Máy bay P-8 Mỹ tuần tra Biển Đông phối hợp với Nhật Bản răn đe Trung Quốc?

03/03/2015 08:15
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết cho rằng, Mỹ tích cực thúc đẩy đồng minh Nhật Bản và Philippines, tạo ra "chuỗi tranh chấp biển Hoa Đông-Biển Đông", hoàn thành đợt hiện diện mới.
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)

Tân Hoa xã ngày 1 tháng 3 đăng bài viết của Vương Hiểu Bằng thuộc cơ quan có tên gọi là "Trung tâm đổi mới hiệp đồng nghiên cứu Biển Đông - Trung Quốc". Theo bài viết, gần đây, Hải quân Mỹ tuyên bố, phi đội bay The Pelicans lực lượng hàng không Hải quân Mỹ điều khiển máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon đã tiến hành nhiệm vụ tuần tra do thám trên biển ở ngoài đảo Luzon, Philippines từ ngày 1 đến ngày 21 tháng 2 năm 2015.

Dẫn “truyền thông phương Tây”, bài viết cho rằng, đây là lần đầu tiên Mỹ chính thức thừa nhận điều động máy bay tuần tra săn ngầm Poseidon tiên tiến nhất tuần tra Biển Đông. Mỹ gần đây liên tiếp hiện diện quân sự trên Biển Đông đã lộ rõ 3 điểm tính toán.

Trước hết, theo tuyên truyền kiểu “đổ lỗi” của Tân Hoa xã, Mỹ muốn "làm phức tạp" vấn đề Biển Đông, "mở rộng" tranh chấp Biển Đông, từng bước tiến hành nâng cấp vai trò của Mỹ (chứ không phải do Trung Quốc tìm cách thực hiện lòng tham "đường lưỡi bò"?).

Theo tuyên truyền có chủ ý của bài báo, từ lâu, sự can dự của thế lực bên ngoài là nguyên nhân quan trọng làm cho vấn đề Biển Đông ngày càng phức tạp, Mỹ điều máy bay tuần tra tiên tiến nhất trinh sát Biển Đông có mục đích chính là "quấy rối" tình hình Biển Đông một cách toàn diện, làm cho cục diện phức tạp của Biển Đông từ đảo, đá ngầm, vùng biển leo thang lên trên bầu trời.

Bài viết cho rằng, lần này, Mỹ không hề e ngại thừa nhận họ tuần tra "vùng biển bên ngoài" đảo Luzon, liên hệ với sự kiện vào đầu tháng 2 Philippines tuyên truyền tàu công vụ Trung Quốc đâm tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough thì không khó phát hiện, hai nước Mỹ-Philippines đang diễn trò "hát đôi", họ muốn để tranh chấp Biển Đông từ khu vực Trường Sa kéo tới phía bắc Biển Đông, trong đó có bãi cạn Scarborough.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)

Bài viết nhận định, sự thực này cho thấy, Mỹ đang muốn tập trung tăng cường vai trò của họ trong tranh chấp Biển Đông, từ "người trung lập", "người tạo sự cân bằng" mà họ tuyên bố trước đây từng bước nâng cấp thành "trọng tài".

Thứ hai, theo bài viết trên Tân Hoa xã, Mỹ muốn phối hợp với hành động của Nhật Bản xây dựng căn cứ ở xung quanh đảo Senkaku, tiến hành đe dọa tuyến đầu đối với Trung Quốc, xây dựng "chuỗi tranh chấp biển Hoa Đông-Biển Đông". Ngay từ cuối tháng 1, Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ đã công khai khuyến khích Nhật Bản tuần tra Biển Đông, đối với vấn đề này, phản hồi của Nhật Bản là tích cực, nhưng mơ hồ.

Để tiếp tục khuyến khích Nhật Bản, cùng với việc Nhật Bản triển khai lực lượng giám sát bờ biển ở Yonaguni, lân cận đảo Senkaku, Mỹ cố ý lựa chọn đi đầu "tự thể nghiệm", tuyên bố việc tuần tra Biển Đông, chính là để lôi kéo Nhật Bản cùng can thiệp tranh chấp Biển Đông, xây dựng mô hình mới viện trợ cho Philippines, trong đó Mỹ phụ trách uy hiếp hải quân, Nhật Bản phụ trách hiệp đồng cảnh giới trên biển, tiếp tục xây dựng "chuỗi tranh chấp biển Hoa Đông-Biển Đông" nhằm ngăn chặn Trung Quốc.

Thứ ba, Tân Hoa xã cho rằng, Mỹ tìm cách "xúi giục" Philippines tiếp tục tuyên truyền vụ kiện trọng tài quốc tế Biển Đông, hoàn thành triển khai chiến lược châu Á-Thái Bình Dương đợt mới của Quân đội Mỹ.

Năm 2015, vụ kiện trọng tài quốc tế Biển Đông do Philippines thúc đẩy sẽ bước vào giai đoạn then chốt. Theo tuyên truyền của Tân Hoa xã thì giới luật pháp quốc tế ngày càng cho rằng, đơn kiện của Philippines có rất nhiều điều "tự mâu thuẫn" và "không phù hợp với sự thực" (!?).

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ (nguồn mạng sina TQ)

Để tiếp tục hỗ trợ cho Philippines, Hải quân Mỹ mới tích cực nhấn mạnh sự phối hợp kiểu "kề vai sát cánh" Mỹ-Philippines trong đợt tuần tra lần này. Nghiên cứu nguyên nhân sâu xa, Mỹ hướng tới tăng cường triển khai quân sự ở Philippines, liên kết hai cụm căn cứ lớn của họ ở khu vực Tây Thái Bình Dương, hoàn thành triển khai chiến lược châu Á-Thái Bình Dương đợt mới.

Trên đây là toàn bộ bài viết do cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước Trung Quốc tuyên truyền, tất nhiên có những thông tin khách quan, nhưng đằng sau cũng có nhiều ý đồ, cung cấp để độc giả rộng đường tham khảo.

Đông Bình