Luận điệu xuyên tạc xuất hiện: Nhật xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa

01/06/2014 08:00
Đông Bình
(GDVN) - Bà Oánh đã xuyên tạc lịch sử, dùng luận điệu lừa bịp mới để đòi lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông, nói một đằng - làm một nẻo, lời nói vừa dụ dỗ vừa đe dọa.
Phó Oánh - chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2014
Phó Oánh - chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La 2014

Tân Hoa xã ngày 31 tháng 5 và tờ "Nhật báo Ma Cao" ngày 1 tháng 6 đều có bài viết cho hay, chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, Phó Oánh đã tham gia thảo luận tại một diễn đàn nhỏ mang chủ đề "Những thách thức của bảo vệ và quản lý đại dương".

Bà Phó Oánh cho rằng, biển là tài sản quý báu của loài người, đại dương đối mặt với các thảm họa tự nhiên như sóng thần, bão tố, các sự cố cùng với các thách thức do con người gây ra như tràn dầu trên biển, sự cố trên biển-trên không, cướp biển, khủng bố, tranh chấp biển. Các mối đe dọa an ninh quân sự trên biển, mâu thuẫn và xung đột lợi ích trên đất liền cũng sẽ phản ánh ở trên biển.

Khi nói đến tự do ở vùng biển quốc tế, bà Oánh cho rằng, chế độ luật biển quốc tế và thông lệ quốc tế có quy định rõ ràng đối với tự do ở vùng biển quốc tế, có các quyền tự do như đi lại, bay qua, bắt cá và tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời các nước đều phải có nghĩa vụ, thúc đẩy sử dụng hòa bình đại dương, bảo vệ môi trường biển. 

Luật pháp quốc tế không thuộc quốc gia hay cá nhân nào, không nên bị "tùy tiện xuyên tạc", chẳng hạn "Nhật Bản nên chấm dứt mượn danh nghĩa nghiên cứu khoa học để bắt cá voi".

Trên thực tế, có lẽ bà Oánh nói mà không biết ngượng mồm. Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam (các năm 1974, 1988…), cho giàn khoan, tàu chiến, máy bay quân sự... vào xâm lược vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam... (từ đầu tháng 5/2014) thì rõ ràng là bất chấp luật pháp quốc tế. 

Chẳng có ai thừa nhận cho các hành động đó của Trung Quốc cả. "Đường lưỡi bò" Trung Quốc vẽ bậy cũng chẳng có chứng cứ pháp lý nào bảo vệ cả, ngay lịch sử Trung Quốc đã bác bỏ hiệu quả đối với cuồng vọng của Trung Quốc hiện nay.

Tàu tuần tiễu săn ngầm Hải quân Trung Quốc tham gia xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam
Tàu tuần tiễu săn ngầm Hải quân Trung Quốc tham gia xâm lược vùng biển chủ quyền của Việt Nam

Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ v.v... đều nhấn mạnh Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không cho phép các hành động đơn phương dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, bất chấp luật pháp quốc tế. Trung Quốc có lẽ phải cảm thấy bẽ mặt và xem xét lại hành vi của mình chứ.

Theo phát biểu của bà Oánh: Các nước trên thế giới có trách nhiệm cùng nỗ lực bảo vệ tự do và an ninh hàng hải quốc tế. Trung Quốc rất coi trọng đối với vấn đề này, bởi vì trên 80% thương mại của Trung Quốc đi bằng đường biển, lượng tàu thuyền, trọng tải đều đứng hàng đầu thế giới, trong số 10 cảng container lớn của thế giới thì Trung Quốc có 6 cảng.

Theo bà ta thì Biển Đông càng là “tuyến đường chính của thương mại và vận chuyển năng lượng của Trung Quốc”. 

Những năm gần đây, Trung Quốc “tích cực tham gia hợp tác an ninh các tuyến đường quốc tế”, trở thành người cung cấp "sản phẩm an ninh công của các tuyến đường".

Tuy nhiên, nhìn vào phát biểu này thì hành động trên thực tế ở Biển Đông của Trung Quốc thì ngược lại. Trung Quốc đang làm cản trở tuyến đường thương mại trên Biển Đông khi cho tàu quân sự, tàu hải cảnh và nhiều loại tàu khác ngang nhiên quậy phá ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế. 

“Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông” – Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar.

