bắt đầu trở thành vấn đề nóng hổi và hiện thực.

Quân đội Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung (ảnh tư liệu)
Quân đội Mỹ-Nhật tiến hành tập trận chung (ảnh tư liệu)

Đến nay, Mỹ và Nhật Bản đều đang nhiều lần tiến hành các hành vi "khiêu khích" nguy hiểm, đã đến trạng thái nguy ngập "một khi có cớ là khai chiến".

Theo bài viết, gần đây, ở ven bờ quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo bất hợp pháp trạm gác dân quân trên đảo, đồng thời lắp đặt bất hợp pháp radar và AIS (thiết bị nhận biết tàu thuyền tự động) ở Biển Đông, dùng để theo dõi tàu thuyền ở vùng biển xung quanh, có ý đồ tăng cường mạnh mẽ sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đối với vấn đề này, Mỹ đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Steve Warren cho biết, để đảm bảo tự do đi lại ở Biển Đông của Quân đội Mỹ, máy bay và tàu chiến Mỹ cần đến vùng biển này.

Quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản còn cho biết: "Nếu máy bay, tàu chiến Quân đội Mỹ thực sự tiến vào lãnh hải đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp), Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến hành chặn đánh khẩn cấp, cưỡng chế xua đuổi Quân đội Mỹ. Lấy điều này làm bước ngoặt, hai nước Mỹ-Trung e rằng sẽ nổ ra chiến tranh. Mối lo ngại này ngày càng tăng lên".

Hạm đội Mỹ-Nhật tiến hành tiếp tế trên biển (ảnh tư liệu)
Hạm đội Mỹ-Nhật tiến hành tiếp tế trên biển (ảnh tư liệu)

Nếu Trung-Mỹ khai chiến, Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của ông Shinzo Abe phải chăng sẽ tham gia cuộc chiến này? Quan chức Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cho rằng, "kịch bản tưởng định" cụ thể của Nhật Bản là,

trong vòng 1 năm, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ cùng với Quân đội Mỹ và Quân đội Philippines điều đến khu vực lân cận khu vực công trình Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông, thậm chí sẽ dùng vũ lực để ngăn chặn thực hiện công trình liên quan.

Đồng thời, ông Shinzo Abe cũng đã tuyên bố "tồn tại tình trạng khủng hoảng/nguy cơ", đây là điều kiện tất yếu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể (chi viện quân sự cho quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản). Bài viết cho rằng, hành động này hầu như cho thấy cuộc chiến giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Trung Quốc đã mở màn.

Dự luật bảo đảm an ninh do ông Shinzo Abe thúc đẩy đã được thông qua với đa số phiếu của Đảng Tự do Dân chủ và Đảng Komeito vào ngày 19 tháng 9.

Diễn tập Balikatan-2015 giữa Quân đội Mỹ và Philippines
Diễn tập Balikatan-2015 giữa Quân đội Mỹ và Philippines

Luật an ninh mới này đã mở đường cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản xuất quân ra nước ngoài, cũng đánh dấu chính sách "chỉ phòng vệ" sau Chiến tranh của Nhật Bản đã có sự thay đổi về chất.

Đối với vấn đề này, người dân Nhật Bản phổ biến cho rằng, sau khi Luật an ninh mới được thông qua, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thời gian tới sẽ bị lôi kéo vào chiến tranh.

Đồng thời, sau khi Luật bảo đảm an ninh được thông qua, có không ít phương tiện truyền thông bắt đầu bàn về khả năng giữa Trung Quốc với Nhật Bản, thậm chí giữa Trung Quốc với Mỹ-Nhật nổ ra chiến tranh.

Theo bài báo, nếu trong tương lai, giữa Trung-Nhật buộc phải nổ ra chiến tranh, tuyến đường sinh mệnh năng lượng của Nhật Bản ở Biển Đông sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, có thể gây khủng hoảng cung ứng năng lượng ở trong nước của Nhật Bản.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Hiện nay, Nhật Bản tăng cường can dự Biển Đông và các vấn đề an ninh khu vực là một tất yếu, đó không chỉ là chia sẻ trách nhiệm của đồng minh Mỹ-Nhật, mà điều quan trọng hơn là bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia của Nhật Bản, nhất là khi Tokyo đang đối mặt với sức ép quân sự từ Trung Quốc ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông – PV.

Bàn cờ chính trị khu vực ngày càng nóng bỏng với các bước đi mạnh mẽ của nhiều nước lớn và nhiều vấn đề an ninh khu vực nổi lên. Đưa ra nhiều sáng kiến, nhanh chóng thúc đẩy xây dựng các cơ chế an ninh khu vực có hiệu quả, tạo lập được cân bằng sức mạnh mới sẽ góp phần vào bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Đó là trách nhiệm, vai trò của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam - PV. 

Việt Dũng