Máy bay J-16, tàu vũ trụ Thần Châu Trung Quốc đều copy công nghệ Nga

10/02/2013 07:30
Đông Bình
(GDVN) - Báo Nga đã đánh giá như vậy, đồng thời cho biết Nga đang giữ vững ngôi vị thứ hai về xuất khẩu vũ khí, sau Mỹ.
Máy bay chiến đấu Su-35 do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu Su-35 do Nga chế tạo

Trang mạng rbth của Nga ngày 4/2 có bài viết cho rằng, mặc dù gặp phải trở ngại ở khu vực Trung Đông, nhưng Nga vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới.

Nga tuy đã mất đi đơn đặt hàng của Libya, Syria và Iran, nhưng khách hàng chủ yếu của họ như Trung Quốc, Ấn Độ, Venezuela, thậm chí Mỹ đều vẫn nằm trong danh sách khách hàng của Nga năm 2013.

Bài viết dẫn hồ sơ của tạp chí Forbes Mỹ phân tích về sự thật và số liệu ẩn đằng sau của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga.

Nga đã củng cố vị thế nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới. Năm 2012, tổng trị giá xuất khẩu vũ khí của Nga đạt 15,13 tỷ USD, tăng 2 tỷ USD so với năm trước.

Nếu tàu sân bay Vikramaditya (Nga cải tạo cho Ấn Độ) được thử nghiệm thành công, không bị đẩy lùi thời hạn bàn giao vào mùa thu năm 2013, thì tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí năm 2012 của Nga sẽ đột phá 17,4 tỷ USD.

Mặc dù sản phẩm của các nhà chế tạo vũ khí Nga chỉ có thể đạt 1/3 đồng nghiệp Mỹ, nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của họ và việc hoàn thành vượt mức kế hoạch thường niên hoàn toàn không khiến cho nhà cầm quyền và các ông trùm công nghiệp quốc phòng thất vọng.

Máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu MiG-29 do Nga chế tạo

Bài viết cho rằng, mất đi hợp đồng với Libya, Iran và Syria hoàn toàn không gây ảnh hưởng trực tiếp đối với xuất khẩu vũ khí của Nga.

Ngoài các khách hàng chính là Algeria, Venezuela, Việt Nam và Indonesia, thì Ấn Độ và Trung Quốc cũng ngày càng mua nhiều vũ khí của Nga. Năm 2012, trong danh sách khách hàng còn có thêm Azerbaijan, Iraq, thậm chí Mỹ. Mỹ có kế hoạch mua 70 máy bay trực thăng Mi-15 để trang bị cho Quân đội Afghanistan.

Một bản báo cáo của Viện nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho rằng, những năm gần đây, Nga đã học được cách tiến hành quan hệ linh hoạt với các khách hàng, cung cấp cho họ các biện pháp ưu đãi như điều kiện chi trả, cho vay, bồi thường…

Báo cáo còn nhấn mạnh, Nga sẵn sàng cấp giấy phép sản xuất vũ khí cho các thị trường quan trọng như Ấn Độ và Trung Quốc. Đương nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, hành động này sẽ tồn tại rủi ro, chẳng hạn Trung Quốc đã dùng “kỹ thuật đảo ngược” để sao chép máy bay chiến đấu của nước ngoài.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc, sao chép máy bay Su-30MK2 của Nga
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc, sao chép máy bay Su-30MK2 của Nga

Hành vi ăn cắp công nghệ của ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Chẳng hạn, năm 2011, Trung Quốc bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu J-16, đây chính là phiên bản sao chép của Su-30MK2 do Nga chế tạo, vì Trung Quốc đã từng mua loại máy bay này của Nga.

Trước đó, Trung Quốc không chỉ đã sản xuất các sản phẩm sao chép Su-27 và Su-33, mà cũng đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu - con tàu này có nhiều chỗ đã sao chép thiết kế và cấu tạo của tàu vũ trụ Soyuz Nga.

Năm 2012, nhà xuất khẩu vũ khí quốc doanh Nga – Rosoboronexport đã ký hợp đồng với Trung Quốc, cung cấp 52 máy bay trực thăng vận tải Mi-171E, trị giá 600 triệu USD. Đây rất có thể cũng chỉ là một giao dịch, bởi vì Quân đội Trung Quốc đã nhập máy bay trực thăng tương tự do châu Âu và Nga chế tạo.

Máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-17V-5 do Nga chế tạo.
Máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-17V-5 do Nga chế tạo.

