Lựa chọn nào cho Philippines trong vòng xoáy Mỹ, Trung, Nhật, Úc?

26/08/2013 13:39
Việt Dũng
(GDVN) - Theo báo Nhật, Philippines thiếu tiền để phòng thủ lãnh thổ, kể cả khi bị TQ xâm lược, do đó cần dựa vào các đồng minh Mỹ, Nhật, Australia.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (ảnh tư liệu)
Tổng thống Philippines Benigno Aquino (ảnh tư liệu)

Ngày 22 tháng 8, trang mạng "Học giả ngoại giao" Nhật Bản có bài viết cho rằng, Chính phủ Philippines cấp bách hy vọng phát triển sức mạnh quân sự, nhưng khổ nỗi tài chính không đủ, hơn nữa người dân Philippines "không mua nợ".

Gần đây, trong thông điệp quốc gia, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiếp tục tái khẳng định mong muốn tiến hành nâng cấp lực lượng vũ trang Philippines. Nhưng, ông thận trọng cho biết, đây hoàn toàn không phải là điều dễ dàng, đồng thời thừa nhận lực lượng vũ trang Philippines thiếu tiền.

Bài viết chỉ ra, trên thực tế, phần lớn ngân sách của Quân đội Philippines dùng để trả lương và phúc lợi cho binh sĩ, chứ không phải nâng cấp sức mạnh quốc phòng. Ngoài ra, Hiến pháp 1987 của Philippines quy định, cấp kinh phí cho quân đội không được vượt đầu tư cho giáo dục.

Trong ngân sách năm 2014 dự kiến, Bộ Quốc phòng và lực lượng vũ trang Philippines được cấp 1,9 tỷ USD, còn ngân sách giáo dục tổng cộng đạt 6,642 tỷ USD.

Do đó, một số nhà phân tích nghi ngờ Philippines phải chăng có năng lực gánh vác nhiệm vụ quốc phòng chủ yếu hiện nay của họ - hiện đại hóa quân đội và thiết lập "phòng thủ đáng tin cậy ở mức độ tối thiểu".

Do căn cứ quân Mỹ đóng cửa và theo đó mất đi tiền cho thuê, lực lượng vũ trang Philippines chỉ có thể dựa vào kinh phí cấp phát của Quốc hội Philippines và nguồn tài chính riêng dùng cho hiện đại hóa quân sự để mua sắm vũ khí mới.

Tàu tuần tra lớp Hamilton của Philippines là tàu cũ mua của Mỹ
Tàu tuần tra lớp Hamilton của Philippines là tàu cũ mua của Mỹ

Mặc dù quan điểm "phòng thủ đáng tin cậy ở mức độ tối thiểu" ngày càng phổ biến trong quá trình hiện đại hóa Quân đội Philippines, nhưng những biểu hiện về vấn đề này của Chính phủ Philippines rất mơ hồ.

Một số quan chức Philippines đơn giản cho rằng, quan điểm này là có được vũ khí trang bị mới và cải thiện cơ cấu quân đội, còn có người cho rằng huấn luyện quân sự mang tính chiến lược là một trong những bộ phận then chốt của tư tưởng này.

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Philippines gần đây cho biết, Chính phủ Philippines có ý định thông qua tư tưởng này để ngăn chặn những quốc gia có ý đồ gây chiến với Philippines.

Theo bài viết, rất nhiều nhà quan sát chưa thấy, quy mô của Quân đội Philippines không lớn, khó mà phòng thủ lãnh thổ quần đảo của họ. Có rất nhiều chuyên gia cho rằng, Philippines muốn xây dựng một lực lượng phòng thủ đáng tin cậy, cần đầu tư vài chục tỷ USD.

Trước đây, do luôn được che chở bởi ô bảo vệ của Mỹ, mối đe dọa bên ngoài của Philippines hoàn toàn không lớn, điều này thậm chí làm cho Philippines mạnh bạo về chính trị.

Máy bay trực thăng vũ trang W-3 Sokol, Philippines mua của Ba Lan.
Máy bay trực thăng vũ trang W-3 Sokol, Philippines mua của Ba Lan.

Mặc dù lực lượng vũ trang Philippines đã có được rất nhiều vũ khí trang bị từ chương trình viện trợ của Mỹ, nhưng có chuyên gia quốc phòng cho rằng, Philippines không thể dựa vào máy bay chiến đấu và vài tàu chiến lỗi thời "trưng diện", mà phải thúc đẩy thực sự hiện đại hóa quân sự Philippines.

Nhưng, bài viết chỉ ra, căn cứ vào cơ cấu của Quân đội Philippines và thực tế người dân không quan tâm đến xây dựng quân đội, mặc dù các đồng minh của Philippines sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự mức cao hơn, việc hiện đại hóa quân sự của Philippines cũng không có nhiều khả năng lắm được thực hiện; càng chưa cần nói hiện nay Philippines khó mà nhận được viện trợ quân sự quan trọng từ bên ngoài.

Cho dù là Trung Quốc "lập tức xâm lược", người dân Philippines hầu như cũng sẽ không quan tâm lắm đến xây dựng quân đội. Vì vậy, hiện nay, Philippines muốn phòng thủ lãnh thổ của mình, cần phải cân nhắc trước hết tới các biện pháp ngoại giao, điều này cũng có nghĩa là Philippines cần duy trì quan hệ đồng minh chặt chẽ hơn với Mỹ, Úc (Australia) và Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ bán tàu tuần tra cũ cho Philippines
Nhật Bản sẽ bán tàu tuần tra cũ cho Philippines
Việt Dũng