Lễ khao lề thế cảm động cho người lính Hoàng Sa

06/04/2012 11:13
Theo Infonet
Vào ngày 6/4 (ngày 16/3 âm lịch) các họ tộc ở huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân thế hệ cha ông đã ra đi và ngã xuống vì chủ quyền
Vào ngày 6/4 (ngày 16/3 âm lịch) các họ tộc ở huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân thế hệ cha ông đã ra đi và ngã xuống vì chủ quyền đối với vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc.
Háo hức ngày tri ân
Sáng ngày 5/4, cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, trở nên đông đúc và nhộn nhịp lạ thường bởi sự có mặt của hàng trăm du khách từ các tỉnh thành trong cả nước đang đợi tàu ra đảo dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 6/4.
Sự đột biến này khiến cho chiếc tàu khách cao tốc thường ngày vốn thưa người đi lại nay bỗng dưng chật kín.
Quang cảnh buổi lể
Quang cảnh buổi lể
Trên boong tàu, anh Nguyễn Văn Hải (36 tuổi), du khách ở TP. HCM, không giấu sự háo hức:

 "Lâu nay đã nghe kể khá nhiều về những chuyến hành trình 'một đi không trở lại' để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa của thế hệ cha ông ngày trước, vì thế nhân dịp này bản thân cũng muốn một lần đến tận nơi để chứng kiến và cảm nhận được khí thế hào hùng ấy".
Quả thật có đến tận nơi, được tận mắt chứng kiến và hòa mình vào không khí của ngày lễ này, mới thấy hết không khí thiêng liêng của một lễ hội vừa khẳng định chủ quyền quốc gia nhưng cũng vừa biểu dương sức mạnh “chinh phục biển” của người Lý Sơn, những người từng được Chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn giao trọng trách.
Nhà sử học, Tiến sĩ Nguyễn Nhã, từng nhận xét: "Đi nhiều, biết cũng không ít, thế nhưng hiếm thấy nơi nào lại giữ gìn một cách cẩn trọng bằng tất cả lòng biết ơn đối với tiền nhân về một sinh hoạt mang tính văn hóa tâm linh như lễ khao lề thế của người dân ở đảo Lý Sơn".

Chủ tế buổi lễ đang bày tỏ lòng tri ân đối với những hùng binh
Chủ tế buổi lễ đang bày tỏ lòng tri ân đối với những hùng binh
“Tóc xanh” tiếp nối “đầu bạc”
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm bô lão trong huyện đã khăn đen, áo dài tề tựu đông đủ trước đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh để làm lễ.

 Đây là ngôi đình từng chứng kiến hàng trăm cuộc tiễn đưa con em Lý Sơn “ra trận” nơi Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước.
Trong không khí thiêng liêng, cùng với câu ca đầy bi tráng “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề /Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”... là những hình ảnh về các vật dụng mà mỗi người lính trước khi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị cho riêng mình, gồm một đôi chiếu, sẽ là vật dùng để quấn xác nếu không may gục ngã; 7 đòn tre, sẽ là vật nẹp quanh thân; 7 sợi dây mây, sẽ được dùng để bó xác người.
Thi thể người lính nếu không may xấu số sẽ được đồng đội thả xuống biển cả mênh mông. Chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác sẽ là thông điệp gửi lại cho gia đình và bản quán nếu thi thể chưa kịp làm mồi cho cá dữ...

Khung cảnh ra đi của những người lính từ hàng trăm năm trước như trở về và tái hiện ngay trước mắt: Những con người quên mình vì đất nước, dù biết rằng sự ra đi đó không có ngày trở lại.

Xuyên suốt Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân thế hệ cha ông đã ra đi và ngã xuống vì chủ quyền đối với vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc
Xuyên suốt Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân thế hệ cha ông đã ra đi và ngã xuống vì chủ quyền đối với vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc
Điều đáng ghi nhận không kém là không chỉ có những mái đầu tóc bạc mà có cả những đôi nam nữ thanh niên tham dự buổi lễ. Họ nghiêm cẩn theo sau với tất cả lòng thành kính thiêng liêng.
Đây được xem như một cuộc “tiếp lửa Hoàng Sa” cụ thể nhất cho thế hệ trẻ hôm nay. Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, một lần nữa cảm xúc như dâng trào khi hàng ngàn ngọn hải đăng kết nối trên các bè chuối được thả trôi trên biển.
Người Lý Sơn quan niệm rằng, mỗi một ngọn hoa đăng là một người lính Hoàng Sa, họ sẽ theo dòng hải lưu để “nhập” vào lòng biển cả.
Cùng với lễ tri ân, người dân Lý Sơn lại có dịp gắn kết với nhau bằng các cuộc tranh tài qua hội đua thuyền và những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian ngỡ đã đi vào quên lãng, nay được phục dựng.

Theo Infonet