Còn nhu cầu về các vũ khí khác do Nga chế tạo như thế nào? Tạp chí Forbes đã thống kê chi tiết từ năm 2008-2012:

Tên lửa đất đối không (SAM)

Năm 2012, hệ thống Pantsir-S1, một tên lửa đất đối không và pháo cao xạ phòng không, là một phần của giao dịch 4,2 tỷ USD được bán cho Iraq.

Ngoài 42 hệ thống Pantsir, Iraq cũng đã mua tới 30 máy bay trực thăng tấn công Mi-28N và máy bay chiến đấu MiG-29M/M2 (nguồn tin không chính thức, số liệu dẫn từ Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới, Viện nghiên cứu Quốc hội Mỹ).

Từ năm 2008-2011, Nga đã bán 7.750 quả tên lửa đất đối không cho các nước đang phát triển, Mỹ bán 944 quả, Tây Âu chỉ bán được 290 quả.

Hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1 do Nga chế tạo
Hệ thống tên lửa đất đối không Pantsir-S1 do Nga chế tạo

Xe bọc thép

Từ năm 2008-2011, Nga bán được 570 xe tăng và 490 xe bọc thép, Mỹ lần lượt bán 348 và 234 chiếc, Tây Âu lần lượt bán được 360 và 470 chiếc. Năm 2012, công ty Rosoboronexport Nga đã bán cho Bộ Quốc phòng Indonesia 37 xe chiến đấu bộ binh BMP-ZF, tổng trị giá 114 triệu USD.

Nga cũng biết cách tiêu diệt xe tăng – năm 2012, Nga đã bán đạn pháo Invar và tên lửa chống tăng Konkurs-M cho Ấn Độ, tổng trị giá gần 600 triệu USD.

Tên lửa chống tăng Konkurs do Nga chế tạo.
Tên lửa chống tăng Konkurs do Nga chế tạo.

Máy bay chiến đấu

Từ năm 2008-2011, Nga bán được 180 máy bay chiến đấu, con số này gấp 3,3 lần so với Mỹ, trong khi Tây Âu chỉ bán được 50 máy bay chiến đấu cho các nước đang phát triển.

Năm 2012, Nga ký với Ấn Độ hợp đồng linh kiện 42 máy bay chiến đấu Su-30MKI, trong đó Ấn Độ được phép lắp ráp, sản xuất ở trong nước, trị giá hợp đồng gần 1,5 tỷ USD. Một hợp đồng khác ký với Ấn Độ là thiết kế máy bay “khái niệm” – máy bay vận tải đa năng.

Ngoài ra, Trung Quốc và Nga đã ký hợp đồng cung ứng một lô động cơ cho các máy bay chiến đấu Su-27/Su-30.

Máy bay chiến đấu Su-30MKI (trên) của Ấn Độ, do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu Su-30MKI (trên) của Ấn Độ, do Nga chế tạo

Máy bay trực thăng

Từ năm 2008-2011, Nga bán 270 máy bay trực thăng cho các nước đang phát triển. Trong cùng kỳ, Mỹ bán được 52 chiếc, Tây Âu bán được 110 chiếc.

Tháng 12/2012, Nga bán máy bay trực thăng Mi-17V-5 trị giá gần 1 tỷ USD, đồng thời cung cấp 52 máy bay trực thăng Mi-171E cho Trung Quốc trị giá gần 600 triệu USD. 10 máy bay trực thăng Mi-17V-5 sẽ được Mỹ mua và trang bị cho Quân đội Afghanistan.

Máy bay trực thăng hạng trung Mi-171 của Trung Quốc, mua của Nga
Máy bay trực thăng hạng trung Mi-171 của Trung Quốc, mua của Nga

Trang bị tàu chiến

Từ năm 2008-2011, Nga bán 200 hệ thống tên lửa chống hạm, Mỹ bán được 176 hệ thống, Tây Âu chỉ bán được 60 hệ thống.

Năm 2012, dựa vào yêu cầu của chương trình số 11356, Nga bán 2 tàu hộ vệ cho Ấn Độ, trị giá gần 1 tỷ USD. Nga còn cho Ấn Độ thuê tàu ngầm động cơ hạt nhân Nerpa lớp Akula-II, Hải quân Ấn Độ đổi tên nó thành tàu ngầm INS Chakra.

Tàu ngầm động cơ hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga trong 10 năm.
Tàu ngầm động cơ hạt nhân Chakra-2 của Hải quân Ấn Độ, thuê của Nga trong 10 năm.
Đông Bình