Kiên cường lính đảo chìm

25/02/2012 20:50
Theo CA TPHCM
Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Lữ đoàn phó quân sự Lữ đoàn 146 (vùng 4 Hải quân),  cho biết những vất vả, nhọc nhằn...

Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Lữ đoàn phó quân sự Lữ đoàn 146 (vùng 4 Hải quân),  cho biết những vất vả, nhọc nhằn... của lính đảo nổi chẳng thấm vào đâu so với anh em ở các đảo chìm.

Ở đảo chìm thiếu thốn đủ thứ nhưng những người lính mà chúng tôi tiếp xúc rất lạc quan. Với các anh, càng gian khó bao nhiêu thì ý chí người lính càng được tôi luyện vững chãi như cây phong ba trước giông bão...

Quần đảo Trường Sa có những đảo nổi và đảo chìm. Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cho biết, trên những đảo nổi như Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, An Bang... dù được quân dân cả nước vun đắp, sẻ chia nhưng hành trình bám đảo của người lính nơi đây cũng còn nhiều khó khăn như khí hậu khắc nghiệt, thiếu rau xanh, phương tiện giải trí hạn chế... Nhưng so với đồng đội đang làm nhiệm vụ tại các đảo chìm, lính đảo nổi vẫn “khá sướng”.

Gắn bó với quần đảo Trường Sa từ năm 2002, đi qua hầu hết các đảo nổi lẫn chìm ở quần đảo Trường Sa, thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn, rất am tường những nhọc nhằn của người lính hải quân đang làm nhiệm vụ ở các đảo chìm.

Ở các đảo nổi như Trường Sa Lớn có nước ngọt tự nhiên nên lính đảo có thể trồng cây tạo bóng mát, nuôi trồng để tăng gia, có nhiều điều kiện cải thiện chất lượng bữa ăn. Nhưng đảo chìm thì khác, khi thủy triều lên, thềm san hô chìm trong biển nước mênh mông, “mái nhà” của người lính cũng vì thế mà bị sóng nước trùng dương bao vây tứ bề, lính đảo chìm khó trồng cây xanh để chắn gió, che bóng mát hay nuôi trồng như đồng đội ở đảo nổi.

“Đảo nổi như Trường Sa Lớn, mọi sinh hoạt gần như ở đất liền. Nhưng tại các đảo chìm, anh em sống và làm nhiệm vụ trong phạm vi nhỏ hẹp. Dầu vậy, anh em vẫn có thể làm được những điều tưởng không thể như trồng rau xanh, nuôi heo, gà vịt...” - thượng tá Hải tâm sự.

Đảo chìm Thuyền Chài A
Đảo chìm Thuyền Chài A

Chúng tôi ghé thăm đảo Thuyền Chài A, một đảo chìm mà sóng gió cùng những vất vả, thiếu thốn của cuộc sống đời thường đã bị những người lính khuất phục. Thiếu úy Thái Thanh Nam, công tác tại bộ phận ra-đa trên đảo, cho biết vào mùa nắng, việc tắm giặt, ăn uống của anh em trên đảo phụ thuộc vào nguồn nước mưa dự trữ trước đó.

Có những lúc nước cạn kiệt, lính đảo phải dè sẻn, chắt chiu từng giọt. Mọi việc tắm giặt đều phải dùng nước biển, sau xối qua nước ngọt rồi tận dụng nước ấy lắng lại để tưới rau. “Trồng rau trên đảo gian nan lắm.

Mình dày công vun trồng nhưng chỉ một đợt sương muối phủ qua, rau héo úa coi như công sức đổ xuống biển. Mỗi khi sóng đánh gió về, anh em phải cắt nhau túc trực 24/24, hễ có động là ôm những thùng rau chạy tìm chỗ nấp, có khi nhường cả chỗ nằm cho rau tránh bão” - thiếu úy Nam cười cho biết. 

Tại đảo chìm Đá Lát, bên cạnh tâm tình “rau xanh và nước ngọt” quý như vàng, người lính còn quý cả từng giọng nói, hơi ấm từ đất liền. Thiếu tá Đinh Văn Núi, Đảo trưởng đảo Đá Lát, tâm tình: “Trước năm 2007, khi chưa có hệ thống năng lượng gió và mặt trời, đặc biệt là trạm phát sóng điện thoại Viettel, lính đảo khổ mọi mặt. Sách báo, thư từ khi đến tay lính đảo cách xa thời điểm phát hành và gửi thư có khi đến bốn tháng.

Khi đó cứ tầm 6 giờ chiều là anh em sinh hoạt, làm nhiệm vụ trong ánh đèn tù mù, đêm dài trôi qua không tivi dường như càng dài thêm... Bây giờ điện đài đầy đủ, sóng truyền hình, điện thoại phủ khắp đảo, anh em nhớ nhà chỉ việc “alô”, có anh ru con qua điện thoại nên khoảng cách giữa đất liền và đảo tuy xa mà gần”.

Đã là lính Trường Sa thì dù là chỉ huy hay binh sĩ, ai cũng có những khoảng thời gian dài bám sóng gió ở các đảo nổi, đảo chìm để thay phiên, chia sẻ những gian truân, khó nhọc với nhau. “Dù còn nhiều khó khăn nhưng so với ngày trước, cuộc sống và điều kiện công tác của lính đảo chìm nay đã cải thiện đáng kể. Những dự án năng lượng, những chuyến hàng ăm ắp sách báo, phương tiện giải trí được đưa ra từ đất liền” - thượng tá Phạm Văn Trung, Chính ủy đảo Trường Sa Lớn, bộc bạch.

Làm sao có thể nêu hết, kể hết những gian khó mà người lính ở các đảo chìm phải đối mặt trong quá trình bám biển. Và không chỉ có thế, tuy trong điều kiện ngặt nghèo nhưng hễ có tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân gặp khó khăn, cần nước ngọt, nhu yếu phẩm..., các anh đều sẵn sàng chia sẻ với bà con.

Thế mới biết không sức mạnh sóng gió, gian truân nào có thể quật ngã những người lính Trường Sa ở các đảo nổi đảo chìm, những người lính đầu đội nắng, ngực chắn sóng, chân đạp trên cát nóng... luôn cháy bỏng tình yêu đất nước và khát vọng cống hiến cho biển đảo quê hương.

Theo CA TPHCM