Thủ tướng Nguyễn Tuấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN
Thủ tướng Nguyễn Tuấn Dũng phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN

Phó Oánh nói tiếp, cho rằng, Trung Quốc nhất quán tích cực tham gia và thúc đẩy hợp tác trên biển theo "cơ chế đa phương khu vực", chương trình hợp tác do Trung Quốc đảm đương trong khuôn khổ ARF là nhiều nhất. Năm 2015, Trung Quốc sẽ còn cùng Malaysia tổ chức diễn tập cứu nạn lần thứ tư của ARF.

Luận điệu mới: “Nhật Bản xâm lược Hoàng Sa, Trường Sa”

Trung Quốc đòi cướp nốt quần đảo Trường Sa

Khi trả lời vấn đề Biển Đông do đại diện Nhật Bản đưa ra, Phó Oánh đã xuyên tạc và lừa đảo, cho rằng, căn cứ vào "Thông cáo Potsdam" và "Tuyên bố Cairo", các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa "bị Nhật Bản xâm lược" đều là "Trung Quốc thu hồi".

Theo luận điệu của bà ta, là một trong những nước chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai - Mỹ, cùng với nước chiến bại - Nhật Bản "hiểu rất rõ" đối với giai đoạn lịch sử này.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược năm 1974 và nay chiếm đóng bất hợp pháp. Kẻ nào dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của nước khác sẽ không bao giờ được công nhận là họ có chủ quyền đối với nó.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược năm 1974 và nay chiếm đóng bất hợp pháp. Kẻ nào dùng vũ lực xâm lược lãnh thổ của nước khác sẽ không bao giờ được công nhận là họ có chủ quyền đối với nó.

Bà Oánh bịa đặt và đe dọa: "Tranh chấp quần đảo Trường Sa sau này mới xuất hiện. Nhiều năm qua, Trung Quốc và các nước có liên quan kiên trì dùng phương thức hiệp thương hòa bình để đàm phán giải quyết, trước khi giải quyết, cần tăng cường đối thoại, quản lý và kiểm soát bất đồng, cùng bảo vệ ổn định và an ninh trên biển, đồng thời tích cực bàn thảo con đường hợp tác phát triển. Đối với quốc gia cá biệt đơn phương phá hoại đồng thuận, gây tranh chấp, cũng phải ngăn chặn".

Phát biểu của bà Oánh đúng là một phát biểu ngông cuồng. Như vậy là, trong mấy ngày qua, Trung Quốc đã 2 lần xuyên tạc cho rằng, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam từng "bị Nhật Bản xâm lược" và căn cứ vào các văn kiện quốc tế như "Thông cáo Potsdam" và "Tuyên bố Cairo" thì Trung Quốc phải "thu hồi" chúng. 

Như vậy, rõ ràng, đây là điều không thể chấp nhận. Cái này, các nhà nghiên cứu Việt Nam cần làm rõ và Việt Nam cần vạch mặt lừa đảo của Trung Quốc giữa cộng đồng quốc tế.

Tiếp theo, Phó Oánh cho rằng: "Ở thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, không thể tiếp tục sử dụng quan niệm và phương thức hơi một tí là chiến tranh và đối đầu của thế kỷ 19 để xem xét và xử lý vấn đề. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cách đây không lâu đã đưa ra quan điểm an ninh châu Á với nội dung chính là an ninh chung, an ninh tổng hợp, an ninh hợp tác và an ninh bền vững tại hội nghị cấp cao CICA lần thứ tư. Cần tích cực xây dựng ý thức hợp tác ứng phó thách thức, đi một con đường an ninh châu Á cùng xây dựng, cùng chia sẻ và cùng thắng".

Nhưng, rõ ràng là, Trung Quốc vẫn đang dùng sức mạnh, dùng vũ lực, dùng phương thức xâm thực mới - "tằm ăn dâu" để bành trướng lãnh thổ, để cướp biển, để khủng bố (ít nhất là đâm chìm tàu cá Việt Nam)... đấy thôi. Cho nên, con giun xéo lắm cũng quằn, chẳng ai chấp nhận sự bất bình đẳng, sự ăn hiếp, bắt nạt trong thời đại văn minh này. Cái này cũng cần vạch mặt Trung Quốc giữa cộng đồng quốc tế và phải kiên quyết đáp trả.

Hình ảnh Hải quân Việt Nam chiến đấu chống bọn xâm lược Trung Quốc ở đá Gạc Ma năm 1988
Hình ảnh Hải quân Việt Nam chiến đấu chống bọn xâm lược Trung Quốc ở đá Gạc Ma năm 1988
Đông Bình